Indonesia sau thảm họa: Những câu chuyện nhói lòng

Muhammad Siadi có bộ dạng như một người trở về từ trận chiến. Anh là một trong số những người may mắn sống sót sau thảm họa kép tại đảo Sulawesi, nhưng những gì họ phải đối mặt để tồn tại cũng chẳng hề dễ dàng.

Trái tim rệu rã

Vào tối 28-9, anh Muhammad Siadi đang cùng vợ đổi bình gas tại căn nhà của họ ở Sigi, Palu, khi trận động đất mạnh 7.5 độ ritcher bất ngờ xảy đến. Trận động đất khiến bức tường trong nhà đổ sụp sau lưng của Siadi với một thanh sắt cứa vào cổ anh.

Anh Muhammad Siadi kể lại giây phút thảm họa ập đến ngôi nhà nhỏ của mình. Ảnh: The Guardian

Vợ của Siadi đã không may mắc kẹt dưới đống đổ nát của ngôi nhà, với tình trạng sức khỏe ngày một tệ đi. Cuối cùng, khi không thể cứu được vợ mình, anh cùng cậu con trai buộc phải rời đi để đảm bảo sự sống cho cả hai.

4 ngày sau thảm họa, Siadi đã nhận được những hỗ trợ y tế đầu tiên cho chấn thương ở cổ, nhưng dường như với anh, sự hỗ trợ ấy đã không còn kịp thời nữa.

Người dân đổ về các trạm xăng khiến tình trạng giành giật xảy ra. Ảnh: The Guardian

Trận động đất kéo theo sóng thần hôm 28-9 đã khiến hơn 1.300 người thiệt mạng, hàng nghìn căn nhà phá hủy, khoảng 59.000 người dân buộc phải di dời.

Văn phòng Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo cảnh báo hôm 1-10 rằng có khoảng 191.000 người cần giúp đỡ khẩn cấp sau trận động đất - sóng thần, trong số đó có 46.000 trẻ em và 14.000 người già.

Trong bối cảnh đó, các nhân viên cứu hộ vẫn đang chật vật đào bới tìm kiếm người sống sót dưới các đống đổ nát do thiếu hụt thiết bị và nhiên liệu.

1.400 tù nhân bỏ trốn

Kể từ ngày 1-10, hàng nghìn lượt người dân đã lũ lượt kéo về sân bay nội địa Palu với hi vọng nhận được thức ăn hay có thể đáp chuyến bay để di tản.

Người dân đổ xô đến sân bay với hi vọng được di tản sớm. Ảnh: The Guardian

The Guardian cũng cho biết, nạn trấn lột và cướp bóc ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay phá máy ATM cũng xảy ra do tình trạng thiếu thốn lương thực.

Ít nhất 1.400 tù nhân tại nhà tù địa phương cũng đã bỏ trốn sau khi các bức tường tại nhà tù sụp đổ, gây nên tình trạng hỗn loạn và bất ổn định tại đảo Sulawesi. Indonesia đã phải điều động một số lượng lớn cảnh sát để kiểm soát tình hình tại các điểm bán xăng và siêu thị địa phương.

Tại thành phố Palu, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau thảm họa, người dân phong tỏa các con đường để chặn các xe tải chở thực phẩm khiến cảnh sát không thể ngăn cản. Các biểu ngữ như "chúng tôi cần thức ăn", "chúng tôi cần hỗ trợ" được người dân treo trên phố.

Một số người "tranh thủ" lấy đồ ăn tại siêu thị và cửa hàng tiện ích. Ảnh: BBC

Nỗi lo sợ khủng hoảng

Các đoàn viện trợ Indonesia và quốc tế đang tiến đến Sulawesi, song với những người dân tại đây, mọi sự cứu trợ đang diễn ra "không đủ nhanh". Thế nhưng, việc vận chuyển trong điều kiện đường xá bị hư hỏng, sân bay chưa thể hoạt động bình thường, và nhất là đưa được đồ vào các khu vực hẻo lánh, là một thách thức lớn với đội ngũ cứu trợ.

Những người dân giành giật hàng viện trợ. Ảnh: The Guardian

Con đường ven biển vào Palu tiêu điều tới không thể nhận ra, toàn bộ ngôi làng phụ cận trở thành đống đổ nát. Iswa, 46 tuổi, người đã mất tất cả mọi thứ ngoại trừ chiếc áo sơ mi mặc trên người đã trở về tìm lại ngôi nhà mình.

Anh nói rằng khi sóng thần ập đến, mọi người không biết phải làm gì. Khi nhìn thấy mặt nước bắt đầu nổi bong bóng, bản năng thúc giục anh phải chạy về phía ngọn đồi để sống sót. Và khi anh trở lại nhà vào sáng hôm sau, mọi thứ chỉ còn là đống đổ nát.

Hơn 1.300 người đã thiệt mạng cùng hàng trăm người bị thương sau thảm họa kinh hoàng hôm 28-9. Ảnh: Reuters

Chính phủ Indonesia vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những người mất tích, mặc dù con số nạn nhân tính đến ngày 3-10 đã lên tới hơn 1.300 người.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 3-10 đã có chuyến thị sát lần 2 đến đảo Sulawesi và tiếp tục chỉ đạo công tác cứu hộ tại đây.

Người phụ nữ đi trên con đường đổ nát, không thể nhận ra được khung cảnh trước đây. Ảnh: The Guardian

"Những gì tôi thấy, đó là thiết bị đã được chuyển đến, viện trợ cũng đã bắt đầu đến mặc dù nó không phải ở mức tối đa, nhiên liệu cũng đã đến một phần", Channel News Asia dẫn lời ông Widodo trao đổi với các phóng viên.

Khi được hỏi về nỗ lực khôi phục điện, ông nói: "Đây là cả một quá trình. Quan trọng nhất, tôi đã yêu cầu địa phương mở lại các trung tâm kinh tế để mọi người bắt đầu trở lại các hoạt động hàng ngày, trong khi quá trình sơ tán vẫn tiếp tục, và sau đó là phục hồi và tái thiết".

"Chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình này để tất cả các nạn nhân có thể được tìm thấy", Tổng thống Indonesia khẳng định.

An Nhiên (T.H)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/nguoi-dan-indonesia-kiet-que-sau-tham-hoa-gio-thi-da-qua-muon-roi-513320/