Indonesia hướng tới nền giáo dục hiện đại

Nhằm hướng tới nền giáo dục hiện đại, Chính phủ Indonesia đã thúc đẩy việc xây dựng lộ trình giáo dục mới phù hợp với giai đoạn phát triển trong tương lai.

Theo yêu cầu của Tổng thống Joko Widodo, Bộ Giáo dục và Văn hóa sẽ xây dựng lộ trình giáo dục hiện đại cho giai đoạn 2020-2035 theo xu hướng ứng dụng công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật… Đề cập về lộ trình giáo dục mới, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh, giáo dục đào tạo phải bám sát các yêu cầu của xã hội như việc dự đoán những thay đổi trong thị trường lao động, môi trường kinh doanh sau thời điểm Indonesia đang đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ông Widodo cũng cho rằng, nguồn nhân lực của Indonesia phải được xây dựng dựa trên bản sắc dân tộc, phát triển các giá trị văn hóa của đất nước. Các mục tiêu của hệ thống giáo dục phải được đo lường về chất lượng từ các cấp tiểu học, trung học và đại học và do vậy, cần cải thiện chất lượng giáo viên, chương trình giảng dạy và cơ sở hạ tầng trường lớp.

Theo giới chuyên gia giáo dục, việc xây dựng lộ trình giáo dục mới của Indonesia tương đối phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Lý do là, hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia đã dần thích nghi với những thay đổi lớn hiện nay, do đó, hệ thống giáo dục của Indonesia cũng cần phải thay đổi theo hướng chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều nước hiện đã điều chỉnh hệ thống giáo dục để đáp ứng nhu cầu thay đổi trong tình hình mới, như Australia đã thay đổi từ giáo dục mầm non, Phần Lan từ giáo dục tiểu học và trung học, Đức tập trung vào giáo dục nghề nghiệp và Hàn Quốc tập trung cho các trường đại học.

Theo khuyến nghị của giới chuyên gia, việc cải cách trong lĩnh vực giáo dục không chỉ do Bộ Giáo dục và Văn hóa thực hiện, mà cần sự phối hợp của cả cộng đồng, các bộ, tổ chức, chính quyền địa phương và cả quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Cải cách giáo dục không chỉ bao gồm các điều chỉnh về chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm và phương pháp đánh giá, mà còn liên quan đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp quyền truy cập vào công nghệ và cũng liên quan đến hỗ trợ tài chính.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia đã công bố 4 chính sách giáo dục mới mang tên Merdeka Belajar (Tự do học tập), trong đó có việc bãi bỏ các kỳ thi quốc gia (UN) từ năm 2021. Các UN sẽ được đổi thành kỳ thi “Đánh giá năng lực tối thiểu” và “Khảo sát nhân cách” với các nội dung gồm khả năng ngôn ngữ (đọc, viết), khả năng toán học và giáo dục nhân cách. Kỳ thi này sẽ được áp dụng đối với các học sinh giữa cấp, tức là các học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Kết quả của kỳ thi mới sẽ không được sử dụng làm cơ sở xét chuyển cấp. Chính phủ Indonesia hy vọng việc bãi bỏ các UN sẽ khuyến khích các giáo viên và trường học nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài việc bãi bỏ các UN, Chính phủ Indonesia cũng ban hành một chính sách mới liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá trường chuẩn quốc gia (USBN).

Theo kế hoạch, USBN sẽ được triển khai cho các trường học trên khắp cả nước bắt đầu vào năm tới. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia còn khuyến khích các trường học tích cực theo đuổi phương pháp giáo dục điện tử để giúp đất nước xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/indonesia-huong-toi-nen-giao-duc-hien-dai-667922.html