Ðiều chỉnh quy hoạch tuyến đường Phan Ðăng Lưu - Yên Thường

Nhiều hộ dân ở thôn Lã Côi (xã Yên Viên, Gia Lâm, TP Hà Nội) phản ánh việc quy hoạch tuyến đường Phan Ðăng Lưu - Yên Thường có nhiều bất cập. Cụ thể là đường có thiết kế nhiều cua, gấp khúc không đúng tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị; không tính toán kỹ làm thất thoát ngân sách; lập dự án thiếu dân chủ, không lấy ý kiến người dân; cố ý nắn đường để tạo quỹ đất bán trục lợi…

Nhiều hộ dân ở thôn Lã Côi (xã Yên Viên, Gia Lâm, TP Hà Nội) phản ánh việc quy hoạch tuyến đường Phan Ðăng Lưu - Yên Thường có nhiều bất cập. Cụ thể là đường có thiết kế nhiều cua, gấp khúc không đúng tiêu chuẩn thiết kế đường đô thị; không tính toán kỹ làm thất thoát ngân sách; lập dự án thiếu dân chủ, không lấy ý kiến người dân; cố ý nắn đường để tạo quỹ đất bán trục lợi…

Kiến nghị của người dân thôn Lã Côi

Dự án xây dựng tuyến đường theo quy hoạch từ điểm đầu giáp đường Phan Ðăng Lưu đến điểm cuối Yên Thường (Dự án) dài 2.950 m, rộng 25 m, tổng mức đầu tư 287,824 tỷ đồng. Theo quy hoạch phân khu đô thị N9 tỷ lệ 1/5.000 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 165/QÐ-UBND ngày 9-1-2013, đường có quy mô đường chính khu vực, rộng từ 24 - 28 m. Trong đó hướng tuyến của tuyến đường đoạn qua khu vực thôn Lã Côi dài khoảng 900 m, bám sát đường cũ và khu dân cư hiện có. Phía nam thôn Lã Côi là đất hạ tầng kỹ thuật dự kiến phát triển ga Yên Viên (thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải).

Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQL Dự án) huyện Gia Lâm đã ký hợp đồng với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500. Theo đề xuất của đơn vị lập, chỉ giới đường đỏ này vẫn giữ nguyên thiết kế dự án tuyến đường theo quy hoạch N9 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Lý do đường không nắn thẳng sang phía nam thôn Lã Côi do khu vực này là đất thuộc quản lý của ngành đường sắt, đã có dự kiến xây dựng hạ tầng phát triển ga Yên Viên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trạng khu vực này là một tuyến đường sắt cụt (tam giác quay) của trạm đầu máy thuộc Xí nghiệp Ðầu máy Yên Viên.

Tuy nhiên, khi thực hiện theo quy hoạch N9, tuyến đường Phan Ðăng Lưu - Yên Thường, đoạn qua thôn Lã Côi sẽ phải giải phóng mặt bằng (GPMB) hàng chục nghìn m2 công trình công cộng mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, mặt hồ điều hòa và khu dân cư. Trong đó có Nhà tưởng niệm Bác Hồ, trường mầm non, một phần chùa Sùng Ân và nghĩa trang thôn. Theo thiết kế này, tuyến đường có nhiều điểm cua khá gấp không phù hợp tiêu chuẩn đường đô thị. Trong khi đó, nếu điều chỉnh thiết kế dịch về phía nam, qua phần đất đường sắt cụt của ga Yên Viên, tuyến đường sẽ chạy thẳng và không phải GPMB các công trình văn hóa - lịch sử nêu trên. Hơn nữa, tuyến đường điều chỉnh sẽ hạn chế nguy cơ bị ngập lụt vào mùa mưa của hàng nghìn hộ dân thôn Lã Côi.

Cần thiết phải điều chỉnh Dự án

Sau khi biết nội dung Dự án, đại diện người dân thôn Lã Côi cho rằng việc thiết kế con đường như quy hoạch N9 là bất hợp lý và vi phạm các quy định về thiết kế đường đô thị. Nhiều ý kiến cho rằng đoạn đường qua thôn Lã Côi bị “nắn” cong, có nhiều cua gấp là để tạo quỹ đất phân lô, bán nền. Chưa kể, nếu làm đường thẳng, Nhà nước sẽ cắt giảm được hàng chục tỷ đồng do không phải đền bù GPMB diện tích và công trình của người dân Lã Côi. Cũng theo phản ánh của người dân, BQL Dự án huyện Gia Lâm cũng như chính quyền xã Yên Viên đã không phổ biến Dự án rộng rãi, không tổ chức lấy ý kiến người dân trước khi phê duyệt Dự án. Ðơn vị thực hiện Dự án cũng tự ý áp đặt mức giá đền bù GPMB trái với Quyết định số 10/2017/QÐ-BND ngày 29-3-2017 của UBND thành phố Hà Nội…

Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng BQL Dự án Lê Trung Hiếu cho biết: Hồ sơ chỉ giới đường đỏ của Dự án đã được cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo Giấy mời số 133/GM-QLDA ngày 19-6-2018 và thống nhất tại biên bản làm việc ngày 22-6-2018. Ngày 24-7-2018, UBND xã Yên Viên đã có văn bản xác nhận kết quả lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội thẩm định và UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt tại Quyết định số 5140/QÐ-UBND ngày 26-9-2018. Tiếp đó, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án được Sở Giao thông vận tải chủ trì thẩm định, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan. Ngày 25-10-2019, UBND huyện Gia Lâm đã phê duyệt Dự án tại Quyết định số 7887/QÐ-UBND theo ủy quyền của UBND thành phố. Theo đó, tuyến đường thuộc Dự án có chiều dài 2.959 m, rộng 28 m, đi qua các thôn Yên Viên, Kim Quan, Ái Mộ, Lã Côi (xã Yên Viên) và tổ dân phố Yên Hà (thị trấn Yên Viên). Ngày 10-9-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn xác định ranh giới khu đất phục vụ công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Sau khi cơ quan chức năng tổ chức cắm mốc, người dân thôn Lã Côi có kiến nghị như nội dung đã nêu ở trên.

Nhận thấy những kiến nghị, đề xuất của người dân thôn Lã Côi là chính đáng và hợp lý, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, UBND huyện Gia Lâm đã giao BQL Dự án huyện nghiên cứu, xem xét, thống nhất và đề xuất điều chỉnh Dự án. Theo đó, ngày 15-1-2020, UBND huyện Gia Lâm ban hành Văn bản số 95/UBND-QLDAÐTXD đề nghị UBND, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố điều chỉnh hướng tuyến chỉ giới đường đỏ đoạn tuyến đi qua thôn Lã Côi dịch về phía nam; bố trí các đường cong chuyển tiếp, cong tròn bảo đảm các yếu tố kỹ thuật. Phần đất xen giữa tuyến đường cũ và mới điều chỉnh làm đất cây xanh, vườn hoa và mặt nước. Huyện Gia Lâm cũng đề xuất phương án xây dựng cầu quay trên diện tích 1.000 m2 đất công thay thế cho tam giác quay của Xí nghiệp Ðầu máy Yên Viên. Theo tính toán, chi phí cho Dự án theo phương án điều chỉnh ước tính sẽ tiết kiệm cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng từ GPMB.

Việc thống nhất đề xuất điều chỉnh Dự án phù hợp hiện trạng thực tế cho thấy BQL Dự án, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm đã thật sự nghiêm túc xem xét, lắng nghe và tiếp thu kiến nghị của người dân. Việc phải điều chỉnh Dự án không chỉ làm chậm tiến độ, gây khó khăn cho đơn vị thi công mà còn tạo bất bình trong dư luận. Mong rằng đây sẽ là bài học về sự minh bạch, về trách nhiệm của cán bộ trong việc lập quy hoạchvà triển khai các bước không chỉ của Dự án đường Phan Ðăng Lưu - Yên Thường mà còn của các dự án khác trên địa bàn.

Mặc dù các bên đã đạt được thống nhất điều chỉnh Dự án nhưng do phương án điều chỉnh sẽ lấy vào phần đất thuộc ga Yên Viên và việc chấp thuận thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải. Huyện đã đề nghị UBND thành phố báo cáo Bộ cho phép sử dụng đất cũng như phương án xây dựng cầu quay thay thế. Việc tiếp tục triển khai Dự án cần phải chờ sự đồng ý của Bộ...

Lê Anh Quân

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, TP Hà Nội

Thôn Lã Côi là một trong những làng cổ nhất xã Yên Viên, có bề dày truyền thống từ thời Lý - Trần, có nhiều thành tích trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Việc người dân kiến nghị giữ lại các công trình văn hóa - lịch sử là cần thiết và hợp lý. Hoan nghênh sự cầu thị và nghiêm túc của các cơ quan liên quan đã có quyết định có lý, có tình về những nguyện vọng của chúng tôi.

Trần Công Phụng

Trưởng thôn Lã Côi (Yên Viên, Gia Lâm, TP Hà Nội)

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/43512702-%C3%B0ieu-chinh-quy-hoach-tuyen-duong-phan-%C3%B0ang-luu-yen-thuong.html