IMF: Kinh tế thế giới 'không quá tệ trong ảm đạm'

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo về dấu hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu nhưng bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn rất ảm đạm.

Bà Kristalina Georgieva, người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã thông báo trong cuộc gặp trực tuyến cấp Bộ trưởng bàn về chủ đề phát triển tài chính trong thời COVID-19 và hậu đại dịch rằng, đã có những dấu hiệu về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng do đại dịch coronavirus (COVID-19) gây ra.

“Kể từ khi chúng tôi gặp nhau lần cuối vào hồi tháng 5, các dữ liệu nhận được đang cho thấy một bức tranh bớt những màu sắc ảm đạm. Nói cách khác, chúng tôi ghi nhận một số dấu hiệu về sự phục hồi trong nền kinh tế toàn cầu” - bà Georgieva nói.

Theo bà, ở mức độ nào đó, hàng loạt nền kinh tế phát triển đang cảm thấy không quá tệ. Kết quả không thể nói là tốt, vì -6%, -8%, -10% là chỉ số xấu, nhưng như vậy vẫn là thấp hơn mức mà IMF đã dự đoán. Ví dụ như Trung Quốc đang phục hồi nhanh hơn một chút so với dự đoán trước đây.

Theo lời nhà lãnh đạo IMF, sở dĩ tác động của COVID-19 với nền kinh tế đã được giảm nhẹ và sự suy thoái giảm đi là nhờ có sự hỗ trợ của nền kinh tế thế giới, kể cả thông qua những gói cứu trợ kinh tế lớn mà các nhà lãnh đạo quốc gia đã ban hành.

Mức độ cao về phân bố việc làm của cư dân - một chủ đề mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đặc biệt tự hào - đã thật sự “bốc hơi” chỉ trong vòng một tháng. Ở Hoa Kỳ đang gia tăng tỷ lệ thất nghiệp còn triển vọng kinh tế của nước Mỹ khá mờ mịt. Nếu vẫn duy trì thì những động lực tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Kinh tế thế giới vẫn còn ảm đạm trong đại dịch coronavirus

Kinh tế thế giới vẫn còn ảm đạm trong đại dịch coronavirus

Chỉ tính riêng các Bộ Tài chính của những quốc gia G20 đã thông qua các biện pháp tài khóa 11 nghìn tỷ USD. Còn các ngân hàng trung ương đã thực hiện được điều kỳ diệu trong việc hỗ trợ nền kinh tế quốc dân. IMF đã trở thành một bộ phận của hành động này, ủng hộ hơn 80 quốc gia bằng tài trợ khẩn cấp và các chương trình thường xuyên.

Tuy nhiên, theo lưu ý của người đứng đầu IMF, nếu như không tính Trung Quốc, thì phần lớn thị trường các nước đang phát triển vẫn chưa thấy khởi sắc trở lại được.

Bởi vì các gói cứu trợ phần lớn là thuộc các nước giàu có [gần 90% là thuộc các nước trong G20], còn các nước kém phát triển có ít cơ hội tài chính hơn, những nước này đang ở trong tình thế rất khó khăn.

“Theo dự báo của chúng tôi, một số nước thậm chí sẽ càng suy giảm chứ không cải thiện. Như chúng ta biết rõ, những nền kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch bây giờ đều đang gục ngã. Các nước với nợ công lớn đang hứng chịu những vấn đề khủng khiếp” - bà Kristalina Georgieva nói thêm.

Nhà lãnh đạo IMF nhấn mạnh rằng, hiện tại, dịch bệnh coronavirus đang di chuyển đến những nơi mà hệ thống y tế yếu kém hơn, điều đó làm dấy lên sự lo ngại về việc không thể kiểm soát được đại dịch, khiến nền kinh tế thế giới càng thêm ảm đạm.

Trước đó, theo ước tính của IMF, nền kinh tế thế giới năm nay sẽ bị thu hẹp khoảng 3%, đây là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Đại khủng hoảng những năm 1930.

Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết, thậm chí là đến cuối năm 2021, hoạt động kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch coronavirus có thể vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/imf-kinh-te-the-gioi-khong-qua-te-trong-am-dam-3418750/