IFC và Google: cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường vốn và số hóa nền kinh tế

Đánh giá cao những chính sách điều hành hiệu quả của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, ông Philippe Le Hoúerou, Tổng Giám đốc IFC khẳng định IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển thị trường vốn...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (phải) tiếp ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương chiều 15/8. (Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương cung cấp)

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (phải) tiếp ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương chiều 15/8. (Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương cung cấp)

IFC hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính

Chiều 15/8/2019, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã tiếp ông Philippe Le Hoúerou, Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) kiêm Phó Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Bình bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác Việt Nam – IFC ngày càng phát triển tốt đẹp; nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của IFC trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong việc hỗ trợ cho khu vực tư nhân dưới nhiều hình thức trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế,… cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn về tiếp cận tài chính, hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đánh giá cao những chính sách điều hành hiệu quả của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, ông Philippe Le Hoúerou, Tổng Giám đốc IFC khẳng định IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển thị trường vốn, năng lượng tái tạo…

Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng tiếp ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google Châu Á – Thái Bình Dương và ông Ted Osius, Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách công và quan hệ Chính phủ Google Châu Á – Thái Bình Dương.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương bày tỏ vui mừng khi được biết Google kinh doanh thành công tại Việt Nam với nhiều sản phẩm đã và đang trở nên phổ biến, quen thuộc với hàng triệu người dùng và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đồng thời, ông Bình cho rằng, với sự phát triển nhanh đó, Google nên mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam để có thể phối hợp xử lý tốt các vấn đề liên quan.

Ông Nguyễn Văn Bình tiếp ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google Châu Á – Thái Bình Dương

Google: đến 2020 đào tạo miễn phí kỹ năng số cho 500.000 chủ DNVN Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Bình cũng đánh giá cao những sáng kiến và chương trình Google đang triển khai tại Việt Nam; khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện môi trường kinh doanh thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Trong đó có Google; nhấn mạnh các doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần tuân thủ luật pháp của Việt Nam, mong muốn Google khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, bảo đảm một môi trường cung cấp dịch vụ an toàn, lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia.

Ông Scott Beaumont Chủ tịch Google Châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh đến số hóa nền kinh tế - một trong những xu hướng quan trọng của thế giới có thể mang lại giá trị rất lớn; cho rằng, với nền tảng sẵn có và định hướng phát triển trong tương lai, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ số hóa nền kinh tế và phía Google sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tham gia thuận lợi vào quá trình này;

Ông khẳng định trong chương trình Vietnam Digital 4.0, Google đặt mục tiêu từ nay đến 2020 sẽ đào tạo miễn phí kỹ năng số cho 500.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhằm giúp các đối tượng này tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế số…

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ifc-va-google-cam-ket-ho-tro-viet-nam-phat-trien-thi-truong-von-va-so-hoa-nen-kinh-te-d103604.html