Indonesia 'sa lầy' trong cuộc khủng hoảng COVID-19 như thế nào?

Số ca nhiễm và tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở Indonesia ngày càng tăng khiến Tổng thống Joko Widodo đã phải ban hành sắc lệnh tuyên bố đại dịch COVID-19 là 'thảm họa quốc gia'.

Theo Insider, Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào cho đến ngày 2/3. Theo BBC, tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại Indonesia là vấn đề đáng lo ngại khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này bị đánh giá là yếu kém, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa. (Nguồn ảnh: Insider)

Indonesia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất thế giới (khoảng 68%), và 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước này đều liên quan đến thuốc lá. Mặc dù phụ nữ hút thuốc ít hơn rất nhiều nhưng họ vẫn chịu ảnh hưởng của khói thuốc. Điều này có nghĩa là, người dân Indonesia dễ bị nhiễm virus corona, vì nó ảnh hưởng đến phổi.

Ngày 31/1, báo Sydney Morning Herald của Australia đưa tin, Indonesia thiếu thiết bị xét nghiệm (COVID-19), cụ thể là một chất cần thiết để phát hiện virus. Vì vậy, họ có thể bỏ sót những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia cũng chưa sẵn sàng đáp ứng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2017, Indonesia chỉ có 4 bác sĩ/10.000 người dân.

Khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, Indonesia lại đi một con đường khác. Mặc dù các chuyến bay từ Trung Quốc bị dừng từ ngày 5/2, Tổng thống Widodo hôm 17/2 công bố kế hoạch giảm giá 30% cho các hành khách đặt vé máy bay và chỗ ở để thúc đẩy ngành du lịch.

Ngày hôm sau, Indonesia vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putrano khi đó cho rằng việc cầu nguyện đã mang lại phước lành cho đất nước và đến nay chưa có ca nhiễm virus corona chủng mới nào.

Tuy nhiên, đến ngày 2/3, Indonesia xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Dù vậy, Tổng thống Widodo vẫn chưa quyết định phong tỏa đất nước. Thay vào đó, chính phủ tạm thời ngưng xuất khẩu khẩu trang và chất khử trùng.

Ngày 14/3, Tổng thống Indonesia thừa nhận, chính phủ đã không công khai thông tin về dịch COVID-19 vì "Chúng tôi không muốn dẫn đến sự hoảng loạn".

Đến ngày 20/3, Indonesia ghi nhận 269 ca nhiễm COVID-19. Trong tuần tiếp theo, lo ngại tăng lên khi nước này thiếu thiết bị bảo vệ cho các nhân viên y tế. Các báo cáo nói rằng, nhiều bác sĩ Indonesia phải mặc áo mưa thay đồ bảo hộ, và đến ngày 10/4, 26 bác sĩ ở nước này đã tử vong vì virus SARS-CoV-2.

Chính phủ bắt đầu cho xây dựng một bệnh viện mới có tên Galang, cũng như chuyển đổi một trung tâm thể thao ở Jakarta thành trung tâm y tế nhằm đối phó với dịch bệnh.

Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong thành phố vào ngày 20/3.

Vào cuối tháng 3, một nghiên cứu của Trung tâm mô hình toán học bệnh truyền nhiễm ở London (Anh) ước tính, chỉ có 2% ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia được báo cáo. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác minh.

Ngày 31/3, chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ phóng thích sớm 30.000 tù nhân để tránh nguy cơ lây nhiễm virus trong những trại giam đông đúc ở nước này. Tổng thống Widodo cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia.

Ngày 5/4, Indonesia trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, với 9%. Trước tình hình hiện tại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 là một thảm họa quốc gia.

Tính đến ngày 16/4, Indonesia ghi nhận trên 5.500 người mắc COVID-19, trong đó có hơn 490 người tử vong. Hiện tại, Indonesia là nước có số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất Đông Nam Á.

Mời độc giả xem thêm video: Cách nhận biết người có biểu hiện nhiễm virus corona (Nguồn video: VTC1)

Thiên An

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/nong-sau/indonesia-sa-lay-trong-cuoc-khung-hoang-covid-19-nhu-the-nao-1370541.html