IFPMA đề xuất cơ chế đảm bảo nguồn cung vaccine cho các nước nghèo

Nhóm vận động của IFPMA cho rằng cơ chế COVAX đã không được cấp kinh phí hoặc tổ chức kịp thời gian để đảm bảo vaccine được chia sẻ công bằng giữa các quốc gia.

Chuyên gia cho rằng cơ chế COVAX đã "sớm quá tải" do các nước giàu tiếp cận nhanh hơn khiến các nước khác bị tụt lại phía sau. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia cho rằng cơ chế COVAX đã "sớm quá tải" do các nước giàu tiếp cận nhanh hơn khiến các nước khác bị tụt lại phía sau. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) đang vận động các quốc gia giàu có tài trợ cho một cơ chế để đảm bảo nguồn cung vaccine kịp thời cho các quốc gia thu nhập thấp trong trường hợp xảy ra một đại dịch mới.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/5, IFPMA nhấn mạnh việc phân bổ vaccine toàn cầu trong đại dịch cần đạt được một bước tiến mới, trong bối cảnh các nước nghèo phải chờ đợi từng mũi tiêm trong đại dịch COVID-19 hiện nay.

Tổng Giám đốc IFPMA Thomas Cueni cho biết ngành sản xuất vaccine sẵn sàng phân bổ sản lượng theo thời gian thực cho các nhóm người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp theo quyết định của các cơ quan y tế trong thời kỳ đại dịch.

Tại Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 tại Geneva (Thụy Sĩ) diễn ra trong tuần này, các đại biểu tham dự sẽ thảo luận cách ứng phó tốt hơn đối với các đợt dịch bệnh bùng phát, trong đó chia sẻ vaccine là một trong các nội dung chính trong chương trình nghị sự.

Ngoài ra, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thành lập một quỹ bên ngoài Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trị giá hàng tỷ USD để chuẩn bị ứng phó với đại dịch.

Theo ông Thomas Cueni, cơ chế mua vaccine cần sự tài trợ của các quốc gia có thu nhập cao và chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu nguồn nguyên liệu và sản phẩm được vận chuyển mà không bị vướng rào cản trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông nhấn mạnh IFPMA sẽ làm việc với các chính phủ và tất cả các bên liên quan để đảm bảo rằng các hệ thống ứng phó đi vào hoạt động và được duy trì.

Các rào cản thương mại đã gây ra các vấn đề về cung ứng trong đại dịch COVID-19.

Một số quốc gia đã ban hành chính sách hạn chế thương mại trong thời gian này, như Ấn Độ cấm xuất khẩu vaccine trong năm 2021 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước, hay Mỹ kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng để ưu tiên ứng phó với khủng hoảng trong nước.

Các biện pháp này đã làm chậm quá trình cung ứng cho các nhà sản xuất vaccine.

Năm 2020, COVAX - cơ chế chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu - đã được thành lập để đảm bảo phân phối, chia sẻ vaccine cho các nước nghèo hơn, nhưng cơ chế này đã sớm quá tải do các nước giàu tiếp cận nhanh hơn khiến các nước khác bị tụt lại phía sau.

Nhóm vận động của IFPMA cho rằng cơ chế COVAX đã không được cấp kinh phí hoặc tổ chức kịp thời gian để đảm bảo vaccine được chia sẻ công bằng giữa các nước nghèo và các nước có thu nhập cao./.

Ngọc Hiệp (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ifpma-de-xuat-co-che-dam-bao-nguon-cung-vaccine-cho-cac-nuoc-ngheo/791979.vnp