In Ca Dao We Trust: xóa định kiến giới trong ca dao Việt Nam

Tọa đàm In Ca Dao We Trust - Bàn về định kiến giới trong ca dao Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tọa đàm In Ca dao We Trust đã mang đến một không khí vừa mang đậm phong vị cổ xưa, tinh tế và duyên dáng của ca dao, vừa mang nét hiện đại, sôi động và thẳng thắn của những sáng kiến về bình đẳng giới.

Người khởi xướng dự án - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng với các diễn giả của tọa đàm (Ảnh: Mai Thương)

Người khởi xướng dự án - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng với các diễn giả của tọa đàm (Ảnh: Mai Thương)

Trong đời sống hiện đại hôm nay, tìm về với Ca Dao (theo cách hiểu rộng lớn về folklore: văn hóa dân gian), soi chiếu và lấy cảm hứng từ ca dao, tìm cách lý giải, thấu hiểu rồi sửa chữa những định kiến và những khuôn mẫu giới sẵn có...để từ đó tin hơn ở Ca dao, hiểu hơn về tầm quan trọng của bình đẳng giới và thương mến nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn.

Nói về mối lương duyên giữa ca dao, tục ngữ với các vấn đề về giới, đạo diễn Hoàng Điệp nói về ý tưởng của dự án : Như một cặp đôi có nhiều yếu tố để trở nên gắn bó sau này, ở cả Giới và Ca dao đều có những cá tính điển hình và nổi trội, rất đáng yêu và có cả rất đáng để phàn nàn. Rất đáng học hỏi và có những điều rất nên rút kinh nghiệm và sửa chữa ngay.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (Ảnh: Mai Thương)

Ca dao và giới đã xuất hiện và gặp nhau như thế nào? Những quan niệm về giới đan cài trong dòng chảy ca dao, tục ngữ ảnh hưởng đến tâm tư và nếp nghĩ của người Việt ra sao? Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê đã tóm gọn sức ảnh hưởng của ca dao trong kho tàng văn hóa dân gian: “Văn học dân gian là những tác phẩm được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lưu trữ những tâm tư, quan niệm của cha ông ta. Có lẽ trong truyền thống của chúng ta đã có những sự tách biệt nào đó giữa người nam – người nữ rất chặt chẽ. Có những câu nói “Đàn ông rộng miệng thì sang. Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà.” – Tại sao là con người, mà đàn ông và đàn bà lại có sự nhìn nhận khác nhau như vậy? chúng ta đều là con người, có quyền được mạnh mẽ và yếu đuối. Hay những bài ca dao than thân “Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.” Không hẳn là phụ nữ thời xưa, ngay cả đến thời nay những quan niệm, những câu ca dao đó vẫn ảnh hưởng đến tâm tư phụ nữ hiện đại ngày nay.”

Diễn giả Lư Thị Thanh Lê - Tiến sỹ Văn học dân gian, Giảng viên trường ĐH Việt - Nhật (Ảnh: Mai Thương)

“Việc se duyên giữa ca dao và bình đẳng giới thực ra là một cách nói duyên dáng. Thực ra ông cha ta rất đề cao người phụ nữ. Những câu ca dao về “công cha" luôn được song hành cùng “nghĩa mẹ". Hay những câu nói về sự hòa hợp “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa", luôn đặt người nữ - người nam ngang hàng nhau.” Tiến sỹ Đỗ Anh Vũ đã phát biểu vậy khi nói về ngôn ngữ ca dao, về những điều tưởng đã quen thuộc nhưng ẩn giấu trong các bài ca “Thân em” – “Thân anh”.

Diễn giả Đỗ Anh Vũ (cầm micro) - Tiến sỹ Ngôn ngữ học (Ảnh: Hằng Trương)

Ở phía ngược lại thì các diễn giả khác đặt nghi vấn, liệu đã bao giờ trong ca dao ta thấy phụ nữ được thương yêu thật sự? Rồi cách nói kiểu dân gian, những ngôn ngữ mềm mại như thơ đó liệu còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại? Những sáng tạo theo lối dân gian có dễ bị mai một? Chị Lư Thị Thanh Lê đã nhắn nhủ “Người trẻ vẫn tương tác với ca dao tục ngữ. Họ vẫn còn được nghe từ bác, từ bà, từ bố mẹ. Ca dao tục ngữ vẫn là cái gì trước sau gắn bó và vui với họ.”

Song hành với dòng chảy ca dao, không thể thiếu những dòng chia sẻ về bình đẳng giới hòa quyện trong In Ca dao We Trust. Nói về giới qua những trải nghiệm và nghiên cứu của bản thân, chị Nguyễn Vân Anh – Giám đốc CSAGA – đã chia sẻ: “Việc phân công công việc trong gia đình, trong đời sống mà ta thường thấy trong ca dao, đến đời sống hiện đại thì được gọi là khuôn mẫu giới, vì ở đó chỉ có đàn ông được “đọc sách ngâm thơ", còn phụ nữ lấy thêu thùa làm trọng. Không phải chỉ có thời xưa mà đến bây giờ chúng ta đều có những anh hùng nữ, họ không chỉ ở nhà và “thêu thùa". Chúng ta chỉ có thể nói rằng “Có một thời, ông cha ta đã quan niệm như vậy…”. Giờ đây, các quan niệm đã khác, tri thức dân gian cũng sẽ vận động để thay đổi và tự làm mới cho kịp với hôm nay. Chứ nếu vẫn lấy chuyện gái có công, chồng chẳng phụ hoặc phúc đức tại mẫu hoặc làm trai cho đáng nên trai để tạo thêm 1 tầng định kiến thì các giới đều chịu thiệt thòi và đau khổ".

Diễn giả Nguyễn Vân Anh (cầm micro) - Giám đốc CSAGA (Anh: Mai Thương)

Một góc nhìn mới lạ của bà Nguyễn Hoàng Ánh - cựu giảng viên trường ĐH Ngoại thương: “Từ góc độ kinh tế, khuôn mẫu giới cản trở rất nhiều trong việc phân công lực lượng lao động. Những người phụ nữ nói rằng “hy sinh sự nghiệp" để nấu cơm, chăm sóc cho chồng đôi khi là không đúng. Đó là những người thân yêu của họ, họ chăm sóc khi những người thân yêu cần đến. Chứ không phải việc tôi làm là để cho ai đó. Đã yêu thương thì chia sẻ, đã chia sẻ thì không có chuyện ai đó phải làm gì cho ai. Và cũng chẳng có việc nào là trách nhiệm đặt lên mãi mãi đôi vai của một người”.

Nguyễn Hoàng Ánh (cầm micro) - cựu Giảng viên trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: Hằng Trương)

In Ca dao We Trust - Chúng ta tin vào Ca dao, đó không đơn thuần là một cái tên, một khẩu hiệu, mà thật sự là một bộc lộ về niềm tin của thế hệ ngày nay với tiếng vọng từ ngàn xưa của cha ông. Vì lẽ vậy mà trong bầu không khí sôi nổi của tọa đàm, một bạn khán giả đã thay lời phát biểu: “Em đến tọa đàm vì lý do trước nhất. Em tin vào các câu ca dao, tục ngữ, tin vào những nếp gấp cổ xưa, đôi khi hơn cả tin những câu nói bây giờ. Và qua những câu ca dao, tục ngữ đó, em thấy hình bóng về giới, nó phản ánh quan niệm của cha ông ta thời bấy giờ về giới với nhiều định kiến đã lỗi thời ở ngày nay.”. Bổ sung cho lời chia sẻ đó của bạn khán giả, chị Nguyễn Vân Anh đã nói: “Những câu nói từ xa xưa vẫn có điểm bắt đầu. Điều gì cũng có điểm bắt đầu.”. Vậy nên chính chúng ta bây giờ đây cũng có thể làm nên những lời ăn tiếng nói quen thuộc đó, từ cách tái tạo những gì đã cũ, sáng tạo bắt đầu bằng những câu thơ, câu văn vần quen thuộc và trong sáng.

Vượt qua định kiến, vượt qua những điều không tưởng, Ca dao và Giới đã gặp nhau, đã “nên duyên” trong phần kết của Tọa đàm. Nhưng cũng như mọi lời đồng hành khác, “đám cưới vàng" giữa Ca dao (hay Văn hóa dân gian) và Bình đẳng giới không phải, chưa phải là một cái kết đẹp cuối cùng. Mà đó là sự khởi đầu cho chặng đường phía trước, chúng ta bắt đầu bằng niềm tin với văn hóa truyền thống, với một xã hội tốt đẹp nơi mọi giới cùng không ngừng học tập, không ngừng cố gắng để cùng chung sống hạnh phúc, bởi Bình đẳng giới không phải đẩy giới tính nam - giới tính nữ về hai phía chiến tuyến khác nhau, mà đặt họ trong tương quan của những gam màu sắc khác biệt có thể pha trộn. Mượn lời đạo diễn Hoàng Điệp bộc bạch “Quay trở về với di sản mà chúng ta thương yêu, để được tiếp thêm sức lực và chân cứng đá mềm, cùng bước đến một xã hội tốt đẹp hơn”.

“Lễ nên duyên" của Ca dao và Bình đẳng giới trước sự tác thành của “quan viên nhiều họ" (Ảnh: Hằng Trương)

Cái ôm “không định kiến” giữa Giới và Ca dao (Ảnh: Hằng Trương)

Các diễn giả và khán giả sau tọa đàm In Ca Dao We Trust (Ảnh: Hằng Trương)

Phạm Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/in-ca-dao-we-trust-xoa-dinh-kien-gioi-trong-ca-dao-viet-nam-n191095.html