Indonesia chật vật lo năng lượng sạch

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong (SCMP), dư địa tăng trưởng của Indonesia có thể khiến nước này trở thành nhân tố đóng góp lớn nhất cho nhu cầu năng lượng đang tăng vọt của khu vực Đông Nam Á, và là một điểm nóng toàn cầu về nhu cầu năng lượng như Ấn Độ và Trung Quốc.

Khai thác than đá ở đảo Borneo, Indonesia. Ảnh: JP

Nhu cầu điện của Indonesia - quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á với hơn 250 triệu người - được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong 10 năm tới, và gấp 3 lần so với năm 2010. Điều này xuất phát từ sự thay đổi to lớn về nhân khẩu học trong lực lượng lao động quốc gia. Cụ thể là trong 10 năm tới, gần một nửa dân số Indonesia sẽ gia nhập lực lượng lao động. Sự gia tăng của lực lượng lao động cũng kéo theo nhu cầu về năng lượng.

Viễn cảnh đó tương tự như các nơi khác ở Đông Nam Á. Nhưng trong khi các nước láng giềng đã dành nhiều năm phát triển các giải pháp năng lượng, thì Indonesia không đàm phán một hợp đồng năng lượng tái tạo mới nào trong 3 năm qua. Sự tụt hậu của Indonesia so với các láng giềng đã làm cho nước này khó chạm mục tiêu đạt tỷ lệ 23% năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn điện năng của nước này vào năm 2025 từ mức 12% hiện nay.

"Nếu các bạn (Indonesia) muốn đáp ứng mục tiêu 23% vào năm 2025, thì kể từ năm 2020, 80% công suất điện năng mới phải đến từ năng lượng tái tạo"- Fabby Tumbiwa, giám đốc Viện Cải cách các dịch vụ thiết yếu (IESR) tại Jakarta, nhận định. Do vậy, 2020 là "năm quyết định" về năng lượng sạch cho Indonesia. Hiện tại, chưa đến 10% công suất điện bổ sung hàng năm tại Indonesia đến từ nguồn nhiên liệu tái tạo.

Năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo nói rằng giảm dùng than sẽ trở thành quốc sách và tuyên bố trước công chúng rằng sự bền vững là một mục tiêu quốc gia. Trong nỗ lực thực hiện ưu tiên đó, Bộ trưởng Năng lượng và Các nguồn khoáng sản Arifin Tasrif tháng trước thông báo chính phủ sẽ thay thế các nhà máy điện than từ 20 tuổi trở lên bằng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu tái tạo. Indonesia gần đây cũng ký 11 thỏa thuận thương mại đạt tổng giá trị 23 tỉ USD với Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bao gồm việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Song theo một báo cáo hồi năm 2018 của Tập đoàn kiểm toán hàng đầu thế giới PwC, 94% các nhà đầu tư tin rằng tình trạng không chắc chắn trong quy định là một rào cản lớn đối với việc đầu tư vào sản xuất điện quy mô lớn ở Indonesia.

Bất chấp việc than là nhiên liệu giúp cung cấp khoảng 60% nhu cầu điện của đất nước, Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi phần đóng góp của năng lượng tái tạo. Nhưng theo Reuters, than vẫn sẽ chiếm phần lớn nguồn cung cấp điện cho đất nước vạn đảo, ít nhất là cho đến năm 2028.

NG. CÁT

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/indonesia-chat-vat-lo-nang-luong-sach-a117837.html