Indonesia chật vật xử lý hậu quả động đất, sóng thần

Nhà chức trách Indonesia đang cố gắng huy động càng nhiều càng tốt lương thực, hàng viện trợ và thiết bị tới đảo Sulawesi...

Lực lượng cứu hộ di chuyển thi thể nạn nhân khỏi đống đổ nát

Nhà chức trách Indonesia đang cố gắng huy động càng nhiều càng tốt lương thực, hàng viện trợ và thiết bị tới đảo Sulawesi, nơi vừa bị động đất tấn công. Số người chết trong thảm họa động đất, sóng thần đã tăng lên con số trên 830 người, trong khi những người sống sót đang cố gắng nhặt nhạnh thức ăn và loay hoay tìm nơi trú ẩn.

Tiếng khóc từ những đống đổ nát

Hàng chục người vẫn đang bị mắc kẹt trong những đống đổ nát của một số khách sạn và một trung tâm mua sắm ở thành phố du lịch Palu, sau thảm họa kép động đất 7,5 độ richter và sóng thần cao tới 6m ngày 28/9 vừa qua.

Nhân viên cứu hộ cho biết, họ nghe thấy tiếng nói và tiếng trẻ con khóc trong đống đổ nát của khách sạn Roa Roa. Tuy nhiên, họ không có đủ thiết bị để giải cứu tất cả số người này ngay lập tức.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói với các phóng viên ở Jakarta ngày 1/10 rằng, cứu những người bị mắc kẹt là ưu tiên hàng đầu, dù cho tại nhiều nơi việc cứu hộ bị gián đoạn vì thiếu các thiết bị hạng nặng để dịch chuyển những tấm bê tông đổ sập, hay tiếp cận các khu vực bị chia cắt sau vụ sạt lở đất và cầu sập.

“Việc sơ tán vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, những trang thiết bị cứu hộ cần thiết đã được chuyển đến Palu vào đêm 30/9. Song song với đó, thực phẩm sẽ được vận chuyển bằng máy bay quân sự tới vùng bị nạn”, ông Widodo khẳng định.

Hầu hết các ca tử vong trong số 832 trường hợp (chính thức được thống kê) được xác nhận ở Palu, thành phố với khoảng 380 nghìn dân, nơi chính quyền đang chuẩn bị một mộ chôn tập thể dành cho số người chết ngay sau khi họ được xác định danh tính.

Tuy nhiên, gần 3 ngày sau trận động đất, mức độ thảm họa vẫn chưa được làm rõ - số người chết có thể lên tới hơn 1 nghìn người, khi các lực lượng cứu hộ chỉ mới đang bắt đầu tiếp cận được các khu vực xung quanh TP Palu, nơi những ngôi nhà bị “nuốt chửng” trong vụ động đất.

Những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là làng chài Donggala (với khoảng 300 nghìn dân) ở phía Bắc Palu, gần tâm chấn của trận động đất, và hai huyện khác, đã bị mất liên lạc từ thứ sáu tuần trước.

Cứu trợ khẩn cấp lương thực

Nhiều đoạn video ghi lại cảnh tượng TP Palu vào ngày 1/10 cho thấy, nhiều đống lộn xộn gồm nhà, ô tô và cây cối bị nghiền nát, đan chặt vào nhau sau trận động đất. Nhiều công trình dân sinh và đường giao thông nứt gãy, cảnh tượng hoang tàn xuất hiện ở mọi nơi.

“Ước tính có nhiều nạn nhân trong khu vực này. Việc di tản rất khó khăn vì nhiều ngôi nhà bị chôn trong đất. Trong khi nguồn cung nhiên liệu đang rất hạn chế. Thiếu xăng dầu khiến các máy phát điện, máy bơm nước ngừng hoạt động”, ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia cho biết.

Trong khi đó, khi được hỏi về các báo cáo tình trạng hôi của và cướp bóc của người dân vùng bị nạn, Bộ trưởng Nội vụ Tjahjo Kumolo nói rằng, ông đã ra lệnh cho các nhà chức trách giúp mọi người lấy thức ăn và đồ uống. Các doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ được bồi thường.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy lượng lớn người dân hét lên: “Chúng tôi đói, chúng tôi cần thức ăn” khi binh lính phân phối khẩu phần ăn từ chiếc xe tải trong một khu phố.

Người đứng đầu Cơ quan Hậu cần Nhà nước Budi Waseso cho biết, đang chuẩn bị gửi hàng trăm tấn gạo tới các khu vực ở miền Trung Sulawesi bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati công bố mức phân bổ 560 tỷ rupiah (37,58 triệu USD) để khôi phục lại các khu vực sau thảm họa.

Song song với những nỗ lực này, các máy bay quân sự đang đưa người bị nạn ra khỏi Palu. Quan chức quân sự Bambang Sudewo nói trên Metro TV, “toàn bộ máy bay quân sự đang được huy động để cứu hộ. Chúng tôi hy vọng di tản được 1.500 người mỗi ngày, ưu tiên trẻ em, phụ nữ và người bị thương”.

Dấu hỏi cho hệ thống cảnh báo

Indonesia nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương đang hoạt động địa chấn. Vì thế, nơi đây đã rất quen thuộc với các trận động đất và sóng thần chết người. Năm 2004, một trận động đất ở đảo Sumatra đã kích hoạt một cơn sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương làm chết 226 nghìn người ở 13 quốc gia, trong đó có hơn 120 nghìn người tại Indonesia.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao các hệ thống cảnh báo được thiết lập sau thảm họa trên dường như không giúp ích gì trong việc cảnh báo thảm họa hôm thứ sáu tuần trước. Và tại sao nhiều người ở các khu vực ven biển không di chuyển lên vùng đất cao hơn sau trận động đất lớn, ngay cả khi không có cảnh báo chính thức.

Phát ngôn viên Nugroho nói rằng, không có phao sóng thần nào tại Indonesia (một loại dụng cụ được sử dụng để phát hiện sóng do động đất dưới biển). Ông đổ lỗi cho một khoản tài trợ.

Cơ quan Khí tượng và Địa vật lý BMKG đã ban hành một cảnh báo sóng thần sau trận động đất nhưng lại gỡ xuống 34 phút sau đó, vì cho rằng cảnh báo được đưa ra quá vội vàng. Tuy nhiên, các quan chức ước tính sóng thần bắt đầu tấn công trùng với thời điểm cảnh báo được đưa ra.

Thông tin về 10 sinh viên Việt Nam trong vụ động đất

Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia phát đi sáng 1/10, Đại sứ quán đang tích cực và khẩn trương triển khai phương án đưa 10 sinh viên Việt Nam rời Palu về Jakarta.

Đại sứ quán đã gửi công hàm tới các cơ quan chức năng của Indonesia, trực tiếp Đại sứ Việt Nam cũng liên hệ với Thứ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp luật và An ninh (cơ quan điều phối cứu trợ của Indonesia) để đề nghị giúp đỡ.

Đến nay, 10 sinh viên đã về tới sân bay tại Palu an toàn và được chu cấp ăn uống đầy đủ để chờ được bay về Jakarta.

Phía Indonesia cho biết, sân bay đang bị hỏng, chưa thể hoạt động bình thường, mới chỉ có máy bay quân đội hoạt động, cất, hạ cánh bằng mắt thường. Sân bay đang ưu tiên các chuyến bay vận chuyển đồ cứu trợ nhân đạo, giúp vận chuyển người bị thương, người già.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với các sinh viên và đề nghị phía Indonesia hỗ trợ các sinh viên Việt Nam ở mức tốt nhất có thể và thu xếp cho các sinh viên được lên chuyến bay đến Jakarta sớm nhất.

Trần Trang

Thùy Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/indonesia-chat-vat-xu-ly-hau-qua-dong-dat-song-than-d273929.html