Indonesia thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư để kiểm soát giá đường

Chính phủ Indonesia đang tăng cường sản xuất đường và nỗ lực thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp này nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và tăng giá vào năm 2021.

Công nhân bốc dỡ những bao tải đường nhập khẩu trên xe tải ở Semarang, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Công nhân bốc dỡ những bao tải đường nhập khẩu trên xe tải ở Semarang, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bộ Nông nghiệp Indonesia đang phối hợp với các doanh nghiệp nhà nước (SOE) để thâm canh 200.000 ha đất trên đảo Java và hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân mở rộng thêm 50.000 ha đất ngoài đảo Java để trồng mía. Mục tiêu nhằm nâng sản lượng đường lên khoảng 676.000 tấn vào năm 2023 và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Đầu năm nay, giá đường bình quân tăng vượt mức 20.000 rupiah (1,42 USD)/kg, cao hơn mức giá trần 12.500 rupiah/kg của chính phủ. Sự gián đoạn hậu cần do đại dịch COVID-19 cùng với sự thiếu hụt nguồn cung đã khiến đường tăng giá và đạt đỉnh vào tháng Tư. Theo dữ liệu của Trung tâm thông tin về giá thực phẩm chiến lược (PIHPS), vào ngày 24/11, giá đường trung bình ở mức 14.400 rupiah/kg, vẫn cao hơn khoảng 15% so với mức giá trần.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung đường diễn ra tại 30/34 tỉnh thành trong cả nước trong tháng Tư, Chính phủ Indonesia đã ban hành các chính sách nhằm đảm bảo nguồn cung trong ngắn hạn, như đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu.
Theo ông Musdhalifah Machmud, Phó điều phối viên kinh doanh nông sản và thực phẩm thuộc Văn phòng Bộ Điều phối kinh tế, ước tính sản lượng đường hàng năm của Indonesia phải đạt 5,9 triệu tấn, trong đó 52% dùng làm nguyên liệu sản xuất và phần còn lại cho tiêu thụ trực tiếp.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy sản lượng đường của Indonesia năm nay ước tính chỉ đạt 2,2 triệu tấn, chưa bằng một nửa nhu cầu ước tính. Do vậy, Indonesia phải nhập khẩu đường để bù đắp cho lượng thiếu hụt và đảm bảo dự trữ.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), năm 2019, quốc gia này đã nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn đường, trở thành quốc gia nhập khẩu đường lớn nhất thế giới. Trong đó, Thái Lan, Australia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Brazil là các nguồn nhập khẩu chính.
Nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, Chính phủ Indonesia cũng đang cố gắng thu hút đầu tư phát triển các nhà máy đường. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục nông nghiệp chế biến thuộc Bộ Công nghiệp Abdul Rochim, năm 2019 và năm 2020, Indonesia đã thu hút 4 dự án nhà máy sản xuất đường mới tại các tỉnh Đông Java, Nam Sumatra, Lampung, và Đông Nusa Tenggara với công suất sản xuất từ 6.000 đến 12.000 tấn mía mỗi ngày (TCD).
Ông Abdul cho biết khi phát triển các nhà máy đường mới, các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc cung cấp đất sạch và rõ ràng, cùng phát triển đồn điền trồng mía vốn mất khá nhiều thời gian.
Về phần mình, chuyên gia nông nghiệp Bustanul Arifin thuộc Đại học Lampung (Unila) ước tính để đạt được khả năng tự cung tự cấp đường, Indonesia cần phải mở rộng diện tích thêm 400.000-700.000 ha đất để trồng mía. Trong khi đó, Chính phủ sẽ không thể ép giá đường thấp hơn hoặc bằng giá trần nếu không có cơ quan hoặc người bán nào có thể bán ở mức giá đó./.

Hữu Chiến/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-thuc-day-san-xuat-va-thu-hut-dau-tu-de-kiem-soat-gia-duong/179233.html