ILO: Đại dịch Covid-19 sẽ gây ra khủng hoảng thất nghiệp

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nạn thất nghiệp và suy giảm việc làm trên toàn cầu và kêu gọi các chính phủ thiết kế các gói cứu trợ.

Trong báo cáo mới, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gọi đại dịch Covid-19 là “cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Thế chiến II”, với số người mất việc tăng mạnh trên toàn cầu.

“Tác động của Covid-19 lên việc làm rất sâu, rộng và chưa từng có”, báo cáo của ILO viết.

Sự gián đoạn bất ngờ từ các lệnh phong tỏa làm bị giảm mạnh, cả về số việc làm và số giờ làm. Minh họa điều này, ILO ước tính số giờ làm sẽ giảm 6,7% trong quý II của năm nay. Nếu giả sử tuần làm việc 48 giờ, mức giảm đó tương đương 195 triệu lao động.

 Người xếp hàng lấy phiếu thực phẩm ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 30/3. Ảnh: New York Times.

Người xếp hàng lấy phiếu thực phẩm ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 30/3. Ảnh: New York Times.

Khủng hoảng thất nghiệp toàn cầu

Tuy vậy, ILO lưu ý tỷ lệ nói trên không đồng nhất với mức tăng tỷ lệ thất nghiệp. Mức tăng tỷ lệ thất nghiệp sẽ nhỏ hơn, vì nhiều lao động có thể giãn việc, giảm giờ làm mà vẫn giữ được công việc.

Dù vậy, con số nói trên là đáng kể nếu so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi số người thất nghiệp toàn thế giới tăng lên 22 triệu người, theo Reuters.

“Bình thường khi có khủng hoảng, nhiều tuần, nhiều tháng sau mới tác động lên tỷ lệ thất nghiệp, nhưng lần này xảy ra ngay lập tức”, Lee Sang Heon, Giám đốc chính sách việc làm của ILO, nói với các phóng viên. “Cuộc khủng hoảng này chưa từng có... chúng ta cần những biện pháp quy mô lớn”.

Khủng hoảng thất nghiệp đã bắt đầu trên thế giới. Ở Mỹ, thống kê ngày 2/4 cho thấy đại dịch khiến 10 triệu người Mỹ mất việc trong hai tuần trước đó, tệ hơn những tháng tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ được dự báo vượt 10% vào quý II năm nay, và vẫn ở mức 9% đến hết năm 2021, so với chỉ 3,5% vào tháng 2, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO).

Ở Ấn Độ, lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày ảnh hưởng nặng nề tới khoảng 120 triệu lao động di cư, nhiều người sẽ mất đi thu nhập, không thể trụ lại thành phố, phải đi bộ hàng trăm km về quê.

Lee Sang Heon, giám đốc chính sách việc làm của ILO. Ảnh: Chụp màn hình.

Tiền cần đến đúng nhóm đối tượng

Tổng giám đốc ILO Guy Ryder đánh giá cao các gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ của nhiều chính phủ.

Khi được hỏi về gói cứu trợ “tốt”, ông lưu ý về thiết kế của gói cứu trợ: “Thách thức không chỉ là bơm vào lượng tiền cần thiết, mà phải đến tay đúng nhóm cần cứu trợ”.

Theo ông, kinh nghiệm cho thấy kinh tế phục hồi nhanh nhất sau suy thoái ở những nơi mà doanh nghiệp giữ được lao động, để họ vẫn gắn với công việc. “Như vậy có thể tái sản xuất mà không phải tuyển dụng lại... chúng ta cần giữ mối liên kết đó... sẽ đem lại lợi ích sau này”.

Ông nhắc đến ví dụ của Đức trong khủng hoảng tài chính 2008-2009, hoặc biện pháp hiện tại ở các nước châu Âu: trợ cấp để doanh nghiệp cho lao động nghỉ hoặc làm ít giờ mà vẫn trả đủ lương, với hy vọng khi đại dịch đi qua, nền kinh tế vực dậy ngay lập tức.

Pháp chi 50 tỷ USD trực tiếp cho các doanh nghiệp để giữ lại lao động. Hơn 337.000 doanh nghiệp đang cho hơn 3,6 triệu nhân viên nghỉ có lương, được nhà nước hoàn lại tiền, theo New York Times. Những con số này dự kiến tăng gấp đôi.

Tổng giám đốc ILO Guy Ryder trong buổi họp báo trực tuyến ngày 7/4. Ảnh: Chụp màn hình.

“Các doanh nghiệp mà trước đó làm ăn tốt cần được nhà nước hỗ trợ để vượt qua đại dịch, trả lương được cho lao động như họ vẫn đang làm. Nhưng hỗ trợ cần đi kèm điều kiện”, ông Ryder nói.

Nhất là các doanh nghiệp lớn, trợ cấp cần “hướng đến mục tiêu rộng hơn là giữ việc làm, giữ mối liên kết với người lao động”.

“Gói hỗ trợ là con đường hai chiều, có đi có lại. Việc thiết kế gói cứu trợ khá quan trọng”, theo tổng giám đốc ILO.

Các ngành nguy cơ cao nhất

Theo báo cáo của ILO, một số ngành thuộc diện có nguy cơ cao, bị ảnh hưởng nặng nề và sản lượng giảm mạnh, và sẽ chiếm phần lớn tổng mức giảm về việc làm. Tổng cộng, hiện có 1,25 tỷ lao động làm việc trong những ngành nguy cơ cao này, chiếm 38% lực lượng lao động của thế giới.

Các ngành này bao gồm du lịch, ẩm thực, bán buôn, bán lẻ, bất động sản, có nhiều lao động chân tay, trình độ thấp và lương thấp, theo báo cáo.

Ngoài ra, thành phần kinh tế không chính thức, làm nghề tự do (ước tính chiếm 2 tỷ người trên thế giới) sẽ bị ảnh hưởng lớn, vì thiếu các bảo vệ căn bản, như trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế, nghỉ ốm. Công việc của họ cũng thiệt thòi nhất khi có các lệnh phong tỏa.

Ông Lee, Giám đốc chính sách việc làm ILO, nói trong cuộc suy thoái kinh tế trước, các lao động tự do này vẫn tìm được cách để “sống sót” qua khó khăn. Nhưng lần này, họ không thể làm vậy vì các lệnh phong tỏa.

Tổ chức Lao động Thế giới kêu gọi các nước, ngoài kiểm soát dịch bệnh, cần có các chính sách vĩ mô với nhiều mục tiêu, chẳng hạn hỗ trợ ngay lập tức những ngành ảnh hưởng nặng nhất, bảo đảm nguồn cung lương thực, kích thích kinh tế và tuyển dụng, bảo vệ lao động bị ảnh hưởng.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ilo-dai-dich-covid-19-se-gay-ra-khung-hoang-that-nghiep-post1070278.html