Indonesia tranh thủ 'ngoại giao dạ dày' ở thượng đỉnh G20

Một bữa tối phục vụ lãnh đạo của nhóm nước chiếm đến 80% GDP thế giới và 75% thương mại toàn cầu chắc chắn không giống bất kỳ bữa tối nào khác.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng phu nhân đón tiếp Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard dự tiệc chào mừng tối 15/11. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng phu nhân đón tiếp Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard dự tiệc chào mừng tối 15/11. (Ảnh: Reuters)

Indonesia, nước chủ nhà G20 năm nay, dùng cơ hội này để giới thiệu ẩm thực của mình, hỗ trợ nỗ lực kết bạn và gia tăng ảnh hưởng.

Nhân dịp dự thượng đỉnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các lãnh đạo khác dùng bữa tối ngoài trời, với món thịt bò rendang, cá tuyết hấp và măng tây kèm nước sốt nghệ Bali, tráng miệng với món bánh sô-cô-la Aceh. Trong bữa trưa hôm qua, để lấy sức dự hàng loạt cuộc họp, các lãnh đạo được chiêu đãi món thịt xiên nướng sa tế, thịt thăn wagyu, cơm, tempeh đậu nành và phồng tôm.

“Chúng tôi muốn các lãnh đạo và khách mời có ấn tượng tốt về Indonesia. Vì thế, chúng tôi phục vụ họ nhiều món ăn Indonesia và giới thiệu với họ về truyền thống ẩm thực phong phú của chúng tôi”, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho biết.

Đây là một phần mà giới học giả gọi là "ngoại giao dạ dày". “Đó là một cách ngoại giao công chúng, tận dụng giao tiếp bằng văn hóa ẩm thực quốc gia”, TS Wantanee Suntikul, người đã nghiên cứu về chủ đề này suốt 13 năm và đang giảng dạy về du lịch tại ĐH Bách khoa Hong Kong, cho biết.

“Với những cường quốc tầm trung, nếu không có quân đội hay báo chí mạnh, bạn có gì? Món ăn là một phần của quyền lực mềm có thể phục vụ chính trị”, TS Suntikul nói.

Các chủ nhà G20 chiêu đãi khách theo cách khác nhau. Năm 2018, Argentina, quốc gia Nam Mỹ đầu tiên đăng cai thượng đỉnh G20, mời khách bằng thực đơn đầy thịt, với bít tết sườn, thịt cừu Patagonia, bánh mì kẹp xúc xích phong cách đường phố. Tổng thống Mauricio Macri khi đó đang nỗ lực nối lại việc xuất khẩu thịt bò sang Mỹ.

Trong bữa tiệc năm 2016 tại Trung Quốc, ông Tập có bài phát biểu về “cây cầu hữu nghị” khi các lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Barack Obama khi đó, thưởng thức món cá chua ngọt với hạt thông nướng, tôm sốt trà, thịt cua sốt cam và bít tết kiểu Hàng Châu. Các món ăn được đặt trong bát đĩa bằng gốm vẽ tay do Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện đặt làm.

“Thức ăn luôn là ngôn ngữ phổ quát, vượt qua biên giới quốc gia và giới hạn. Đây là bữa tiệc xứng đáng với ngoại giao quốc tế tốt nhất”, báo chí Trung Quốc viết hồi đó.

Tại thượng đỉnh G20 gần đây nhất, diễn ra trước khi đại dịch COVID-19 bao trùm thế giới, Nhật Bản chiêu đãi khách quý bằng cá chiên giòn được trang trí tinh tế, thịt bò Tajima nướng trên than tre, bánh flan ngô ngọt kèm hoa quả và matcha. Cùng với sake và rượu vang, Nhật Bản cho biết họ đã chuẩn bị cuốn thực đơn gồm 15 ngôn ngữ để giải thích về kỹ thuật chế biến và cách các đầu bếp coi trọng tính bền vững như thế nào.

Các lãnh đạo G20 cũng có thể tận hưởng những khoảnh khắc ngẫu hứng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau lần này ngồi uống bia với Thủ tướng Anh Rishi Sunak, người thích uống một ly xoài trong khi bàn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

TS Suntikul cho rằng ngoại giao dạ dày thành công có thể mang lại lợi ích kinh tế lâu dài, như tăng cường xuất khẩu. “Càng nhiều người biết và quen thuộc với ẩm thực của bạn, như việc mở nhà hàng ở nước ngoài, bạn càng có cơ hội xuất khẩu hải sản và nông sản”, bà nói.

"Ngoại giao dạ dày" là thuật ngữ được báo The Economist sử dụng trong bài viết năm 2002 để nói về dự án của Thái Lan nhằm phổ biến ẩm thực của họ ra thế giới, bằng cách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và chứng nhận nhà hàng đạt chuẩn Thái Lan ở nước ngoài.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Peru và các quốc gia Bắc Âu cũng có những chương trình tương tự.

Bình Giang

Theo Bloomberg

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/indonesia-tranh-thu-ngoai-giao-da-day-o-thuong-dinh-g20-post1486825.tpo