Indonesia nỗ lực bảo vệ thằn lằn khổng lồ Komodo trước nguy cơ tuyệt chủng

Tờ Guardian (Anh) đưa tin, chính quyền Indonesia đang xem xét dừng đưa khách du lịch đến đảo Komodo - nơi được mệnh danh là 'hòn đảo của rồng Komodo' để bảo vệ loài thằn lằn khổng lồ này trước tình trạng báo động nạn buôn bán động vật. Đồng thời, phục hồi nguồn cung cấp thực phẩm trên đảo cho rồng Komodo.

Cảnh sát Indonesia cho biết hơn 41 con rồng Komodos đã được bán qua mạng xã hội Facebook

Cảnh sát Indonesia cho biết hơn 41 con rồng Komodos đã được bán qua mạng xã hội Facebook

41 rồng Komodo được rao bán qua mạng xã hội Facebook

Theo đó, các nhà chức trách đang xem xét việc không đưa khách du lịch đến hòn đảo Komodo trong một thời gian. Được biết, Komodo là một trong số khoảng 17.508 đảo của Indonesia. Đảo này có diện tích khoảng 390km2 và trên 2.000 người sinh sống. Đồng thời, Komodo là một phần của chuỗi các đảo có tên gọi chung là quần đảo Nusa Tenggara. Sinh vật đáng chú ý nhất tại đây là loài rồng Komodo bản địa đang bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng.

Komodo là một phần của Công viên quốc gia Komodo. Trong khi đảo Komodo đóng cửa, phần còn lại của công viên vẫn sẽ mở cửa phục vụ khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới. Thời gian đóng cửa tạm thời chưa được xác định nhưng theo nhiều nguồn tin, thời gian có thể kéo dài 1 năm. Trong khoảng thời gian đó, các nhà chức trách sẽ cho tiến hành trồng thảm thực vật bản địa và phục hồi nguồn cung cấp thực phẩm cho rồng Komodo, qua đó, từng bước tăng số lượng rồng Komodo.

Đây được đánh giá là nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền Indonesia trước nạn buôn bán trái phép các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hồi tháng 3-2019, Cảnh sát Đông Java đã bắt giữ 5 người vì cáo buộc buôn lậu rồng Komodo và các động vật được bảo vệ khác. Cảnh sát cho biết, các nghi phạm đã bán hơn 41 rồng Komodo thông qua mạng xã hội Facebook. Một số nguồn tin cho rằng, khách hàng mua rồng Komodo để làm thuốc với giá khoảng 500 triệu Rupiah (27.000 Bảng Anh) mỗi con.

Nghiên cứu về rồng Komodo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới

Thực chất, các cuộc thảo luận về việc đóng cửa hòn đảo Komodo đã diễn ra từ tháng 1-2019. Vào thời điểm đó, Thống đốc Đông Nusa Tenggara, Viktor Bungtilu Laiskodat đã đưa ra đề nghị đóng cửa Công viên quốc gia Komodo trong một năm. Thống đốc lo ngại rằng, số lượng thằn lằn khổng lồ đang giảm do thức ăn và môi trường sống bị thu hẹp. Trả lời phỏng vấn tờ Tempo của Indonesia, ông Viktor Bungtilu Laiskodat nói rằng: “Chính quyền tỉnh Đông Nusa Tenggara sẽ tổ chức lại và cải thiện Công viên quốc gia Komodo để có thể duy trì môi trường sống cho loài rồng này. Chúng tôi có kế hoạch đóng cửa nơi này cả năm. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để bảo vệ loài thằn lằn khổng lồ”.

Rồng Komodo, loài thằn lằn còn sinh tồn lớn nhất trên thế giới, có tên gọi như vậy là lấy theo tên gọi của đảo Komodo. Rồng Komodo sinh sống trên đảo Komodo cũng như trên một số đảo nhỏ khác nằm cận kề như Padar và Rinca, phía Đông Indonesia. Loài thằn lằn khổng lồ này có thể có chiều dài lên tới 3m và nặng hơn 150kg với cái đuôi mạnh mẽ, móng vuốt lớn và răng cưa. Là động vật ăn thịt, thức ăn chủ yếu của rồng Komodo là động vật ăn cỏ lớn như hươu và lợn. Ước tính, hiện có khoảng 5.700 con rồng Komodo trong tự nhiên. Chúng được liệt kê vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng và cần được được bảo vệ khẩn cấp.

Các nghiên cứu về rồng Komodo vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Dù được phát hiện từ những năm đầu thế kỷ XX nhưng mãi đến năm 2009, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng, rồng Komodo tấn công đối phương bằng vết cắn yếu nhưng có nọc độc làm cho đối phương nhiễm độc và chảy máu đến chết. Năm 2013, hai người đã được đưa đến bệnh viện sau khi bị rồng Komodo tấn công vào văn phòng một công viên động vật hoang dã ở miền Đông Indonesia.

Tường Phạm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/indonesia-no-luc-bao-ve-than-lan-khong-lo-komodo-truoc-nguy-co-tuyet-chung/806149.antd