IMF tiết lộ tiềm lực kinh tế Trung Quốc trong thương chiến

Trung Quốc có được sự hỗ trợ tài chính trong năm nay và 2021, dư sức đối đầu với Mỹ trong thương chiến.

Ông Vitor Gaspar, Giám đốc bộ phận tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng, Trung Quốc có “dư địa” tài chính để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và hối thúc nước này củng cố nền tảng tài chính vĩ mô để ứng phó những thách thức ngày càng lớn hơn từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Kinh tế Trung Quốc đang được hỗ trợ từ chính nước Mỹ?

Kinh tế Trung Quốc đang được hỗ trợ từ chính nước Mỹ?

Ông Gaspar cho biết, Trung Quốc có sự hỗ trợ tài chính "đáng kể" trong năm nay và là một trong số ít quốc gia dự kiến sẽ có thêm hỗ trợ tài chính trong năm 2021.

Đặc biệt, ông Gaspar lưu ý, Chính phủ Trung Quốc đã và đang cung cấp nguồn lực cho các chính quyền địa phương để họ có thể duy trì mức chi tiêu và "đó là điều cần thiết trong tình hình hiện nay."

Trong khi đó, mức nợ công của Trung Quốc cũng đang tăng trong năm nay và dự kiến tiếp tục tăng trong giai đoạn 2021-2025. Theo ông Gaspar, lãi suất thấp, tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh tài khóa dự kiến sẽ làm chậm sự gia tăng nợ trong trung hạn.

Dẫu có nhiều tin tức tích cực của nền kinh tế Trung Quốc, chuyên gia IMF cho rằng, điều quan trọng đối với Trung Quốc là quản lý nợ công và rủi ro tài chính công, và nước này cần củng cố nền tảng tài chính vĩ mô để đối phó với "những thách thức ngày càng cấp bách do dịch COVID-19 gây ra."

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2020.

Các nhà phân tích Pháp khi được hỏi ý kiến đã ước tính rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong quý 3/2020. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ công bố số liệu chính thức về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2020 vào ngày 19/10.

Theo nhà kinh tế Xu Xiaochun của Moody's Analytics, sự hồi phục nhanh chóng của Trung Quốc được dẫn dắt bởi các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và xuất khẩu.

Trong khi đó, nhà phân tích Nathan Chow của DBS Bank cho rằng cú hích lớn nhất đối với sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đến từ đầu tư, nhất là đầu tư công, trong khi nhu cầu của các thị trường nước ngoài cũng có sự cải thiện.

Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, so sánh về các chỉ số kinh tế quan trọng, Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

GDP của Trung Quốc tăng 3,2% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế Mỹ giảm 32,9% theo chỉ số năm. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ đã mạnh lên trong 8 tuần liên tiếp, đây cũng là quãng thời gian tăng trưởng dài nhất của đồng tiền này kể từ tháng 2/2018. Đồng USD, trái ngược với đồng tiền Trung Quốc, gần đây đang suy yếu.

Bắc Kinh còn xa mới đạt chỉ tiêu cam kết gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, về phương diện này phía Mỹ cũng không thể coi là bên thắng cuộc. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng việc các công ty công nghệ Trung Quốc vươn lên những vị trí hàng đầu thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian. Những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn điều này hiện vẫn chưa mang lại kết quả.

Hiện tại, kết quả chung của mọi nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm "chia cắt" hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc lại khiến kinh tế Trung Quốc có khả năng tự túc nhiều hơn, các nhà phân tích nhận định.

Trong khi đó, các công ty Mỹ không có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ bất chấp yêu cầu của ông Trump. Cuộc đàm phán thương mại tiếp theo Mỹ và Trung Quốc lẽ ra được tổ chức vào tháng 8, tuy nhiên đã bị hoãn lại do cả hai nước đều chưa sẵn sàng. Bắc Kinh không thực hiện được cam kết hồi tháng 1 khi "giai đoạn đầu" của thỏa thuận thương mại được ký kết.

Theo các điều khoản thỏa thuận, Trung Quốc cần tăng giá trị mua hàng hóa của Mỹ tính cả năm 2020 lên mức 200 tỷ USD.

Giữa thương chiến, tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục xu hướng đi lên đầy ấn tượng, đạt mức cao nhất một năm rưỡi.

Tuần trước nữa, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD đạt mức 6,69 Nhân dân tệ đổi 1 USD, cao nhất kể từ tháng 4/2019. Trước đó, trong quý 3, Nhân dân tệ tăng khoảng 4% so với đồng bạc xanh.

Đà tăng của Nhân dân tệ thực sự ấn tượng do chúng có nhiều đợt biến động, chịu ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung.

Theo giới phân tích, có ba yếu tố dẫn tới đợt tăng giá của Nhân dân tệ: thành công của Trung Quốc trong chống đại dịch COVID-19 và sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của nước này; chênh lệch lãi suất gia tăng giữa Trung Quốc và các nên kinh tế phát triển; dự báo cho rằng ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân chủ sẽ thắng đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới.

Theo trang CNBC, các ngân hàng ở Phố Wall tin rằng sẽ có một gói kích cầu mới được thông qua, cho dù ông Trump hay ông Biden thắng. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ có một gói kích cầu lớn hơn nếu ông Biden đắc cử Tổng thống và Đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Một lượng tiền lớn hơn bơm vào nền kinh tế Mỹ sẽ gây ra áp lực giảm giá lớn hơn đối với USD.

Kỳ vọng gia tăng về một chiến thắng thuộc về ông Biden đã có hiệu ứng làm giảm độ biến động của thị trường và gia tăng sức hút của những đồng tiền vốn chịu áp lực giảm giá từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong đó, Nhân dân tệ là đồng tiền tăng giá nhiều nhất nhờ kỳ vọng ông Biden thắng cử.

Việc Nhân dân tệ liên tục đi lên còn là một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh hiện không lo ngại về sự tăng giá của đồng nội tệ. Điều này có thể xuất phát từ đánh giá cho rằng nếu ông Biden trở thành Tổng thống, quan hệ Mỹ-Trung sẽ ổn định hơn.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/imf-tiet-lo-tiem-luc-kinh-te-trung-quoc-trong-thuong-chien-3420869/