Indonesia thành tâm dịch mới: Vì đâu nên nỗi?

Tâm lý chủ quan của chính quyền kết hợp sự thiếu ý thức chấp hành quy định của người dân khiến Indonesia trở thành tâm dịch COVID-19 của châu Á và khả năng của cả thế giới.

Với việc số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục vài tuần gần đây, Indonesia đang trở thành tâm dịch mới của châu Á và khả năng của cả thế giới. Tính đến ngày 18-7 (giờ địa phương), Indonesia vẫn còn hơn 520.000 ca bệnh đang điều trị trong khi số ca nhiễm mới mỗi ngày gần đây luôn trên dưới mức 50.000 ca, trong khi giới chức Indonesia vẫn chưa thể xác định được đỉnh dịch, theo đài CNN. Số ca bệnh tăng cao, hệ thống y tế quá tải đến mức bệnh nhân phải chờ có người xuất viện hoặc qua đời mới có được giường bệnh. Cuộc khủng hoảng hiện nay của Indonesia được cho có nhiều điểm tương đồng với làn sóng dịch từng nhấn chìm Ấn Độ vài tháng trước.

Bệnh nhân COVID-19 chờ được xếp giường bên ngoài BV Kariadi Semarang, TP Semarang (Indonesia) ngày 2-7. Ảnh: GETTY IMAGES

Bệnh nhân COVID-19 chờ được xếp giường bên ngoài BV Kariadi Semarang, TP Semarang (Indonesia) ngày 2-7. Ảnh: GETTY IMAGES

Đằng sau thảm kịch ở Indonesia

Tờ The Nikkei cho rằng có một số nguyên nhân chính dẫn tới việc Indonesia thất bại trong nỗ lực kìm hãm đại dịch. Người Indonesia theo đạo Hồi, vào khoảng tháng 5 có truyền thống trở về quê để tổ chức dịp lễ đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan - gọi là lễ hội Eid al-Fitr. Giới chức Jakarta đã lường trước nguy cơ bùng dịch nên từ đầu tháng 5 đã ban hành lệnh cấm di chuyển nhưng ít nhất hơn 1,5 triệu người vẫn phớt lờ quy định này để đoàn tụ với gia đình.

Chính quyền Indonesia sau đó vẫn không có động thái gì, phải mãi đến ngày 3-7 mới có thêm lệnh siết chặt hơn các biện pháp hạn chế đi lại. Thậm chí, việc siết chặt này ban đầu chỉ được một số chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương hưởng ứng. Đến khi làn sóng lây nhiễm đã không thể kiểm soát được thì Indonesia mới xác lập được quan điểm thống nhất từ trung ương tới địa phương phải phòng dịch mạnh tay hơn.

Cùng với đó, tâm lý tự thỏa mãn, xem nhẹ đại dịch của người dân cũng là một yếu tố khiến tình hình dịch COVID-19 ở Indonesia trở nặng. Dữ liệu theo dõi hành trình do hãng công nghệ Google (Mỹ) cung cấp cho thấy mức độ di chuyển của người Indonesia trong vài tháng qua tăng khá mạnh so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, việc di chuyển từ nhà riêng đến các tụ điểm vui chơi, ăn uống như nhà hàng, trung tâm mua sắm từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay chỉ giảm 9%, thấp hơn so với mức giảm 28% cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, biến thể Delta (xuất phát từ Ấn Độ) hiện cũng đang lây lan dữ dội ở Indonesia và làm công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn hơn. Theo một nghiên cứu mới đây từ Viện nghiên cứu Scripps Research (Mỹ), biến thể Delta chiếm 25% số ca mắc mới ở Indonesia, cao hơn mức 19% và 14% lần lượt ở Malaysia và Thái Lan. Một quan chức chính phủ Indonesia thừa nhận với The Nikkei rằng giới lãnh đạo nước này ban đầu không tính đến khả năng một biến thể mới như Delta xuất hiện và lây lan mạnh như hiện nay, dẫn đến chỉ giãn cách xã hội ở mức độ “lỏng”, không đủ mạnh để chặn đà lây nhiễm.

Tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp ở Indonesia là một vấn đề nghiêm trọng. Tính đến đầu tháng 7 thì chỉ mới có khoảng 6% dân số Indonesia nhận đủ hai liều và 9,2% được tiêm một liều. 85% số vaccine Indonesia đang sử dụng là các vaccine do Trung Quốc viện trợ nhân đạo, thực tế này khiến một bộ phận không nhỏ người dân không chịu đi tiêm do lo ngại chất lượng và độ an toàn của vaccine Trung Quốc.

114

bác sĩ Indonesia đã tử vong từ ngày 1 đến 17-7 - con số cao nhất từ trước đến nay và chiếm tới trên 20% trong tổng số 545 bác sĩ đã chết vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Đáng chú ý là các ca tử vong này xảy ra bất chấp tỉ lệ tiêm vaccine cho nhóm nhân viên y tế đạt 95% với vaccine được sử dụng là Sinovac của Trung Quốc, theo tờ The Straits Times.

Giải pháp trước mắt là gì?

Trước mắt, họp báo tuần trước, Bộ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và đầu tư Luhut Pandjaitan cho biết chính quyền đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất với số ca nhiễm COVID-19 trong ngày chạm mốc 100.000. Cụ thể đó có thể là chuyển đổi giường bệnh thông thường thành giường bệnh điều trị COVID-19, dựng thêm các bệnh viện dã chiến. Chính quyền cũng đang xem xét khả năng tiếp tục kéo dài biện pháp hạn chế đi lại khi thời hạn kết thúc vào ngày 20-7 (giờ địa phương). Song song đó, Jakarta đã gửi lời kêu gọi hỗ trợ vaccine tới sáu quốc gia gồm Nhật, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Trung Quốc, Úc và Mỹ. Indonesia còn đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ vaccine khẩn cấp thông qua cơ chế COVAX.

Trả lời hãng tin Al Jazeera, chuyên gia Angela Rasmussen thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) nhận định trong trường hợp của Indonesia thì việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn là biện pháp tốt nhất. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là vaccine không thể kìm hãm hoàn toàn sự xuất hiện và lây lan của các biến thể mới trong cộng đồng. Vì thế theo ông, “người dân cần hợp tác chặt với chính quyền nếu muốn thoát khỏi thảm kịch càng sớm càng tốt”.

Trong khi đó, chuyên gia Khor Swee Kheng, thuộc ĐH Liên Hợp Quốc, cho rằng Indonesia cần gấp rút tăng cường năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt ở những bệnh viện căng tải nhất. Chính quyền cũng cần có một cơ chế phúc lợi rộng rãi và toàn diện để hỗ trợ vật chất, tinh thần cho toàn bộ người dân, giúp họ có thể “ai ở đâu, ở yên đó” trong giai đoạn dịch bùng phát, giảm thiểu khả năng người dân vi phạm lệnh hạn chế đi lại vì mưu sinh.

Đồng quan điểm, chuyên gia Dicky Budiman thuộc ĐH Padjadjaran (Indonesia) nhận định Indonesia cũng như các nước khác trong khu vực không thể chỉ dựa vào chiến dịch tiêm chủng mà còn cần tập trung tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh. Việc tập trung phát hiện sớm, xét nghiệm và truy vết sẽ giúp cách ly kịp thời các ca bệnh, tránh hình thành thêm các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng. •

Nhiều nước Đông Nam Á cũng đang căng

Không chỉ Indonesia, nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đang phải chật vật đối phó với tình hình dịch ngày càng xấu. Thái Lan ngày 18-7 tiếp tục ghi nhận ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày vượt mốc 10.000 ca. Dịch bùng phát mạnh buộc Thái Lan mở rộng quy định giới nghiêm thêm ba tỉnh nữa thành tổng cộng 13 tỉnh cho đến ngày 2-8, theo tờ The Bangkok Post.

Tại Campuchia, số ca tử vong vẫn cao trong vài tuần qua khi dao động từ 20 đến 40 ca mỗi ngày. Một trong những mối lo ngại lớn hiện nay của Campuchia là số ca nhiễm từ nước ngoài về ngày càng tăng, hầu hết từ Thái Lan, kéo theo nỗi lo xuất hiện ca nhiễm biến thể Delta trong số đó. Theo tờ The Khmer Times, hệ thống chăm sóc y tế của Campuchia đang đứng bên bờ vực quá tải do số ca nhiễm mới tăng nhanh còn các bệnh nhân hồi phục chậm, đặc biệt tại các tỉnh đang có đợt bùng phát mới.

Ở Philippines, tờ The Manila Times ngày 19-7 dẫn lời Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire xác nhận nước này có ca tử vong thứ ba do nhiễm biến thể Delta. Bà Vergeire nhấn mạnh chính quyền đang tăng cường nỗ lực phòng chống dịch, cải thiện năng lực của hệ thống y tế...

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/indonesia-thanh-tam-dich-moi-vi-dau-nen-noi-1001963.html