Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc gia

Tổng thống Indonesia Joko Widodo chiều nay đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc gia sau khi nước này ghi nhận 1.414 ca nhiễm và 122 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.

Hành khách đợi tàu tại nhà ga Tanah Abang, Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Hành khách đợi tàu tại nhà ga Tanah Abang, Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

NDĐT - Tổng thống Indonesia Joko Widodo chiều nay đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc gia sau khi nước này ghi nhận 1.414 ca nhiễm và 122 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.

Sau đó, Tổng thống Widodo đã công bố các biện pháp nhằm giúp người có thu nhập thấp vượt qua đại dịch này, trong đó có mở rộng phúc lợi xã hội, hỗ trợ thực phẩm và miễn, giảm tiền điện.

Ông Widodo cho biết, ông dự định thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động di chuyển giữa các khu vực trong nước và triển khai chính sách cách ly xã hội trên quy mô rộng lớn.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cùng ngày cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Indonesia để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với người nước ngoài có giấy phép cư trú và người đến Indonesia phục vụ công việc ngoại giao. Chính phủ Indonesia dự định công bố quy định này trong ngày hôm nay.

Ngoài ra, Indonesia cũng có kế hoạch trả tự do khoảng 30 nghìn tù nhân nhằm tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong các nhà tù quá đông đúc. Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) đã quyết định hoãn tổ chức cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới nhằm ngăn dịch Covid-19 lây ra các vùng nông thôn. Theo KPU, quyết định hoãn bầu cử là “lựa chọn khả thi nhất” trong bối cảnh một số thành viên của cơ quan này đã mắc Covid-19.

Bộ Y tế Philippines hôm nay cho biết, nước này vừa ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 10 ca tử vong và 538 ca nhiễm, nâng tổng số ca tử vong và mắc bệnh trong nước lần lượt là 88 và 2.084.

Myanmar đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 tại nước này sau khi một người bệnh (nam giới, 69 tuổi, mắc bệnh ung thư) đã qua đời tại TP Yangon sáng nay. Theo Bộ Y tế Myanmar, trước đó, người đàn ông này đã đến Australia để chữa bệnh và quá cảnh tại Singapore trên đường trở về nhà.

Đến nay, Myanmar đã xác nhận 14 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó phần lớn là người đã đi nước ngoài trong thời gian gần đây. Cuối tuần qua, Bộ Y tế Myanmar cảnh báo, nước này rất có nguy cơ phải đối mặt với một đợt bùng phát lớn khi hàng chục nghìn người di cư làm việc tại Thái Lan trở về nước trước khi biên giới đóng cửa.

Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài tại châu Á

Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài tại châu Á - Thái Bình Dương và các biện pháp hiện nay nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ giúp các nước trong khu vực có thêm thời gian chuẩn bị cho kịch bản virus lan rộng trong cộng đồng ở quy mô lớn. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai vừa đưa ra nhận định này trong buổi họp báo trực tuyến ngày 31-3.

Theo ông Kasai, dù các nước đã triển khai mọi biện pháp thì nguy cơ lây nhiễm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không chấm dứt chừng nào đại dịch vẫn tiếp diễn.

“Dịch bệnh sẽ còn kéo dài tại châu Á và Thái Bình Dương. Đây sẽ là một cuộc chiến dài hạn và chúng ta không thể mất cảnh giác... Tất cả các quốc gia cần tiếp tục chuẩn bị ứng phó với sự lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn ”, ông Kasai cảnh báo.

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, các nước có nguồn lực hạn chế, như các quốc đảo Thái Bình Dương, thường phải chuyển mẫu bệnh phẩm tới các nước khác để xét nghiệm. Việc này sẽ khó khăn hơn khi các nước triển khai các biện pháp hạn chế đi lại. Do đó, WHO sẽ dành ưu tiên cho các quốc gia này.

Ông Kasai cũng lưu ý, các quốc gia đang có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm không nên bị mất cảnh giác vì chủng virus mới này có thể hoành hành trở lại. Cố vấn chuyên môn của WHO, ông Matthew Griffith cho rằng, châu Âu là tâm chấn của đại dịch nhưng tâm chấn vẫn có thể chuyển dịch sang khu vực khác.

Theo báo cáo tình hình dịch Covid-19 của WHO công bố ngày 30-3, khu vực Tây Thái Bình Dương đã ghi nhận gần 104 nghìn ca bệnh và hơn 3.600 ca tử vong, trong khi con số này tại Đông - Nam Á lần lượt là hơn 4.000 và 158 ca.

* Hội nghị trực tuyến Nhóm Công tác trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp

HOÀNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43861202-indonesia-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-y-te-cong-cong-quoc-gia.html