Indonesia tham vọng trở thành trung tâm sản xuất của khu vực

Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch mở cửa nhiều lĩnh vực kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài và cải tổ luật lao động cứng nhắc để vươn lên trở thành trung tâm sản xuất tầm cỡ trong khu vực, vượt mặt Đức, Hàn Quốc và đứng ngang hàng với Trung Quốc.

Hôm 7-5, hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo sẽ dựa vào các ngành công nghiệp ô tô, hóa chất và điện tử để thúc đẩy mức đóng góp của ngành sản xuất lên 25% GDP của Indonesia vào năm 2025 so với mức 20,7% hiện nay.

Ông Airlangga Hartarto cho rằng mục tiêu này sẽ thúc đẩy xuất khẩu từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và giải quyết tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai (chủ yếu do nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu) của Indonesia.

“Mục tiêu của chúng tôi là trở thành trung tâm sản xuất của ASEAN”, ông Joko Widodo nói và nhấn mạnh Indonesia sẽ tìm cách vượt mặt Đức và Hàn Quốc để tiến đến đứng ngang hàng với Trung Quốc với tư cách là một trung tâm sản xuất mọi thứ từ xe điện cho đến các sản phẩm hóa dầu.

Ông Widodo, người chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống 5 năm lần thứ 2, đang nỗ lực hồi phục sinh khí cho ngành sản xuất vốn còn nhiều khó khăn của Indonesia để thúc đẩy tăng trưởng, khống chế tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai đã gia tăng lên mức kỷ lục trong năm 2018 và tạo ra hàng triệu việc làm.

Nền kinh tế Indonesia tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% do ông Widodo đề ra vì nước này phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa thô.

 Ngành sản xuất đang đóng góp 20,7% GDP của Indonesia. Chính phủ Indonesia muốn nâng tỷ lệ này lên 25% vào năm 2025. Ảnh: Bloomberg

Ngành sản xuất đang đóng góp 20,7% GDP của Indonesia. Chính phủ Indonesia muốn nâng tỷ lệ này lên 25% vào năm 2025. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, các sáng kiến của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất, gồm nới lỏng danh sách hàng trăm ngành nghề bị hạn chế đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện chính sách miễn giảm thuế có thời hạn (tax holiday) cho các công ty trong nước và nước ngoài, cải cách luật lao động.

Theo ông Hartarto, Tổng thống Widodo có được sự ủy nhiệm và sự ủng hộ chính trị lớn để giải quyết các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn luật lao động - một yếu tố then chốt cản trở các nhà đầu tư nước ngoài đến Indonesia. Theo kết quả kiểm phiếu ở khoảng 2/3 thùng phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 17-4, ông Widodo đang dẫn trước đối thủ Prabowo Subianto khoảng 12 điểm phần trăm, đưa ông hướng diến một chiến thắng với mức cách biệt số phiếu lớn hơn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014.

Hiện nay, khoản bồi thường mà các công ty ở Indonesia phải trả cho các công nhân bị sa thải ở mức cao nhất trong khu vực, theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Indonesia. Điều này dẫn đến một thị trường lao động cứng nhắc vì các công ty khó tuyển dụng và sa thải công nhân cũng như cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.

Chính phủ Indonesia cũng đang thuyết phục hãng xe Renault (Pháp) và hãng xe Volvo (Thụy Điển) đầu tư sản xuất xe điện ở Indonesia. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Hartarto cho biết trong khi thế giới chuyển động hướng đến xe điện, Indonesia đặt mục tiêu nâng tổng số xe điện lưu hành lên mức 20% tổng lượng xe của Indonesia vào năm 2025. Ông tiết lộ rằng lộ trình xây dựng ngành công nghiệp xe điện của Chính phủ Indonesia sẽ có sự tham gia của các hãng xe Nhật Bản Toyota, Mitsubishi cũng như các hãng xe điện Trung Quốc như BYD và Wuling Motors.

Ông nói: “Vài hãng xe đã tiến hành các dự án thử nghiệm sản xuất xe điện ở Indonesia như Mitsubishi, Toyota và Honda. Nếu họ xây dựng các xe mẫu và các dự án thử nghiệm, có nghĩa là họ cam kết đầu tư nhiều hơn”.

Tháng trước, Hartarto cho biết hãng xe Hyundai (Hàn Quốc) và hãng xe Volkswagen (Đức) đã bày tỏ quan tâm đến việc sản xuất xe điện ở Indonesia.

Tổng thống Widodo đã cam kết dành các ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư vào lĩnh vực xe điện trong khi đó, đưa ra các biện pháp khiến việc sở hữu xe sử dụng động cơ chạy xăng và diesel trở nên tốn kém hơn để giúp đất nước tiết kiệm khoảng 798 ngàn tỉ rupiah (56 tỉ đô la Mỹ) nhờ giảm sự phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu.

Indonesia muốn dựa vào các trữ lượng dồi dào của quặng nickel, một nguyên liệu thô quan trọng của pin xe điện, để thu hút các công ty nước ngoài đang tìm cách mở rộng sản xuất xe điện.

“Ngoài việc hồi phục sinh khí của ngành sản xuất, những gì Indonesia cần là phải tái sinh hệ thống sáng tạo với trọng tâm nằm ở nền kinh tế số hóa và sản xuất. Nguồn lực tiếp theo cho tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ đến từ năng lực của người dân Indonesia”, Bộ trưởng Hartarto nhấn mạnh.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288607/indonesia-tham-vong-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-cua-khu-vuc.html