Ðiều trị chắp lẹo

Theo y học hiện đại, chắp thường do viêm mạn tính tuyến Meibomius. Khi bội nhiễm có thể có hiện tượng viêm sưng nóng đỏ đau, sau đó hóa mủ, áp-xe hóa, tự vỡ mủ hoặc rò mủ ra ngoài da và tự khỏi.

Hoặc có thể tiến triển viêm mạn tính dưới hình thức một nang hóa, sưng phồng lên và không có hiện tượng nóng, đỏ, đau. Đó một khối u lành tính, nằm ở xa bờ mi, nếu ở bên ngoài sụn mi thì đội lồi da phía ngoài mi mắt lên hoặc nếu ở trong thì đội kết mạc lên, có thể làm giảm thị lực do chắp đè vào nhãn cầu.

Lẹo: thường do viêm tuyến bã hoặc tuyến lệ phụ ở ngay chân lông mi. Ban đầu mi đỏ, rồi sưng lên thành một mụn nhọt và hơi đau. Sau 2-4 ngày cảm giác đau tăng dần, nhức buốt thì hóa mủ, sau đó cả mủ và ngòi vỡ thoát ra cùng với lông mi.

Điều trị đối với lẹo tương đối đơn giản, chườm nóng sớm khi mới bị bệnh lại là cách điều trị hữu hiệu nhất, kết hợp thuốc nhỏ hoặc mỡ kháng sinh tại chỗ. Khi đã có mủ, lẹo sẽ tự vỡ, nếu không phải làm thủ thuật chích tháo. Tuy nhiên bệnh rất dễ tái phát.

Theo y học cổ truyền, chắp, lẹo có tên gọi là “Thâu châm”, “Châm nhãn”, “Thổ âm”, “Thổ dương”, “Nhãn đơn”, “Mạch lạp thủng”...Nguyên nhân thường do phong và nhiệt tác động lẫn nhau làm tổn hại vùng mi mắt hoặc do ăn uống đồ cay nóng thái quá làm kinh Vị hóa nhiệt gây tổn hại mi mắt. Vì chắp, lẹo là chứng bệnh hay gặp nhất là trước đây khi điều kiện môi trường không được tốt nên trong dân gian có rất nhiều cách chữa. Mỗi vùng miền có một cách khác nhau nhưng xét dưới góc độ khoa học thì đều có ý nghĩa ví dụ khi bị chắp, lẹo thì khi ngồi nấu cơm dùng cây đũa cả hơ nóng áp vào mi mắt nơi sưng đau và phải bí mật không cho ai biết.

Một cách điều trị độc đáo khác mà quý cụ lang bà mế thường hay dùng, đó là cách chích lể huyệt thâu châm hoặc huyệt phế du để điều trị chắp, lẹo.

Thích huyết huyệt thâu châm (Chích lể nặn máu huyệt thâu châm)

Người bệnh ngồi ngay lưng, vắt tay ngược với bên mắt bệnh (mắt trái bệnh thì vắt tay phải) qua vai bên kia, khuỷu tay sát vào cằm, các ngón tay ép sát vào nhau, đưa hết sức ra sau lưng, đầu ngón tay giữa chạm vào cột sống ở chỗ nào thì đó là huyệt để châm (khoảng đốt sống lưng 3-6). Thầy thuốc dùng tay vuốt dọc vai gáy lưng tới điểm để châm, đến khi da đỏ ửng, sát trùng rồi dùng kim to chích nông nặn máu.

Cách xác định huyệt thâu châm.

Cách xác định huyệt thâu châm.

Một cách khác: Tương tự như trên, cũng vắt tay qua vai, ra sau lưng, đầu ngón tay giữa chạm cột sống đến đâu thì đánh dấu điểm đó. Từ điểm này kẻ một đường thẳng ngang vuông góc với cột sống. Một đường thẳng thứ hai từ huyệt kiên tỉnh (giữa vai và gáy) kẻ dọc xuống song song với cột sống. Hai đường thẳng này giao nhau ở đâu thì đó là huyệt..

Thích huyết huyệt phế du

Từ đốt sống lưng thứ 3 đo ngang ra hai bên, mỗi bên 1,5 thốn. Đó là huyệt Phế du, sát trùng rồi dùng kim chích nặn máu huyệt bên bệnh

Một số huyệt tại chỗ sử dụng điều trị chắp lẹo.

Điều trị chắp lẹo bằng phương pháp châm cứu

Theo y học cổ truyền “kinh lạc sở quá chủ trị sở cập” (kinh lạc đi qua đâu thì trị bệnh ở đó) hay “tuần kinh thủ huyệt” (theo kinh mà lấy huyệt), kinh Bàng quang có đường đi liên hệ với mắt, huyệt Phế du lại thuộc kinh Bàng quang nên có thể điều trị được bệnh ở mắt. Ngoài ra theo thuyết Lục kinh, Bàng quang kinh còn gọi là Thái dương kinh là kinh đầu tiên chống đỡ với ngoại tà; và theo thuyết Tạng phủ, Phế chủ bì phu ứng với bệnh da ở mi mắt, cũng là tạng có phản ứng với ngoại tà trước tiên. Một số trường hợp bệnh nhân bị chắp, lẹo có tăng cảm giác đau hoặc thay đổi màu da tại vùng huyệt này (được gọi là “A thị huyệt”).

Điều trị: Châm tả các huyệt tại chỗ: tình minh, toản trúc, thừa khấp, dương bạch, đồng tử liêu. Huyệt toàn thân: Phế du

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan

((Trường cao đẳng Y Thái Nguyên))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ieu-tri-chap-leo-n153151.html