In-đô-nê-xi-a: Chọn cũ hay mới?

Chính trường In-đô-nê-xi-a đã trở nên sôi động hơn sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/7 vừa qua khi kết quả kiểm phiếu nhanh cho thấy cả hai ứng cử viên Giô-cô Uy-đô-đô và Pra-bô-ô Xu-bi-an-tô đều có khả năng thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lần thứ ba ở đất nước 'vạn đảo' này.Trong cuộc bầu cử đầy kịch tính này, hơn 190 triệu cử tri In-đô-nê-xi-a có hai lựa chọn hoàn toàn khác biệt: nhà kinh doanh tài năng một thời (ông Uy-đô-đô) hay cựu tướng lĩnh giàu có và có mối liên hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo độc tài Xu-hác-tô (ông Xu-bi-an-tô).

Kết quả chính thức phân định thắng bại, dự kiến công bố vào ngày 22/7 tới, sẽ cho thế giới biết hướng đi của quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á này: tiến về tương lai, củng cố dân chủ hay quay trở lại thời kỳ quân nhân mặc áo dân sự cầm quyền.

Ông Giô-cô Uy-đô-đô, người được coi là đại diện cho tầng lớp dân nghèo, là ứng cử viên của liên minh 5 đảng do đảng Dân chủ In-đô-nê-xi-a - Đấu tranh (PDI-P) đứng đầu. Ứng cử viên 53 tuổi này là một chính trị gia mới nổi rất được lòng dân nhờ sự trung thực và trong sạch, từng chứng tỏ đạo đức và tài năng trong đời sống cá nhân cũng như các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, ông lại không có nhiều kinh nghiệm về chính trị.

Cả hai ứng cử viên Xu-bi-an-tô (trái) và Giô-cô-uy đều đã tuyên bố thắng cử. Ảnh: Reuters

Ông xuất thân từ gia đình nghèo, cha làm thợ mộc ở ngoại ô Xô-lô, một thành phố 500 nghìn dân ở đảo Gia-va. Với đầu óc nhạy bén, Giô-cô Uy-đô-đô, hay được biết đến với cái tên thân mật là Giô-cô-uy, thành lập công ty bàn ghế và xuất nhập khẩu. Chỉ trong một thời gian ngắn, thành công trên thương trường đã cho phép doanh nhân trẻ tuổi này tạo được tiếng tăm và đến năm 2005, ông đắc cử thị trưởng Xô-lô.

Giô-cô-uy có phong cách quản lý rất tân tiến. Thị trưởng Xô-lô thường xuyên thăm viếng các khu dân cư nghèo và trực tiếp theo dõi các đề án cải thiện mức sống của người dân từ lúc khởi công cho đến khi hoàn tất. Năm năm sau, ông tái đắc cử với tỷ lệ phiếu áp đảo là 91%.

Thành công ở Xô-lô đã tạo bàn đạp cho ông Giô-cô-uy tranh cử và đắc cử chức Thống đốc Gia-các-ta, thành phố với số dân đông gấp 20 lần Xô-lô vào năm 2012. Uy-đô-đô tiếp tục đường lối cải cách như ông đã thực hiện tại Xô-lô nhưng thêm một sáng kiến mới nữa là cấp cho người nghèo thẻ chăm sóc sức khỏe và đi học miễn phí tại thành phố mà gần 20% người dân sống dưới mức nghèo khó với thu nhập trung bình 2 USD/ngày. Ông đã tạo được niềm hy vọng về một thế hệ chính trị gia mới lên cầm quyền thay thế lớp người cũ.

Trong khi đó, ông Xu-bi-an-tô nổi tiếng với các bài phát biểu vận động tranh cử đầy mạnh mẽ mà nhờ đó thu hẹp được khoảng cách với ông Uy-đô-đô. Ông Xu-bi-an-tô, 64 tuổi, có được sự ủng hộ của hầu hết các đảng Hồi giáo cứng rắn song cũng là người khiến giới đầu tư nước ngoài lo ngại rằng nếu đắc cử ông có thể sẽ tăng cường chủ nghĩa bảo hộ và đưa In-đô-nê-xi-a quay trở lại giai đoạn chính trị độc tài hơn. Nhà phân tích chính trị I-kra Nu-xa-ba-ti thuộc Viện Khoa học In-đô-nê-xi-a cho biết: "Nhiều người In-đô-nê-xi-a theo đạo Hồi thích tính cách mạnh mẽ và năng động của ông Xu-bi-an-tô vì họ cho rằng ông ấy có thể sẽ cương quyết hơn khi giải quyết vấn đề ngoại giao với các nước láng giềng và với Mỹ... Trong khi đó, nhiều người lại phản hồi khá tích cực trước các hoạt động mang tính xã hội và đề cao môi trường của ông Giô-cô-uy".

Giới chuyên gia nhận định: “Giô-cô-uy là biểu tượng của thế hệ lãnh đạo hoàn toàn mới không thuộc guồng máy cũ. Trong khi đó, cựu tướng lĩnh Xu-bi-an-tô đại diện cho “ổn định và an ninh” theo suy nghĩ của một số cử tri và những người hoài niệm chế độ của cựu Tổng thống Xu-hác-tô”. Trong khi chờ một kết quả rõ ràng hơn, người ta vẫn băn khoăn tự hỏi liệu cử tri In-đô-nê-xi-a đã chọn ai: nhà kinh doanh tài năng có tư tưởng cấp tiến hay cựu tướng lĩnh giàu có và có mối liên hệ chặt chẽ với cố lãnh đạo Xu-hác-tô (ông Xu-bi-an-tô là con rể của nhà lãnh đạo Xu-hác-tô). In-đô-nê-xi-a sẽ rụt rè lùi lại phía sau hay thẳng tiến về phía trước theo con đường như của Phi-líp-pin và Hàn Quốc?

Áp phích quảng bá của hai ứng cử viên tổng thống In-đô-nê-xi-a.
Ảnh: Straitstimes.com

Dù khác biệt, song ai thắng cử cũng đều phải gánh trên vai những trọng trách khó khăn không hề nhỏ của đất nước có gần 250 triệu dân này. Trong đó, việc cải cách và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước đang có dấu hiệu chậm lại là thách thức đầu tiên mà vị tổng thống tương lai phải đương đầu. Tiếp đó là vấn đề kiểm soát và hạn chế nạn tham nhũng tràn lan, nhằm tái lập công bằng cho tất cả mọi người dân. Cùng với hai thách thức trên, khoảng cách giàu nghèo ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới này ngày càng nới rộng đang đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo của quốc gia này cùng việc vượt qua những thành tựu đối nội, đối ngoại mà Tổng thống sắp mãn nhiệm Bam-bang Y-u-đô-y-ô-nô đạt được sau 2 nhiệm kỳ (10 năm) lãnh đạo đất nước là những thách thức không dễ vượt qua.

Trong những cuộc tranh luận trên truyền hình thời gian tranh cử, hai ứng cử viên đã đưa ra những chính sách kinh tế, xã hội về cơ bản giống nhau, chỉ khác ở phương pháp tiếp cận, quy mô và thứ tự ưu tiên, trong đó ông Uy-đô-đô tập trung vào y tế và giáo dục, còn ông Xu-bi-an-tô dành cho kinh tế vĩ mô với trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp. Đối với vấn đề tham nhũng là vấn đề được cử tri quan tâm nhất, cả hai ông đều nhấn mạnh tăng cường hiệu quả chống căn bệnh “mạn tính” này của đất nước. Còn trong các lĩnh vực đối ngoại và an ninh, hai ông cũng có những quan điểm rõ ràng về các vấn đề đang được dư luận In-đô-nê-xi-a quan tâm như bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tranh chấp biên giới và người tị nạn, lao động di cư, vai trò khu vực và quốc tế của nước này, đặc biệt về chính sách hiện đại hóa quân đội, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và ứng xử của In-đô-nê-xi-a trong vấn đề Biển Đông.

Về chính sách đối ngoại, ông Xu-bi-an-tô nhấn mạnh lợi ích quốc gia là nguyên tắc chủ đạo trong chính sách đối ngoại của In-đô-nê-xi-a, cần tập trung hơn vào kinh tế, đảm bảo lợi ích người dân, tăng cường tính độc lập, tích cực trong các vấn đề liên quan đến hòa bình trên nguyên tắc “chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng”, phát huy tiềm năng to lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của đất nước. Còn ông Uy-đô-đô cho rằng In-đô-nê-xi-a cần tăng cường sự hiện diện của mình trên chính trường quốc tế thông qua việc gắn kết tích cực hơn trong hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu, củng cố vai trò lãnh đạo trong ASEAN, thực thi ngoại giao giữa các chính phủ để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, In-đô-nê-si-a cần góp phần làm dịu những tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải giữa các nước cũng như thúc đẩy giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực; sử dụng nhiều chuyên gia hơn trong nghiên cứu chiến lược, luật biển; và quan tâm đến người lao động di cư.

Mặc dù In-đô-nê-xi-a vẫn đang củng cố năng lực quân sự của mình để đối phó với những thách thức mới, song còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước cùng với nhiều hạn chế nghiêm trọng. Gia-các-ta đã tăng ngân sách quốc phòng trong vài năm qua. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách năm 2014 ở mức khoảng 8 tỷ USD vẫn chỉ đơn thuần chiếm 0,9% GDP, thấp hơn nhiều so mục tiêu dự kiến là 1,5% GDP vào cuối năm 2015. Lực lượng không quân của In-đô-nê-xi-a được căng mỏng với chỉ 50 máy bay chiến đấu hoạt động tại quốc gia có diện tích lớn thứ 15 thế giới. Trong khi đó, lực lượng hải quân còn thiếu năng lực tại các khu vực trọng yếu đối với việc thực hiện chính sách tại vùng biển rộng lớn của nước này.

Trong lĩnh vực này, ông Xu-bi-an-tô cam kết sẽ hiện đại hóa quân đội theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn và tăng cường sức mạnh quân đội không chỉ vì bảo vệ đất nước mà còn để nâng cao hiệu quả đóng góp của đất nước vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; phát triển ngành công nghiệp quốc phòng; giải quyết các phong trào ly khai trong nước; sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa quân sự nảy sinh từ những thay đổi địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu; xác định rõ hơn vai trò giữa quân đội và cảnh sát. Trong khi đó, đối thủ Giô-cô-uy cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng; thúc đẩy năng lực an ninh mạng và sức mạnh phòng thủ quốc gia; xây dựng sức mạnh hàng hải, đặc biệt là tăng cường bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và rừng; phát triển ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia để giảm bớt nhập khẩu; củng cố Cơ quan Tình báo Quốc gia; thúc đẩy lòng tin của người dân vào lực lượng cảnh sát.

Chính trường In-đô-nê-xi-a có thể sẽ còn đem đến nhiều bất ngờ, song theo như nghị sĩ Ma-ha-mát Na-gíp, thành viên Ủy ban An ninh, Quốc phòng, Ngoại giao và Thông tin Quốc hội In-đô-nê-xi-a thì với bất kỳ chính phủ mới nào, theo xu hướng cấp tiến hay bảo thủ thì chính sách quốc phòng và chính sách đối ngoại của nước này với vai trò và vị trí trong ASEAN đều sẽ không thay đổi, có chăng chỉ là thứ tự ưu tiên của các vấn đề trong chương trình nghị sự mà thôi..

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/in-do-ne-xi-a-chon-cu-hay-moi/