Indonesia lao đao khắc phục 'thảm họa kép' động đất - sóng thần

Indonesia đang chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả khủng khiếp của 'thảm họa kép' động đất - sóng thần khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng và đẩy hàng chục nghìn người vào cảnh 'màn trời chiếu đất'.

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để cứu các nạn nhân còn kẹt trong đống đổ nát sau thảm họa kép động đất - sóng thần ở Sulawesi, Indonesia

Chính phủ Indonesia ngày 1-10 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ nước này trong công tác khắc phục hậu quả sau khi thảm họa động đất - sóng thần tàn phá đảo Sulawesi, cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.200 người. Thông tin chính thức xác nhận số nạn nhân thiệt mạng tính tới ngày 1-10 đã là 1.203 người và đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng trong “thảm họa kép” này, cùng hàng chục nghìn người mất nhà cửa.

Người đứng đầu Ủy ban Điều phối đầu tư (BKPM) Indonesia Tom Lembong cho biết, Tổng thống nước này Joko Widodo đã cho phép tiếp nhận hỗ trợ quốc tế phục vụ cho công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại sau thảm họa. Trong khi đó, hàng chục cơ quan viện trợ và tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế cũng thông báo sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Indonesia trong công tác cứu hộ, cứu trợ và tái thiết.

Nhiều quốc gia cho biết sẵn sàng hỗ trợ Indonesia khắc phục hậu quả sau trận động đất - sóng thần kinh hoàng. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo khoản viện trợ khẩn cấp 1,5 triệu euro (1,74 triệu USD) cho Indonesia, Hàn Quốc tuyên bố viện trợ nhân đạo 1 triệu USD, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chính phủ Australia khẳng định sẵn sàng hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu của phía Indonesia... Tất cả đều đang chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả “thảm họa kép”.

Trước đó, chiều 28-9, đảo Sulawesi của Indonesia đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh 6,1 độ richter và 7,5 độ richter, sau đó là sóng thần cao tới 6 m tràn vào phá hủy nhiều nhà cửa, công trình xây dựng, gây thương vong nặng nề. Ngoài ít nhất 1.200 người thiệt mạng, hiện giới chức Indonesia đang đặc biệt lo ngại về khu vực Donggala, nơi có khoảng 300.000 người dân sinh sống và nằm gần tâm chấn của trận động đất, cùng với 2 khu vực khác với dân số khoảng 1,1 triệu người vẫn chưa nhận được các báo cáo về tình hình thiệt hại. Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cảnh báo, số người thiệt mạng có thể lên tới “hàng nghìn người” khi việc kết nối với các khu vực xa được khôi phục và thông tin đầy đủ.

Trong nỗ lực níu giữ hy vọng mong manh, những người dân đang tuyệt vọng tìm kiếm người thân bị mất tích trong trận động đất - sóng thần đã đăng tải thông tin lên các mạng xã hội như Facebook với mong muốn được hỗ trợ. Theo đó, các gia đình đã đăng ảnh, chú thích miêu tả người thân mất tích cùng số liên lạc trên mạng xã hội với hy vọng có thêm thông tin khi mà thông tin liên lạc gián đoạn và một số khu vực vẫn không thể tiếp cận.

Sau những nỗ lực trước mắt để tìm kiếm người mất tích, cứu những người còn mắc kẹt trong các đống đổ nát cũng như khôi phục thông tin liên lạc và các dịch vụ thiết yếu, cấp bách… Indonesia sẽ cần nhiều thời gian và tiền bạc để ổn định cuộc sống cho hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi động đất - sóng thần, thảm họa mà khiến tất cả phải một lần nữa bàng hoàng trước sự tàn khốc của thảm họa thiên tai.

Chỉ riêng châu Á cũng đã xảy ra những “thảm họa kép” với thiệt hại vô cùng nặng nề như trận động đất - sóng thần ở Đông Bắc Nhật Bản năm 2011 làm tổng cộng 15.840 người thiệt mạng, 5.950 người bị thương và 3.642 người mất tích; ngay tại Indonesia đến nay vẫn còn kinh hoàng khi nhắc tới trận động đất lớn cường độ 9,1 độ richter ngày 26-12-2004 tạo sóng thần cao 30 m càn quét qua 14 quốc gia, cướp đi sinh mạng của gần 230.000 người...

Sự tàn khốc và thiệt hại nặng nề của các “thảm họa kép” động đất - sóng thần đòi hỏi những quốc gia ở những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng phải có thiết bị cảnh báo, đồng thời luôn sẵn sàng các kịch bản báo động, di dời một cách khẩn trương nhất.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/indonesia-lao-dao-khac-phuc-tham-hoa-kep-dong-dat-song-than/784917.antd