IMF kêu gọi hành động kiên quyết hơn để giải quyết vấn đề nợ

Ngày 18/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi cần có những bước đi quan trọng nhằm giải quyết gánh nặng nợ ngày càng tăng của một số quốc gia, theo đó hối thúc chủ nợ và các bên vay nợ bắt đầu quá trình tái cơ cấu sớm hơn.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: AP)

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: AP)

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, việc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gia hạn thêm 6 tháng Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) sẽ giúp các nền kinh tế có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva cũng kêu gọi cần có thêm các hành động khẩn cấp hơn nữa.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến của nhóm G30 – tổ chức quốc tế tư nhân, phi lợi nhuận bao gồm các nhà kinh tế hàn lâm, giám đốc công ty và đại diện của các ngân hàng quốc gia, khu vực và trung ương, Tổng Giám đốc IMF cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế rằng chúng ta còn cần quá nhiều hành động kiên quyết ở phía trước”. Bà thúc giục các chủ nợ và các quốc gia đối mặt với các khoản nợ đừng trì hoãn mà hãy bắt đầu tái cơ cấu các khoản nợ.

Bà Kristalina Georgieva cảnh báo, hành động quá ít và quá chậm sẽ gây thiệt hại cho cả chủ nợ lẫn bên vay nợ. Tổng Giám đốc IMF cảnh báo, mức nợ toàn cầu sẽ lên tới 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2021 và tác động tiêu cực của vỡ nợ có thể nhanh chóng lan rộng.

Theo Tổng Giám đốc IMF, các chủ nợ nên chấp nhận các điều khoản hợp đồng để giảm thiểu tình trạng gián đoạn kinh tế, tăng cường minh bạch, ủng hộ cơ chế chung mà G20 đã nhất trí trên nguyên tắc vào tuần trước.

Những phát biểu của bà Georgieva được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về nợ tăng mạnh, đặc biệt tại những nước có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19, du lịch giảm và giá dầu thấp.

Tháng 4/2020, DSSI đã được G20 thông qua. Sáng kiến này nhằm giúp các nước đang phát triển chống chọi trước các tác động của đại dịch COVID-19. Theo đó, G20 đã đồng ý hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới cho đến hết năm 2020. Đây là quyết định nhanh chóng và phù hợp trong bối cảnh các đại dịch COVID-19 gây ra các tác động vô cùng tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới. Sáng kiến này đã giúp 44 trong tổng số 73 quốc gia đủ điều kiện được giãn nợ trị giá 5 tỷ USD trong khu vực chính thức.

Nhiều nước nghèo hơn đã do dự trong việc đề nghị hoãn thanh toán trái phiếu chính phủ, lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay nợ của họ trong tương lai.

Tuần trước, nhóm G30, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã thúc giục IMF tăng cường cho vay, khai thác lượng vàng dự trữ lớn và phát hành thêm quyền rút vốn đặc biệt. Ông cũng kêu gọi các quốc gia giàu có cần hành động phối hợp và quyết liệt hơn nữa.

Trước đó, ngày 5/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng, đại dịch COVID-19 có thể gây ra khủng hoảng nợ tại một số quốc gia, do đó các nhà đầu tư phải sẵn sàng cho một số hình thức giảm nhẹ gánh nặng cho các nước nghèo, bao gồm việc xóa nợ.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm nợ thông qua tái cơ cấu. Chủ tịch WB đã chỉ ra các bước đi tương tự trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây ở Mỹ Latinh và sáng kiến giảm nợ dành cho các nước nghèo có nợ cao (HIPC) trong những năm 1990. Ông Malpass cũng từng cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể đẩy 100 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực. Ông David Malpass tiếp tục kêu gọi sự tham gia của các ngân hàng tư nhân và các quỹ đầu tư.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva hoan nghênh quyết định nhanh chóng của G20 trong việc tạm ngưng thanh toán các khoản nợ cho các quốc gia nghèo trên thế giới. Bà cho rằng, “việc hoãn thanh toán nợ trong thời điểm này là vì lợi ích của tất cả mọi người, khi toàn nhân loại, không kể các quốc gia phát triển hay đang phát triển, đều đang phải chống chọi với đại dịch toàn cầu”./.

Hoài Hà (Theo Reuters, worldbank.org)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/imf-keu-goi-hanh-dong-kien-quyet-hon-de-giai-quyet-van-de-no-566008.html