'Im lặng mà sống'

Trong một hội nghị cách nay 4 năm, tôi gặp Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đình Dũng. Tôi hỏi thăm ông với câu quen thuộc 'Dạo này anh thế nào?', ông mỉm cười đáp: 'Cứ im lặng mà sống!'.

Câu nói ấy lập tức ghim vào não tôi. Và tôi hiểu sâu sắc rằng, đó chính là phương châm sống của người bác sĩ đáng kính này. Ông cứ đặt mục tiêu, lặng lẽ làm, không tuyên bố trước, cũng không ồn ào khi việc thành công, thậm chí còn tránh truyền thông trước những thành tích mà ông và tập thể Bệnh viện Dệt May đạt được. Tôi cho rằng, đó cũng chính là bí quyết để ông xây dựng nên một bệnh viện ngành có uy tín từ hai bàn tay trắng.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đình Dũng

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đình Dũng

Luôn ẩn mình

Thời thanh niên, Nguyễn Đình Dũng là một bác sĩ giỏi, điển trai, khéo léo, có nhiều bóng hồng cảm mến, theo đuổi. Nhưng điều kỳ lạ là anh lại luôn tránh né “của trời cho”, giấu mình đi, dành năng lượng để làm những việc ít ai biết. Nghề y, muốn hiểu sâu, muốn trân quý nghề, thì có lẽ, phải gần gũi với những phận đời éo le nhất, đang chịu đựng những căn bệnh, những tật nguyền thách thức nhất.

Bác sĩ Dũng, ngay từ thời còn chưa rời trường Đại học Y, đã lặng lẽ làm công việc tình nguyện tại một số trung tâm chăm sóc trẻ tật nguyền. Thậm chí, anh đã được các điều dưỡng viên ở một cơ sở y tế phong cho danh hiệu “chàng trai thay tã giỏi nhất”. Tại một cơ sở y tế chuyên nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền, có em khiếm thị, có em bại liệt… Các em không tự chủ được vệ sinh, và hầu hết các sinh viên ngại việc làm vệ sinh cho các em. Không quản ngại, anh Dũng nhận hết phần việc đó.

Chàng trai trẻ thành phố trắng trẻo, thư sinh, chưa vợ, thậm chí chưa người yêu, đã luôn đến sớm nhất, ân cần thay tã cho từng em nhỏ, trong lúc trò chuyện, nựng nịu các em. Có em khiếm thị, chỉ cần nghe tiếng bước chân của chàng sinh viên là đã mừng reo gọi “Ba Dũng, Ba Dũng, hôm nay Ba có gì cho con không?”. Ấy là vì anh thường dành chút tiền ăn của mình, để mua quà bánh cho các em mỗi ngày. Tình yêu thương, sự chăm sóc khéo léo và ân cần hàng ngày đối với các em nhỏ khuyết tật, đã đưa đến nghiệp bác sĩ cho Nguyễn Đình Dũng, để tạo nên một người Thầy thuốc nhân dân hôm nay.

“Im lặng mà sống”. Chính vì sự lặng lẽ đó, mà nhiều lần, khi có phóng viên báo chí tự tìm hiểu qua những nguồn tin cậy, viết bài về bác sĩ Nguyễn Đình Dũng, ông đã cảm ơn, nhận bài báo nhưng đề nghị không đăng, bởi ông chỉ muốn lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến. Ông không muốn rằng, dư luận, cho dù là tốt hay xấu, sẽ khiến sự tập trung cho công việc của ông bị xao lãng đi phần nào. Và cũng bởi, truyền thông xét về mặt logic, lại đi ngược với triết lý sống mà ông đã chọn.

Ông bác sĩ “trốn việc” đi học

Những đồng sự từng làm việc với bác sĩ Dũng nhiều năm, nhận xét rằng ông là một người học suốt đời. Ông khát khao học, học để thay đổi chính mình, để mình giỏi hơn, phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Từ thời còn trẻ, làm việc ở Trạm Y tế Công ty Dệt 8/3, do hoàn cảnh khó đặc thù bao cấp, dù không được cấp trên ủng hộ, nhưng ông tìm cách trốn đi học.

“Anh Dũng ham học lắm. Hồi đó, Sếp bảo tôi 'Mày phải theo dõi thằng Dũng xem nó đi đâu, làm gì. Không cho nó đi học'. Tôi biết anh Dũng đi học, nhưng không báo cáo lại với Sếp. Anh bảo vệ ở cơ quan cũng thông cảm, để anh Dũng rời cơ quan đi học mà không mách Sếp. Nhưng anh Dũng là người rất ân tình, sau này, khi có điều kiện, anh đều trả ơn những người giúp mình, chăm sóc sức khỏe cho họ rất chu đáo, đãi ngộ họ hết mức” - một đồng nghiệp của bác sĩ Dũng kể lại.

Bác sĩ Dũng trao Bằng khen cơ sở chăm sóc y tế tốt cho người lao động cho đại diện Tổng công ty may Hưng Yên

Ngay từ những ngày đầu nắm cương vị lãnh đạo Bệnh viện Dệt May, Bác sĩ Dũng đã tạo điều kiện cho cán bộ của mình đi học, ông thậm chí thúc giục họ học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Bản thân ông phấn đấu học suốt đời, lấy sự học làm niềm vui, đam mê, và đem kiến thức học được áp dụng ngay trong công việc khám, chữa bệnh. Việc học hành, cập nhật kiến thức mới đã trở thành nét văn hóa riêng của mọi thành viên nơi đây.

Thật may mắn cho thế hệ sau tới làm việc tại Bệnh viện Dệt May. Hầu hết các điều dưỡng viên đều được học lên trình độ Đại học hoặc Cao đẳng. Các bác sĩ đều học thêm chương trình sau Đại học, định hướng chuyên ngành, chuyên khoa 1, Thạc sĩ phòng xét nghiệm, phòng kỹ thuật… Tất cả các trưởng phòng đều được đào tạo trình độ Thạc sĩ, các trưởng khoa chuyên môn đều có bằng Thạc sĩ, Chuyên khoa 1. Thậm chí, ngay cả nhân viên bảo vệ cũng được cập nhật thường xuyên kiến thức an ninh, phòng chống cháy nổ.

Điều khác biệt dễ nhận thấy khi đến với Bệnh viện Dệt May lần đầu tiên, đó là tất cả bác sĩ, nhân viên y tế đều cúi đầu chào bệnh nhân, khách đến thăm, với nụ cười thân thiện, và hướng dẫn bệnh nhân tận tình trong việc khám chữa bệnh. Bệnh viện được tiêu chuẩn hóa thành cơ sở bệnh viện vệ tinh của trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Thăng Long. Là nơi đào tạo kiến thức lâm sàng về chữa bệnh nghề nghiệp cho sinh viên Đại học và sau Đại học. Bệnh viện cũng là cơ sở đào tạo thực hành cho Cao đẳng Y Tuệ Tĩnh, Hà Nội.

Vượt qua khó khăn để lớn lên

Khi tiếp nhận cơ sở Y tế từ Công ty Dệt 8/3 tại phố Minh Khai năm 1998, bác sĩ Nguyễn Đình Dũng đứng trước thách thức lớn nhất đời mình: Ông phải xây dựng một bệnh viện từ con số 0 tròn trĩnh. Không cơ sở vật chất. Không một đồng tiền. Không nhân sự đủ chất lượng.

“Bác sĩ Dũng mời tôi về làm việc tại bệnh viện, chỉ với một lời đơn giản rằng, hãy về giúp anh xây dựng bệnh viện từ đầu, rất khó khăn em ạ. Tôi hứa với anh là tôi sẽ thay đổi công việc và chấp nhận khó khăn, nhưng tôi không ngờ nó lại khó khăn đến thế. Tôi đang làm việc tại một cơ quan với trang thiết bị hiện đại, có máy tính riêng, có máy lạnh. Thì khi lần đầu tiên về bệnh viện, tôi hoảng hồn khi phải xách giày lên, lội chân trần trên cái sân ngập nước bẩn lõng bõng, chỉ sợ có con gì bám vào chân. Nhưng kinh khủng hơn nữa, là ánh mắt mọi người ở bệnh viện nhìn tôi. Tôi là người phụ nữ duy nhất son phấn, mặc váy ở đó!”, bà Nguyễn Phước Kim Khánh - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Dệt May nhớ lại ấn tượng của mình về lần đầu tiên ấy.

Bác sĩ Dũng tại phòng bệnh dã chiến trong đợt dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội 2017

Quả vậy, về cơ sở vật chất, nó chỉ là một mảnh đất trũng giữa hồ ao, cứ mưa chút thôi là nước dềnh lên ngập hết sân, tràn vào hiên nhà. Khu khám bệnh tồi tàn dột nát, với vài ba cái máy cũ chẳng đáng kể gì. Không ai quan tâm đến cái cơ sở vốn được gọi là một trạm y tế của một nhà máy. Chỉ nhìn thôi người ta đã ngại bước vào, nói chi đến lòng tin là bệnh tật có thể được chữa trị ở nơi đây. Hình ảnh tồi tàn buồn bã đó còn ám ảnh những người từng trải qua thời kỳ ấy, đến tận bây giờ. Ám ảnh hơn còn là lối tư duy cũ, cách làm trì trệ đã thành thói quen khó bỏ tại trạm y tế.

“Tôi về với bệnh viện với mục đích lập nên hệ thống quản lý tài chính bài bản. Khi đụng vào sổ sách, tôi tá hỏa khi không thấy có một đồng nào. Trên những bảng biểu thô sơ kẻ vẽ bằng tay mà tôi được tiếp nhận khi mới về bệnh viện, chỉ là số tiền không đáng kể, nhưng cũng không phải tiền mặt, mà nằm trong giá trị thuốc. Thực chỉ muốn giơ tay kêu trời. Không có một đồng nào, bệnh viện hoạt động sao đây! Tôi kêu với bác sĩ Dũng, ông bảo, chúng ta sẽ cố gắng thôi, em ạ. Cả bệnh viện chỉ có một máy tính cũ, phải dùng chung. Tôi phải tranh thủ ngày chủ nhật tới bệnh viện mới đến lượt mình dùng chiếc máy tính để làm sổ sách” - bà Khánh chia sẻ.

Nước mắt nuốt vào trong

Nhưng hóa ra, cái khó nhất lại ở lòng người. Ngoài bác sĩ Dũng, kế toán Kim Khánh, bác sĩ Phượng là những người mới về, quyết tâm đổi mới, xây dựng bệnh viện, thì những người cũ trước đó từng làm việc tại trạm y tế, lại quen với lề lối, cách làm cũ. Họ chỉ làm việc chiếu lệ theo những công việc từ trên bổ xuống, ngồi chờ cấp lương theo ngân sách. Họ không muốn thay đổi dù với mục đích cải thiện điều kiện làm việc và khám chữa bệnh. Những thay đổi của bệnh viện theo cách điều hành mới vấp phải sự phản ứng dữ dội. Khi không ngăn được sự thay đổi, họ đâm đơn kiện cáo khắp nơi. Vài người chủ chốt trong việc đổi mới cứ như bị cô lập, rất lẻ loi, cô đơn và căng thẳng, vừa vất vả căng mình làm việc, đối phó với những chiêu trò chống đối trong nội bộ, lại phải nhọc nhằn giải trình với cấp trên về các vụ kiện cáo um xùm. Quả là không dễ vượt qua thách thức kinh khủng đó, họ đành chịu đựng cảnh “mồ hôi thì đổ ra ngoài, nhưng nước mắt phải nuốt vào trong”. Nếu không vượt qua những thách thức này, bệnh viện sẽ không thể được sinh ra và phát triển, nó sẽ mãi mãi chịu số phận là một khu khám bệnh tồi tàn trên một mảnh đất trũng lầy bùn.

Thậm chí, ngay trong quá trình xây dựng bệnh viện, từng chi tiết nhỏ cũng vấp phải những phản đối, gây khó khăn chồng chất. Đơn cử, lúc một phòng khám dự kiến được xây, mọi việc tưởng chừng suôn sẻ, thì lúc duyệt bản thiết kế, một vị lãnh đạo không cho lắp chậu rửa tay sau khám tại các phòng khám vì cho rằng lãng phí. Không thuyết phục nổi vị lãnh đạo này, anh chị em bệnh viện đành mang chậu nước vào phòng khám để rửa tay sau khám. Cũng có vị lãnh đạo doanh nghiệp dệt may lại cho rằng không cần thiết phải xây dựng một bệnh viện ngành, vì ở đâu cũng có bệnh viện. Những người ấy chỉ không hiểu rằng, người lao động ngành dệt may muốn làm ra của cải vật chất vững bền, thì trước hết sức khỏe phải được chăm sóc tốt nhất. Họ cần những người bác sĩ hiểu về bệnh của họ, gần gũi chia sẻ sớm nhất khi họ có biểu hiện không ổn về sức khỏe…

Có bà Kim Khánh vững ở hậu trường lo quản lý tài chính nội bộ, ra những quy chế mới để quản lý hiệu quả hơn, ông Dũng ngày đêm lo đi kết nối quan hệ với các công ty, nhà máy để kiếm việc về cho bệnh viện, tăng cường việc làm và thu nhập, tích lũy cải thiện cơ sở vật chất bệnh viện. Việc cứ nhiều dần lên, họ tuyển mộ thêm người mới, và điều kỳ diệu đã xảy ra, những người mới tuyển dễ dàng hoạt động theo phong cách mới năng động nhiệt tâm của bệnh viện, và sức trẻ, nhiệt tình đó đã dần cảm hóa những người cũ, khiến họ cũng phải theo guồng hoạt động mới. Những bất đồng, mâu thuẫn nội bộ giảm dần. Đội ngũ bệnh viện đã có thể tập trung, dồn lực cho việc xây dựng, phát triển ngôi nhà chung: Bệnh viện Dệt May.

Từng viên gạch mới xây, từng cây non được trồng, là những chắt chiu, tiết kiệm và công sức từng ngày của mỗi người trong đội ngũ bệnh viện Dệt May đã cố gắng làm việc không mệt mỏi. Họ nhìn người thuyền trưởng - Bác sĩ Nguyễn Đình Dũng để mà làm việc theo. Dường như bệnh viện chẳng thể nào thiếu bóng ông. Vừa thấy ông nói trong phòng họp, thoắt lại thấy ông ở phòng khám bệnh, căn chỉnh từng lời nói, động tác cho bác sĩ, lát sau đã thấy ông trò chuyện với bệnh nhân. Hình ảnh xúc động nhất mà những y, bác sĩ chứng kiến ở đây, đó là khi ông quỳ xuống bên giường bệnh, để có thể ghé sát tai, nghe tiếng bệnh nhân được rõ hơn.

Cũng từng tiếp xúc với quá nhiều ca bệnh, mà dường như Bác sĩ Dũng có “con mắt thứ ba”. Chỉ cần nhìn thể trạng người bệnh, xem thần sắc, ông đã có thể nói chính xác căn bệnh, chưa cần đến các xét nghiệm. Những chẩn bệnh như “lời phán" ngay từ phút đầu tiên nhìn thấy bệnh nhân của ông, lắm khi khiến người ta sởn gai ốc, nhưng đều chính xác đến kinh ngạc. Đó chỉ có thể đến từ tài năng, từ tâm huyết, từ sự dấn thân cả cuộc đời người bác sĩ, và tình yêu thương lớn lao đối với con người, đồng cảm với bệnh hoạn khổ đau của con người, mới dồn tụ lại để ở ông có một cái nhìn mang yếu tố huyền bí hơn cả năng lực chuyên môn như vậy.

“Vi hành” tìm virus

Trong những ngày chống dịch Covid-19, bác sĩ Dũng dường như là người có phép phân thân. Sáng sớm hằng ngày, ông vẫn họp giao ban, kiểm soát tình hình tại Bệnh viện Dệt May tại Hà Nội, chỉ đạo công việc trong ngày. Mỗi cuối ngày, cũng vẫn ông đi một vòng quanh bệnh viện, xem xét mọi việc bằng con mắt tinh tường, hỏi han ân cần một số bệnh nhân, nắm mọi thông tin trong bệnh viện. Nhưng trong ngày đó, một mình một xe, người thầy thuốc nhân dân này đi đến các nhà máy dệt may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam khu vực các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Nam Định, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình… để kiểm tra tình hình chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tập trung đông công nhân. Ông gọi vui những chuyến đi trong ngày của mình tới các xí nghiệp dệt may là chuyến “vi hành tìm virus”.

Không báo trước với lãnh đạo doanh nghiệp, ông tới tận cổng xí nghiệp, hỏi bảo vệ xin vào, lặng lẽ đi quanh xí nghiệp, xem xét công tác thực tế phòng dịch ở mỗi nơi. Điều khiến ông lo lắng, không phải là chuyện thiếu một cái khẩu trang, hay chưa có đủ nước sát khuẩn, xà phòng dành cho công nhân, mà chính là ý thức bảo vệ sức khỏe của từng người công nhân.

“Treo một cái bảng thông báo ở cửa xưởng may, loa phát thanh đọc bản tin khuyến cáo người lao động phòng dịch, thậm chí quy định phạt nặng nếu vi phạm công tác phòng dịch tại các xí nghiệp, vẫn là chưa đủ. Công tác tuyên truyền cần sự sáng tạo, đi vào lòng người, để thay đổi ý thức người công nhân trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Virus corona mang lại cho chúng ta một bài học lớn về tinh thần cộng đồng. Bảo vệ sức khỏe của mình chưa đủ, còn cần có ý thức bảo vệ người xung quanh nữa” - Bác sĩ Dũng nói.

Nghĩ nhanh, nói nhanh, quyết nhanh, làm nhanh… là điểm dễ thấy nhất ở vị lãnh đạo bệnh viện Dệt May - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đình Dũng. Kể cả những người trẻ mới về, cũng không theo kịp tốc độ của vị bác sĩ Bệnh viện trưởng đã ngoại lục tuần. Suốt ngày lăn lộn ở bệnh viện, tại các cơ sở dệt may, tối lại đăm chiêu nghĩ cách đổi mới, ra những kế hoạch mới, phương án mới, ông là con người nhiều năng lượng. Năng lượng chỉ dồn vào việc chăm sóc người bệnh và bảo vệ sức khỏe người lao động ngành dệt may, ông yêu công việc của mình, và để toàn tâm toàn ý vào đó. Năm nay, ông cũng vừa hoàn thành công trình nghiên cứu bệnh nghề nghiệp của người lao động dệt may, một công trình đúc rút từ hơn ba mươi năm cống hiến cho việc chăm sóc sức khỏe công nhân dệt may.

Với ông, yêu đắm say công việc mình làm, đó chính là ĐẮC ĐẠO!

Việt Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/im-lang-ma-song-565344.html