Indonesia áp dụng loạt biện pháp đối phó suy giảm kinh tế do Covid-19

Dịch Covid-19 lây lan khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia bị suy giảm, trong đó có Indonesia.

Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế của quốc gia hơn 270 triệu dân này sẽ ở dưới mức 5% trong quý đầu tiên của năm 2020. Đối phó với tình trạng này, Indonesia đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có chính sách duy trì sức mua của người tiêu dùng.

Họp báo về ảnh hưởng Covid-19 tới nền kinh tế Indonesia (Nguồn: Antara)

Họp báo về ảnh hưởng Covid-19 tới nền kinh tế Indonesia (Nguồn: Antara)

Dự báo tăng trưởng kinh tế dưới 5%

Theo các nhà kinh tế Indonesia, nếu dịch Covid-19 kéo dài đủ lâu thì nó sẽ cản trở hoạt động kinh tế, thương mại của Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Indonesia bên cạnh Mỹ và các nước châu Âu khác. Áp lực kinh tế Trung Quốc có khả năng gây ra hiệu ứng dòng chảy với các quốc gia đối tác trong đó có Indonesia, thông qua các ngành du lịch, thương mại quốc tế và dòng vốn đầu tư.

Ông David Sumual, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Trung ương Châu Á (BCA) cho biết, trước đại dịch Covid-19 tấn công thế giới, ước tính tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ chỉ ở mức 4,6% đến 4,9% trong quý đầu tiên của năm 2020.

Khoảng 50% hàng hóa nhập khẩu của Indonesia từ Trung Quốc là các mặt hàng công nghiệp. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc do Covid-19 chắc chắn có tác động tới ngành công nghiệp ở Indonesia.

Nhà kinh tế Satria Sambijantoro cho biết, nhiều quốc gia có trung tâm sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm cả Indonesia. Theo ông, chắc chắn cần phải có sự đồng bộ hóa nhanh hơn của chính sách tài khóa tiền tệ để giải quyết vấn đề này. Theo ông, các nhà chức trách tài chính ở Trung Quốc đã tuyên bố thâm hụt ngân sách và Indonesia cũng nên tham gia nới lỏng tài chính đồng bộ để giảm thiểu tác động của sự suy yếu nền kinh tế do dịch Covid-19.

Nhà kinh tế Bhima Yudhistira của INDEF cũng có chung dự đoán về mức độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia ở khoảng 4,3-4,6% trong quý đầu tiên của năm 2020. Nhà kinh tế này cũng đề xuất biện pháp kích cầu kinh tế trong đó có việc phát hành gói hỗ trợ cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19, theo đó, cắt giảm lãi suất ngân hàng trong quý đầu tiên cho lĩnh vực du lịch và xuất khẩu; kích cầu du lịch nội địa thay thế cho số khách du lịch nước ngoài bị suy giảm, nhất là du khách từ Trung Quốc.

Ước tính mỗi năm có khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc đến thăm Indonesia. Theo Bộ du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia, nếu dịch Covid-19 kéo dài khoảng 1 năm thì ngành du lịch Indonesia có thể sẽ thiệt hại tới 2,8 tỷ USD vì mất đi nguồn khách này. Hiện tại, Indonesia đã ra lệnh cấm các chuyến bay đi, đến và quá cảnh ở Trung Quốc đồng thời ngừng nhập khẩu động vật sống có nguồn gốc từ nước này như động vật sống. Việc xuất nhập khẩu các mặt hàng như sắt, thép giữa Indonesia và Trung Quốc cũng bị đình trệ từ khi dịch Covid-19 lây lan khiến nhiều nhà máy ô tô ở Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc, tạm ngừng hoạt động.

Trước tình hình đó, các nhà kinh tế Indonesia nhận định, mặc dù những bất ổn này tác động tới nền kinh tế Indonesia không lớn như các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam hay Singapore, nhưng chính phủ cũng cần có những tính toán và có các bước đi thận trọng để giảm thiểu những tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Indonesia, trong đó có việc duy trì mức tiêu thụ cộng đồng bởi nền kinh tế Indonesia được hỗ trợ mạnh mẽ bởi người tiêu dùng.

Duy trì sức mua của người tiêu dùng

Theo đó, Trưởng phòng Chính sách tài khóa, Bộ tài chính Indonesia, ông Arif Baharudin, hôm nay cho biết, trong quý 1 năm 2020, chính phủ Indonesia sẽ đẩy nhanh việc thực hiện chi tiêu của các Bộ/cơ quan, đặc biệt là chi trợ cấp xã hội và mở rộng các chương trình tín dụng doanh nghiệp nhân dân.

Tiếp đến, lên kế hoạch xây dựng và hỗ trợ các điểm đến du lịch siêu ưu tiên như hồ Toba, đền Borobudur, biển Likupang, thị trấn cá Labuan Bajo và khu nghỉ dưỡng Mandalika. Chính phủ cũng chuẩn bị chính sách tài khóa và phi tài chính để kích thích ngành du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đẩy mạnh chi tiêu thâm hụt lao động cho các hoạt động sản xuất cần nhiều lao động như cơ sở hạ tầng ở cấp trung ương và địa phương.

Cuối cùng là tối ưu hóa vai trò của Ngân sách nhà nước như một công cụ linh hoạt trong việc ứng phó với tình hình kinh tế trong khi vẫn ở giới hạn an toàn và trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, Indonesia cũng phối hợp với các cơ quan liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới, đường biển và đường không của các nước Malaysia và Singapore để kiểm soát hàng hóa đến và dự đoán sự lây lan của dịch Covid-19./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/indonesia-ap-dung-loat-bien-phap-doi-pho-suy-giam-kinh-te-do-covid19-1011711.vov