Indonesia: Tăng ngân sách quốc phòng nhưng không theo 'Lý thuyết Mandala'

Ngân sách Bộ Quốc phòng Indonesia năm 2020 tương đương 9 tỷ USD, cho thấy Tổng thống Jokowi đã thực hiện đúng cam kết tranh cử, hướng tới nền quốc phòng chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ngân sách Bộ Quốc phòng Indonesia năm 2020 tương đương 9 tỷ USD. (Nguồn: AP)

Bộ Quốc phòng Indonesia (TNI) vừa đón nhận một sự kiện đặc biệt khi Hạ viện nước này thông qua việc phân bổ ngân sách năm 2020 cho TNI là 127.400 tỷ Rp (tương đương 9 tỷ USD) tại phiên họp toàn thể ngày 24/9/2019.

Chuyên nghiệp và hiệu quả

Động thái này không những cho thấy xu hướng cấp ngân sách cho Bộ Quốc phòng ngày càng tăng kể từ khi Thời đại Cải cách bắt đầu năm 1998, mà còn cho thấy khoản ngân sách này sẽ cao hơn tất cả các khoản ngân sách dành cho các bộ và tổ chức khác vào năm tới. Việc phân bổ ngân sách nhiều nhất cho quốc phòng cho thấy chính quyền của Tổng thống Indonesia Jokowi đã thực hiện cam kết tranh cử một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, người dân yêu cầu rằng, việc ngân sách tăng cho TNI - lực lượng bảo vệ tổ quốc - phải phù hợp với sự cải thiện về tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Sự chuyên nghiệp và hiệu quả của quân đội trong Thời đại Cải cách đã được liên kết với Chương trình hiện đại hóa quân sự (MEF) đang diễn ra.

MEF là kế hoạch trung hạn kéo dài 15 năm và được xây dựng để hỗ trợ TNI trong việc thay thế vũ khí đã lỗi thời được cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đưa ra vào năm 2010. Những chương trình và kế hoạch này sẽ kết thúc vào năm 2024, năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Jokowi.

Nằm trong danh sách mua sắm là thế hệ máy bay chiến đấu phản lực thứ tư cho Không quân, mua sắm tàu ngầm do Hàn Quốc sản xuất để trang bị cho Hải quân, mua sắm vũ khí bộ binh, pháo binh và thiết giáp cho Quân đội. Về kỹ năng và năng lực, việc các sỹ quan quân đội Indonesia thường xuyên trở thành nhà vô địch trong giải bắn súng trường ASEAN được tổ chức hàng năm và giải Kỹ năng vũ trang do Quân đội Australia tổ chức là bằng chứng có thể so sánh TNI với các lực lượng quân đội tiên tiến khác trên toàn thế giới.

Việc quân đội Indonesia sử dụng súng trường SS do nhà sản xuất vũ khí quốc doanh PT Pindad sản xuất trong cả hai cuộc thi bắn súng quốc tế vừa qua cũng phản ánh năng lực sản xuất vũ khí của nước này, cho dù vẫn cần được cải tiến công nghệ về súng và súng trường.

Ngoài Pindad với việc sản xuất súng, súng trường và xe bọc thép, Indonesia còn phát triển năng lực sản xuất tàu hải quân, thông qua công ty đóng tàu nhà nước PT PAL và máy bay phi thương mại, thông qua nhà sản xuất máy bay PT Dirgantara Indonesia (PTDI).

Hiện nay đã có một số nước đặt mua các loại vũ khí của PAL và PTDI, tuy nhiên số lượng không đáng kể so với các nhà sản xuất vũ khí của các nước tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh các kế hoạch hiện đại hóa vũ khí, Thời đại Cải cách cũng đã chứng kiến sự tái cấu trúc đáng kể của TNI. Kế hoạch tái cấu trúc dựa trên quy định của tổng thống năm 2016 nhằm tăng số lượng nhân sự ở một số vị trí nhất định và tạo ra các vị trí mới cho các sĩ quan cao cấp trong ba chi nhánh.

Tổng thống Wokowi đã thực hiện đúng cam kết tranh cử. (Nguồn: AFP)

Không phải mối đe dọa

Chương trình tái cấu trúc ban đầu đã đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà quan sát và giới chuyên gia, những người cho rằng, nó sẽ đi ngược lại tinh thần chuyên nghiệp, vốn đã là cam kết quốc gia về cải cách. Tuy nhiên, vào cuối tháng 7/2019, một đơn vị đặc biệt đã được thành lập, nhằm ngăn chặn các trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, bao gồm các cuộc tấn công khủng bố.

Đơn vị được đặt tên là Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt (Koopssus), bao gồm 400 nhân viên từ lực lượng đặc nhiệm của quân đội: Sư đoàn 81 đặc biệt (Gultor) của Lực lượng đặc biệt của Quân đội (Kopassus), Biệt đội Jalamangkara (Denjaka) Thủy quân lục chiến của Hải quân và Biệt đội Bravo 90 (Denbravo) của Quân đoàn đặc nhiệm không quân (Korpaskhas).

Tháng 9/2019, TNI đã thành lập Bộ chỉ huy khu vực phòng thủ chung (Kogabwilhan) tại ba vùng lãnh thổ của đất nước: một ở Tanjung Pinang, tỉnh Quần đảo Riau, một ở Balikpapan, Đông Kalimantan và thứ ba ở Biak, Papua. Các đơn vị mới được giao nhiệm vụ xử lý các tình huống khủng hoảng theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

Các chương trình hiện đại hóa và tái cấu trúc của TNI không phải lúc nào cũng được hoan nghênh cả ở trong và ngoài nước. Indonesia đang trong quá trình mua sắm máy bay chiến đấu phản lực và tăng số lượng tàu ngầm, tàu chiến cho hạm đội hải quân, cũng như mở rộng các đơn vị quân đội. Điều này có thể sẽ khiến các quốc gia khác, đặc biệt là các nước láng giềng, "khó chịu".

Theo quan sát từ trước đến nay, khi một quốc gia phát triển hiện đại hóa quân đội sẽ khuyến khích quốc gia khác làm theo. Trên thực tế, MEF chủ yếu nhằm mục tiêu thay thế các vũ khí và thiết bị lỗi thời.

Nhưng có lẽ, Indonesia nên nhấn mạnh rằng, chương trình hiện đại hóa quân sự của mình không liên quan đến "Lý thuyết Mandala" về chính sách đối ngoại của nhà khoa học chính trị Ấn Độ cổ đại Kautilya, trong đó, “hàng xóm bị coi là kẻ thù và kẻ thù của kẻ thù thì là bạn”, vì vậy, ngăn được việc những người khác và đặc biệt là các nước láng giềng cho rằng, Indonesia là mối đe dọa quân sự đối với họ.

Việc đạt được mục tiêu chuyên nghiệp, hiện đại và gắn kết khu vực của TNI không phải là điều dễ dàng, nhưng nó cũng không phải là điều không thể.

(theo Jakarta Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/indonesia-tang-ngan-sach-quoc-phong-nhung-khong-theo-ly-thuyet-mandala-102317.html