ILO phác thảo ba kịch bản phục hồi thị trường lao động 6 tháng cuối năm

Phân tích mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy tác động của Covid-19 lên thị trường lao động nghiêm trọng hơn nhiều so với ước tính trước đây. Đồng thời đưa ra ba kịch bản cho 6 tháng cuối năm 2020.

3 kịch bản phục hồi

Theo đó, ba kịch bản cho công cuộc phục hồi trong nửa cuối năm 2020 gồm: kịch bản cơ bản, tiêu cực và lạc quan. Báo cáo nhấn mạnh kết quả trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và lựa chọn chính sách của chính phủ.

Kịch bản phục hồi cơ bản dự báo tổn thất về giờ làm việc giảm 4,9% (tương đương với 140 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019. Mô hình này áp dụng với giả định công cuộc khôi phục các hoạt động kinh tế được thực hiện theo dự báo, các biện pháp hạn chế đối với nơi làm việc được dỡ bỏ và tiêu dùng và đầu tư được khôi phục.

Kịch bản tiêu cực giả định làn sóng dịch thứ hai bùng phát và các biện pháp khống chế dịch bệnh được thiết lập lại, khiến công cuộc phục hồi chậm lại đáng kể. Hệ quả của nó là số giờ làm việc sẽ giảm 11,9% (tương đương với 340 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019.

Kịch bản lạc quan giả định việc làm của người lao động được nhanh chóng khôi phục lại, thúc đẩy đáng kể tổng cầu và tạo việc làm. Với sự phục hồi đặc biệt nhanh này, mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu sẽ chỉ còn giảm 1,2% (tương đương với 34 triệu lao động toàn thời gian) so với quý IV năm 2019.

Lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất. Ảnh minh họa

Lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất. Ảnh minh họa

Lao động nữ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề

Theo cảnh báo của ILO, tổn thất về số giờ làm việc trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020 tồi tệ hơn nhiều so với dự báo.

Trong khi đó, khả năng phục hồi trong 6 tháng cuối năm hầu như không chắc chắn, không đủ để đưa chúng ta quay lại mức trước đại dịch, ngay cả với kịch bản tích cực nhất. Chúng ta vẫn đứng trước nguy cơ tiếp tục chứng kiến tổn thất việc làm trên quy mô lớn.

Thống kê của ILO cho thấy, tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% trong quý II năm 2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần).

Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) đưa ra trong Báo cáo nhanh công bố ngày 27 - 5. Đại đa số người lao động trên thế giới (93%) vẫn đang sống ở những quốc gia hiện vẫn áp dụng biện pháp nào đó liên quan đến đóng cửa nơi làm việc, trong đó các nước châu Mỹ hiện đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng lao động nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Nguyên nhân do lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất.

Gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên.

Phụ nữ cũng chiếm số đông trong công việc giúp việc gia đình và trong lĩnh vực y tế và công tác xã hội. Do đó họ phải đối diện với nguy cơ cao hơn bị mất thu nhập hay lây nhiễm bệnh và ít có khả năng được hưởng bảo trợ xã hội.

Dự kiến trong các ngày từ 7 -9 tháng 7 năm 2020, ILO sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao về Covid-19 và Thế giới việc làm bằng hình thức trực tuyến. Đây sẽ là Hội nghị trực tuyến lớn nhất từ trước đến nay, tập hợp người lao động, người sử dụng lao động và các chính phủ.

Các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau thảo luận cách thức giải quyết tác động về kinh tế xã hội gây nên bởi đại dịch đã vạch trần mức độ đặc biệt dễ bị tổn thương của hàng triệu người lao động và DN. Đồng thời sẽ bàn thảo cách thức thế giới việc làm có thể tái thiết tốt hơn trong công cuộc phục hồi sau đại dịch.

Ông Guy Ryder, TGĐ ILO cho hay: “Những quyết định mà chúng ta lựa chọn lúc này sẽ có tác động trong nhiều năm tới, đến năm 2030 và lâu hơn nữa. Mặc dù các quốc gia đang trải qua những giai đoạn khác nhau của đại dịch và còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta cần nỗ lực gấp đôi nếu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này và để thế giới trở nên tốt đẹp hơn giai đoạn trước khi nó bắt đầu xảy ra”.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ilo-phac-thao-ba-kich-ban-phuc-hoi-thi-truong-lao-dong-6-thang-cuoi-nam-200426.html