Im lặng trong giờ giảng: Bạo lực tinh thần học sinh

Việc cô giáo im lặng suốt 4 tháng trong giờ giảng khiến học sinh phát khóc là biểu hiện đổ gãy của quan hệ thầy trò; là một phương pháp giáo dục phản sư phạm, bạo lực tinh thần học sinh

Sự việc cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên (GV) dạy toán Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP HCM), khiến học sinh (HS) khiếp sợ, bật khóc tại buổi đối thoại công khai với lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP gióng lên một hồi chuông cảnh báo về phương pháp giáo dục của người thầy nói riêng và mối quan hệ thầy - trò nói chung.

Nút thắt trong quan hệ thầy trò

Chiều 29-3, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, cho biết trường đã hoàn thành báo cáo để gửi Sở GD-ĐT TP HCM. "Năm học trước, tôi cũng trực tiếp giải quyết khi nghe phản ánh cô Châu phạt học trò vì những em này học yếu, tôi tìm hiểu và yêu cầu cô sửa chữa, khắc phục. Còn hiện tại, nhà trường lo ổn định tư tưởng HS, phụ huynh, giải quyết gút mắc mối quan hệ cô - trò. Tạm thời cô Châu và em HS có phản ánh vẫn nói chuyện với nhau bình thường. Lớp 11A1 chưa có nhu cầu đổi GV nên cô Châu vẫn dạy. Còn hình thức xử lý cuối cùng thế nào thì chờ quyết định chính thức của sở" - ông Bình thông tin.

Cô giáo Trần Thị Minh Châu (áo đen) từng đến Báo Người Lao Động để giãi bày về việc xúc phạm học sinh dẫn tới bị kỷ luật năm 2012 Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Vì sao sự việc cô Châu lên lớp với phương pháp giáo dục "có một không hai", hoàn toàn im lặng suốt 4 tháng đằng đẵng mà cả trường không ai hay biết? Mãi đến khi một em HS không thể chịu nổi ấm ức, bật khóc trong chương trình đối thoại thì mọi chuyện mới vỡ lẽ? Phải chăng mối quan hệ thầy - trò hiện nay trong nhà trường quá lỏng lẻo? Còn bao nhiêu sự việc tương tự như cô Châu đang tồn tại? Ai sẽ bảo vệ HS và khi các em uất ức biết chia sẻ với ai?

Trao đổi với phóng viên, cán bộ một phòng ban thuộc Sở GD-ĐT TP HCM nói rằng, dù với bất cứ lý do gì, lỗi hoàn toàn cũng thuộc về người lớn. Chưa nói đến phương pháp giáo dục sai, mà nói đến ứng xử thầy - trò cũng không chấp nhận được. Lúc đó tại sao GV chủ nhiệm không biết, nhà trường không biết để tìm hiểu sự việc đáng buồn này?

Đâu rồi tình thương dành cho học trò?

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng ở góc độ của người GV, những hành động như không nói gì, chỉ viết bài lên bảng là quá sai. Học trò ở thời nào cũng vậy, sẽ có những em nghịch, học không giỏi nhưng đó là điều bình thường ở môi trường giáo dục. Còn người thầy phải dùng phương pháp, tình thương, trí tuệ, xem học trò như người em, người con của mình. "Lấy sự tiến bộ của các em là niềm vui của nghề thay vì dùng hành vi đối kháng để chống lại học trò. Giả sử HS sai cũng không thể lấy cái sai của mình để đối đáp lại. Tại sao những lần sinh hoạt chuyên môn, hay họp với ban giám hiệu, không thầy cô nào biết chuyện của các em, lẽ nào mối quan hệ GV-HS lại rời rạc đến thế?" - ông Ngai nói.

Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, GV Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, bày tỏ nhà trường là nơi ngoài dạy chữ, còn là nơi HS kết nối các mối quan hệ, là cuộc sống thu nhỏ. Với những mối quan hệ thầy trò không mấy tốt đẹp, quá trình hình thành nhân cách và trí tuệ của HS sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nghề giáo vốn nhiều áp lực, nên nếu GV không giỏi chuyên môn và không có kỹ năng ứng xử sẽ rất thiệt thòi cho HS, dễ khiến các em trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực tinh thần.

"Thật ra, để được HS thương không khó, người thầy cần có ba chữ trí, tâm, tầm. Trí là năng lực chuyên môn, tâm là tình thương dành cho HS, mình thương các em, các em sẽ cảm nhận được. Tầm nghĩa là tầm nhìn, là khả năng định hướng cho các em vì dạy học còn là dạy cả tư duy" - cô Ngọc chia sẻ.

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/im-lang-trong-gio-giang-bao-luc-tinh-than-hoc-sinh-2018032920345307.htm