IFRC: Nguy cơ các nước nghèo không được tiếp cận vaccine phòng COVID-19

Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo hành động đơn phương trong phát triển vaccine phòng COVID-19 có thể ngăn chặn khả năng tiếp cận của các nước nghèo.

Nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại phòng thí nghiệm hóa sinh của Viện hàn lâm khoa học Ba Lan ở Poznan ngày 22/4/2020. Ảnh: PAP/TTXVN

Nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại phòng thí nghiệm hóa sinh của Viện hàn lâm khoa học Ba Lan ở Poznan ngày 22/4/2020. Ảnh: PAP/TTXVN

Ngày 20/5, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã kêu gọi hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cảnh báo hành động đơn phương có thể ngăn chặn khả năng tiếp cận vaccine của các nước nghèo.

Trả lời phỏng vấn của Reuters, người đứng đầu IFRC Francesco Rocca khẳng định mọi người dân đều có quyền tiếp cận vaccine.

Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu nói vaccine là sở hữu trí tuệ của công ty sáng chế và đẩy giá vaccine lên cao, việc tiếp cận vaccine sẽ là không thể hoặc rất khó khăn. Điều này chắc chắn sẽ gây ra tác động tiêu cực cho các nước dễ bị tổn thương nhất.

Ông cũng cho biết IFRC muốn ngăn chặn các quyết định đơn phương có thể ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận vaccine và phương pháp điều trị của tất cả mọi người dân.

Trước đó cùng ngày, ông Rocca đã họp trực tuyến với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trong đó hai bên thảo luận tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu.

Lời kêu gọi hợp tác quốc tế của IFRC được đưa ra sau khi Mỹ phản đối nghị quyết của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được soạn thảo nhằm đảm bảo các nước nghèo có quyền tiếp cận thuốc điều trị.

Mỹ cho rằng nghị quyết này gửi một "thông điệp sai lệch" đến những bên cần thiết cho các giải pháp mà thế giới cần.

Từ giữa tháng Tư vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu chính phủ tạm ngừng tài trợ cho WHO, do cho rằng cách thức giải quyết đại dịch của tổ chức này chưa phù hợp.

Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tài trợ cho WHO và nhà lãnh đạo này đã xem xét giảm mức tài trợ của Mỹ cho WHO xuống còn 40 triệu USD thay vì là nhà tài trợ lớn nhất như hiện tại với khoản tiền lên tới 450 triệu USD/năm (tương ứng khoảng 15% ngân sách của WHO).

IFRC hiện là tổ chức cứu trợ thiên tai lớn nhất trên thế giới, với 14 triệu tình nguyện viên tại 192 quốc gia./.

Phan An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ifrc-nguy-co-cac-nuoc-ngheo-khong-duoc-tiep-can-vaccine-phong-covid-19/157494.html