Indonesia đối mặt mối đe dọa khủng bố Jemaah Islamiyah

Từ đầu năm đến nay, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ ít nhất 30 phần tử bị tình nghi là thành viên của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah (JI). Những vụ bắt giữ này diễn ra ngay cả khi chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đứng sau các vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất tại quốc gia vạn đảo đã bị đặt nằm ngoài vòng pháp luật từ lâu và mạng lưới ngầm này được cho là không hoạt động.

Những vụ bắt giữ trên được tiến hành theo các quy định sửa đổi của đạo luật chống khủng bố năm 2018. Các chuyên gia phân tích cho rằng sự gia tăng các vụ bắt giữ cho thấy giới chức Indonesia coi JI là mối đe dọa ngay cả khi mạng lưới khủng bố này không còn tham gia các vụ bạo lực trong hơn 10 năm qua. Theo đó, mặc dù bị đặt ngoài vòng pháp luật nhưng JI vẫn có ngân quỹ, kỹ năng và các trung tâm đào tạo những thành viên mới và tiềm năng.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Indonesia hôm 30-9 vừa qua, Cảnh sát trưởng Quốc gia, Tướng Idham Azis, cho biết, 20 thành viên JI đã bị bắt từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay. Trong khi đó, theo người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia, Thiếu tướng Awi Setiyono, trong vòng một tháng qua, Biệt đội chống khủng bố Densus 88 đã bắt giữ thêm 10 nghi phạm. Những người bị bắt giữ bị nghi ngờ liên quan đến việc đào tạo võ thuật bất hợp pháp và tài trợ để hàng chục thành viên JI tới Syria trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2018.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cấp cao Muhammad Taufiqurrohman thuộc Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan và phi cực đoan hóa (PAKAR)- một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Jakarta, các vụ bắt giữ gần đây có liên quan nhiều hơn đến khả năng bạo lực trong tương lai. Ông Taufiqurrohman nói: "Hiện có những lo ngại rằng nếu JI không bị kiểm soát, sẽ có một vụ lớn, có thể nhằm mục tiêu vào người nước ngoài." Ông Taufiqurrohman cho biết các thành viên JI có kỹ năng tốt hơn thành viên các nhóm khủng bố khác có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng như Jamaah Ansharut Daulah (JAD) và Jamaah Ansharul Khalifah (JAK). Các thành viên JI rất thạo trong việc trốn tránh cảnh sát và một số tên còn là những kẻ chế tạo bom có kinh nghiệm được đào tạo ở Syria. Theo ông Taufiqurrohman, đối với Biệt đội cảnh sát chống khủng bố Densus 88, "đối phó với JI giống như tiến hành một cuộc chiến tranh du kích. Chúng rất khó truy tìm, trái với các thành viên của JAD vốn có xu hướng nghiệp dư và dễ bị bắt giữ".

Một nhóm tay súng Jemaah Islamiyah. Ảnh tư liệu

Một nhóm tay súng Jemaah Islamiyah. Ảnh tư liệu

Cảnh sát cáo buộc JI đã tiến hành một loạt vụ tấn công lớn hồi đầu những năm 2000, bao gồm hai vụ đánh bom tại Bali hồi năm 2002 và năm 2005 sát hại tổng cộng 225 người; vụ đánh bom hồi năm 2003 nhằm vào khách sạn J.W. Marriott ở thủ đô Jakarta khiến 12 người thiệt mạng; vụ tấn công hồi năm 2004 nhằm vào Đại sứ quán Australia khiến 9 người thiệt mạng và các vụ đánh bom kép tại khách sạn J.W. Marriott, Ritz Carlton ở Jakarta hồi năm 2009 khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 2 kẻ đánh bom liều chết.

Theo Thiếu tướng Awi, các nghi phạm JI bị bắt trong những tuần gần đây có liên quan đến Imarrudin - lãnh đạo JI của tỉnh Banten bị bắt giữ hồi tháng 5 vừa qua. Imarrudin được cho là đã thay thế người đứng đầu JI Para Wijayanto - người hồi tháng 7-2020 bị kết án 7 năm tù do tham gia JI sau khi tổ chức khủng bố này bị đặt ngoài vòng pháp luật hồi năm 2007.

Ông Taufiqurrohman cho rằng JI có thể đã bổ nhiệm một người đứng đầu mới, dựa trên các tài liệu bị chính quyền tịch thu từ các thành viên của JI bị bắt giữ tại tỉnh Yogyakarta trong tháng 10 vừa qua. Theo một báo cáo năm 2017 của Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) của Indonesia, dưới sự lãnh đạo của Para, các thành viên JI đã tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Thống đốc Jakarta lúc bấy giờ là ông Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama với cáo buộc báng bổ kinh Koran. Các cuộc biểu tình này đã đóng vai trò quan trọng dẫn đến việc ông Ahok tái tranh cử thất bại, bị bắt giữ và bị kết án - một chuỗi các sự kiện dường như củng cố ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của các nhóm tôn giáo cứng rắn tại quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới.

Báo cáo của IPAC cho biết, Para cũng khuyến khích các thành viên tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Theo đó, các học giả trẻ của JI - những người mà cách đó 5 năm còn cho rằng các tổ chức cần tập trung nhiều hơn vào mục tiêu cuối cùng là xây dựng một nhà nước Hồi giáo và xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức Hồi giáo khác - hiện đang ở vị trí có ảnh hưởng lớn hơn.

Ông Taufiqurrohman cho biết, một nghiên cứu của PAKAR cũng chỉ ra rằng các thành viên của JI có liên hệ với một chính đảng Hồi giáo mới được thành lập là Majelis Syuro Muslimin Indonesia (Masyumi). JI được tài trợ tương đối tốt. Nguồn tài trợ của JI có xuất xứ từ 5-10% thu nhập hàng tháng của các thành viên và các khoản đóng góp từ khoảng 20 trường nội trú Hồi giáo chủ yếu đóng tại tỉnh Trung Java. Ông Taufiqurrohman cho biết các thành viên của JI còn điều hành các DN, trong đó có các đồn điền trồng cọ dầu, Cty vận tải hàng hóa và nhà thầu dịch vụ vệ sinh.

Ông Taufiqurrohman nhấn mạnh: "JI rất giàu có và các nhà lãnh đạo của tổ chức này được trả rất nhiều tiền". Đồng thời, ông cho biết thêm ước tính JI đang có hơn 100 thành viên. Nhà nghiên cứu Taufik Andrie thuộc Viện nghiên cứu xây dựng hòa bình quốc tế có trụ sở tại thủ đô Jakarta cho biết giới chức khó có thể đóng cửa các trường liên kết của JI trừ khi có bằng chứng rõ ràng về các hoạt động tội phạm.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/indonesia-doi-mat-moi-de-doa-khung-bo-jemaah-islamiyah-218842.html