INCHAM Xúc tiến thương mại bằng văn hóa

Các hoạt động văn hóa sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tiến lại gần nhau hơn.

Đó là quan điểm của ông Mohit Agrawal - thành viên Hội đồng Quản trị Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) trong cuộc trao đổi với TG&VN về hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước, trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind (18-20/11). Ông có thể giới thiệu đôi nét về INCHAM, cộng đồng doanh nghiệp và các hoạt động nổi bật của các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam?

INCHAM là một tổ chức phi lợi nhuận, được cấp phép và thành lập vào tháng 1/1999 với mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và các cơ quan của Việt Nam, từ đó thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước. Hiện tại, INCHAM có khoảng 200 doanh nghiệp thành viên thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Năm 2019 sẽ là năm INCHAM kỷ niệm 20 năm thành lập, đánh dấu một bước trưởng thành trong quá trình phát triển không ngừng của mình.

Ông Mohit Agrawal, Thành viên Hội đồng Quản trị Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM). (Nguồn: Trần Anh Tuấn)

Về công tác xúc tiến thương mại, INCHAM đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng như Business Thursday (Gặp gỡ thứ Năm) - nơi các phòng Thương mại của nhiều quốc gia cùng gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. INCHAM còn là thành viên của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong xúc tiến thương mại. Ngoài ra, tháng 12 tới đây, INCHAM cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện gặp gỡ đối tác thương mại Việt - Ấn.

Cộng đồng doanh nhân Ấn Độ nhận định thế nào về cơ hội phát triển của doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, cũng như cơ hội hợp tác giữa doanh nhân hai nước?

Chúng tôi có cái nhìn rất lạc quan về mối quan hệ thương mại giữa hai nước và mong muốn có thể phát triển mối quan hệ này nhanh hơn nữa. Việt Nam là một đất nước yên bình, nguồn lao động dồi dào. Đây là một điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của các doanh nhân Ấn Độ về việc đặt cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm, may mặc và năng lượng tái tạo.

Việt Nam đưa ra rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Ấn Độ như: giảm thuế, miễn một số loại thuế nhập khẩu... đây là những điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác đầu tư.

Ông có thể tiết lộ về mục tiêu và dự định mà các doanh nghiệp Ấn Độ có kế hoạch triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới?

Rất nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo đang tới Việt Nam với vai trò nhà thầu hoặc nhà đầu tư. Trong lĩnh vực may mặc, máy móc của Ấn Độ rất rẻ và phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, dược phẩm và y tế cũng đang là hai mảng rất thu hút đầu tư. Trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô, chúng tôi cũng đang đặt nhiều hy vọng vào Tata Motors. Vấn đề duy nhất là Việt Nam đánh thuế nhập khẩu ô tô khá cao, khiến cho mặt hàng này trở nên đắt đỏ.

Là người làm việc trong ngành công nghiệp may mặc, tôi thấy rằng, lĩnh vực này đang có rất nhiều tiềm năng. Các nhà máy sản xuất hàng may mặc của chúng tôi ở Nam Định và Bắc Giang đang nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam, ví dụ như miễn thuế trên nguồn nguyên liệu vải thô đầu vào. Ấn Độ hiện tại có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, đặc biệt là mảng máy quay sợi.

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, các hoạt động kết nối văn hóa Ấn - Việt, cũng như quảng bá văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam đã được INCHAM kết hợp vô cùng tinh tế và khéo léo?

Chúng tôi tin rằng các hoạt động kinh doanh luôn gắn liền với các hoạt động văn hóa. Nếu hai dân tộc không hiểu văn hóa của nhau, thì không thể tiến hành bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng tích cực quảng bá văn hóa Ấn Độ, trong đó có hai hoạt động chính là Holi (lễ hội màu sắc) và Diwali (lễ hội ánh sáng).

Ông Mohit Agrawal (phải) và các thành viên tại văn phòng INCHAM. (Nguồn: Trần Anh Tuấn)

Trên thực tế, Việt Nam và Ấn Độ có nền văn hóa khá tương đồng, cùng theo đạo Phật và thực hành Yoga. Các hoạt động văn hóa như thế này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp giữa hai nước tiến lại gần nhau hơn.

Được biết, Đêm Diwali là một trong những sự kiện tiêu biểu sắp được INCHAM tổ chức tại Hà Nội, ông có thể chia sẻ đôi nét về điểm nhấn và ý nghĩa của hoạt động văn hóa đặc sắc này?

Trong suy nghĩ của đại đa số người Hindu, lễ hội Diwali là sự kiện mang ý nghĩa nhắc nhớ sự trở lại của thần Rama và vợ của ông, Sita sau khoảng thời gian 14 năm lưu đày trở về thành phố cổ đại Ayodhya - nơi được tin rằng là quê hương của vị thần tối cao trong đạo Hindu. Lễ hội ánh sáng - Diwali là một sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối, của điều thiện lấn át điều xấu và của tri thức vượt lên trên sự khờ dại. Nói đơn giản, tết Diwali của người Ấn rất tương đồng với Tết Âm lịch của người Việt Nam.

Với mong muốn mang văn hóa Ấn Độ gần hơn với Việt Nam, chúng tôi có nhiều hoạt động biểu diễn trong đêm Diwali vào ngày 24/11 như nhảy truyền thống Ấn Độ và Yoga. Ngoài ra, chúng tôi còn có các tiết mục trình diễn thời trang Ấn Độ, với sự xuất hiện của nhà thiết kế Ấn Độ nổi tiếng.

Nhắc tới Diwali mà bỏ qua tiết mục Bollywood sẽ là một thiếu sót lớn. Các tiết mục Bollywood được biểu diễn bởi phụ nữ và trẻ em đến từ Ấn Độ, họ không phải là những người nổi tiếng, nhưng là những người có niềm say mê rất lớn với văn hóa Ấn.

Phụ nữ Ấn cũng rất thích các hoạt động vẽ Henna, đây cũng là một hoạt động sẽ xuất hiện trong Đêm Diwali. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhạc Dhol do ban nhạc Dholiz đến từ Malaysia tới biểu diễn cùng DJ nổi tiếng đến từ Bangkok với các tiết mục âm nhạc của Ấn. Trong Đêm Diwali chúng ta cũng sẽ được thưởng thức nền ẩm thực đặc sắc của Ấn Độ và cả của Việt Nam nữa.

Xin cảm ơn ông!

Minh Hòa

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/incham-xuc-tien-thuong-mai-bang-van-hoa-81727.html