Indonesia: Đất đai quanh thủ đô mới hết sốt

Việc chọn Penajam Paser Utara và Kutai Kertanegara làm thủ đô mới vào tháng 8 năm ngoái đã thổi bùng cơn sốt đất tại đây.

 Tổng thống Joko Widodo thị sát một khu vực sẽ thuộc thủ đô mới ở Penajam Paser Utara. Ảnh: merdeka.com.

Tổng thống Joko Widodo thị sát một khu vực sẽ thuộc thủ đô mới ở Penajam Paser Utara. Ảnh: merdeka.com.

1 năm đã trôi qua từ khi đại kế hoạch chuyển thủ đô khỏi Jakarta chật chội đến các thành phố Penajam Paser Utara và Kutai Kartanegara kém phát triển thuộc tỉnh East Kalimantan được công bố, câu hỏi từng nóng hổi “Anh còn đất bán không” dường như đã nguội lạnh.

Jakarta ô nhiễm và quá tải bị cho là làm thiệt hại cho nền kinh tế Indonesia 7 tỷ USD mỗi năm. Không những thế, biến đổi khí hậu và thay đổi địa chất khiến nó thấp dần so với mực nước biển và có thể ngập ngủm vào năm 2050 nếu tốc độ chìm dần duy trì như hiện nay.

Được đặt vào thế tương phản, Penajam Paser Utara cùng Kutai Kertanegara được Tổng thống Joko Widodo mô tả vừa có ưu điểm nằm ở giữa đất nước, vừa đối mặt nguy cơ bị thiên tai ở mức thấp nhất, bên cạnh lợi thế là chính phủ đã sở hữu 180.000ha.

Việc chọn Penajam Paser Utara và Kutai Kertanegara làm thủ đô mới vào tháng 8 năm ngoái đã thổi bùng cơn sốt đất tại đây. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 cũng như tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quá chậm chạp, đến nay cơn sốt đã nguội lạnh, dù các nhà đầu tư tiếp tục quảng cáo giá trị tương lai chưa bao giờ hết hấp dẫn.

Do dịch Covid-19, các dự án phát triển thủ đô mới tương đương 32 tỷ USD đã bị tạm ngừng hoặc chuyển mục đích ưu tiên. Trên nguyên tắc không có dự án nào bị đình trệ, chính phủ nói sẽ xúc tiến vào thời điểm thích hợp.

Thực tế thì chuyện đất đai không còn được nhắc nhiều ở địa phương. “Chẳng mấy ai bàn đến đất nữa, 1 năm trước thì khác hẳn, ai đến ăn ở nhà hàng của tôi đều rôm rả đất chỗ này chỗ khác giá tăng mỗi ngày bao nhiêu”, Eko chủ một quán ăn ở Penajam Paser Utara cho biết.

Debi - một cư dân ở Balikapan cách đó 80km cũng nói rằng giá đất ở đó tăng theo nhờ hiệu ứng chuyển thủ đô, giờ thì đóng băng như nhau. Balikapan được xem như thành phố vệ tinh cho thủ đô mới trong kế hoạch của chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia phụ trách dự án thủ đô mới, ông Suharso Monoarfa cho biết kế hoạch chi tiết vẫn đang được triển khai.

“Có các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước vẫn làm việc với chúng tôi vè cơ hội tham gia”, ông nói. Indonesia đang kêu gọi thêm các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ ASEAN rót vốn cho dự án thủ đô mới. “Hy vọng đó sẽ là biểu tượng cho tình hữu nghị của ASEAN”, theo Bộ trưởng Monoarfa. Ông cũng hy vọng dịch Covid-19 sớm qua để các kế hoạch không bị đình trệ.

Dường như giwois đầu cơ vẫn âm thầm thâu tóm đất đai quanh khu vực thủ đô mới. Hồi tháng 6, vụ mua bán đảo Malamber rộng 6,4ha bị xác định là trái phép gây ồn ào dư luận. Malamber thuộc tỉnh West Sulawesi, nhưng nó lại nằm sát bờ biển tỉnh East Kalimantan. Đảo này vốn chỉ có 6 gia đình sinh sống, lại được bán cho thị trưởng Penajam Paser Utara với giá rẻ bèo trong khi mua bán đảo là bất hợp pháp ở Indonesia nên dư luận mới chú ý.

Đức Huy

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/indonesia-dat-dai-quanh-thu-do-moi-het-sot-d272752.html