iGov Connect hướng Đà Lạt đến đô thị thông minh

Đà Lạt là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử. Hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh đã được triển khai tại các cơ quan nhà nước.

Phòng điều hành Thành phố thông minh của Đà Lạt

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước.

Theo đó, định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội Lâm Đồng hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững với 3 trụ cột chính:

1- Nông nghiệp hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

2- Du lịch - dịch vụ chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị thông minh, xanh, trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

3- Công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.

Trước đó, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) thành phố Đà Lạt khai trương từ tháng 12/2019, với mục tiêu cung cấp thông tin toàn diện về các hoạt động đang diễn ra tại 12 phường và 4 xã trên địa bàn Thành phố. Bước đầu, hiệu quả từ Trung tâm điều hành thông minh cho thấy, các chỉ đạo, xử lý công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Điểm nhấn hiện nay là Đà Lạt đã triển khai bước đầu về quản lý quy hoạch đô thị, đất đai. Đây là nội dung mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, người dân và doanh nghiệp khi được biết vị trí nào nằm trong quy hoạch, vị trí nào có thể chuyển đổi, được phép xây bao nhiều tầng. Hiện tại, hệ thống đang cập nhật và từng bước hoàn chỉnh các dữ liệu về quản lý đô thị, quản lý quy hoạch trên địa bàn.

Cơ quan quản lý có thể theo dõi trực tiếp phản ánh của người dân một cách khách quan và nhanh nhất. Thông qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, người dân có thể phản ánh, nhận xét trực tiếp với cơ quan quản lý về thái độ, cách làm việc của nhân viên một cửa hoặc phản ánh bất kỳ sự việc nào diễn ra trên địa bàn như tai nạn giao thông, đổ rác bừa bãi, xây dựng trái phép...

Khi phản ánh của người dân được gửi đi, tất cả những người có nhiệm vụ chức năng xử lý vụ việc sẽ cùng một lúc nhận được phản ánh của người dân. Những lãnh đạo đã nhận thông tin, chưa xử lý hoặc đang xử lý sự việc đến đâu đều được thể hiện công khai, minh bạch ngay trên hệ thống. Các ý kiến chỉ đạo, xử lý và báo cáo kết quả cũng được công khai. Những trường hợp đặc biệt thì ngay lập tức sẽ có chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố.

Đà Lạt cũng là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử. Hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh đã được triển khai tại các cơ quan nhà nước.

Cụ thể như: Triển khai ứng dụng cung cấp dịch vụ hành chính công trên nền tảng thiết bị di động, hệ thống phần mềm “Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect”, kết nối người dân và chính quyền, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thông qua môi trường mạng như: nộp hồ sơ, bốc số thứ tự, theo dõi quầy bốc số, tra cứu nhanh trạng thái hồ sơ, đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên, phản ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan chức năng.

iGov Connect hoạt động chính thức từ ngày 01/6/2019 đến nay đã có trên 6.000 lượt bốc số qua ứng dụng, chiếm tỷ lệ 11,09%). Qua thời gian triển khai thử nghiệm, ứng dụng đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích cho công dân, tổ chức, được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ các tầng lớp nhân dân, tổ chức trên địa bàn, đặc biệt là các tính năng đăng ký số trực tuyến, thông báo số thứ tự giúp công dân, tổ chức chủ động lấy số, liên hệ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố; tra cứu thông tin quy hoạch sử dụng đất;

Đồng thời có thể phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng bằng hình ảnh hiện trường về các vấn đề như: an ninh trật tự, xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng đường, vệ sinh môi trường, giá cả thị trường,… Ngoài ra hệ thống đã tích hợp các hệ sinh thái ứng dụng mà thành phố đã triển khai như: Cổng thông tin quy hoạch đô thị, sổ liên lạc điện tử, ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ các cơ quan hành chính, thông tin việc làm…

Kim Bảng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/igov-connect-huong-da-lat-den-do-thi-thong-minh-81772.htm