Ðiểm sáng hy vọng

Trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19, vẫn có những 'điểm sáng' phục hồi ấn tượng, nhờ các gói kích thích kinh tế được các chính phủ tung ra. Gói cứu trợ tiếp tục là phương thuốc hữu hiệu giúp các nền kinh tế khởi sắc hơn.

Trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19, vẫn có những "điểm sáng" phục hồi ấn tượng, nhờ các gói kích thích kinh tế được các chính phủ tung ra. Gói cứu trợ tiếp tục là phương thuốc hữu hiệu giúp các nền kinh tế khởi sắc hơn.

Theo số liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong số 15 nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc đã vượt "bão Covid" một cách ngoạn mục khi đạt tăng trưởng 2,3%. Ðáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2021 đạt mức cao nhất trong 20 năm qua, trong khi nhập khẩu cũng tăng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nước này trong hai tháng đầu năm nay tăng 32,2%, lên 5.440 tỷ nhân dân tệ, tiếp tục đà tăng trưởng của những tháng trước đó. OECD dự báo, kinh tế Trung Quốc năm 2021 tăng trưởng 8%, mức cao nhất trong số 50 nền kinh tế lớn.

Hàn Quốc sụt giảm kinh tế chỉ 1% do tác động của đại dịch. Kinh tế Hàn Quốc ổn định nhờ sự phục hồi của xuất khẩu, một trong những động lực tăng trưởng chính của "xứ sở kim chi" và chi tiêu chính phủ nhiều hơn để giải quyết hậu quả của đại dịch. Hàn Quốc được dự báo tăng trưởng 2,8% trong năm 2021, đứng thứ 29 trong số 50 nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tại khu vực Ðông - Nam Á, nền kinh tế Ma-lai-xi-a cũng được dự báo duy trì quỹ đạo tăng trưởng lạc quan, bất chấp yếu tố không chắc chắn của kinh tế toàn cầu, do Ma-lai-xi-a vẫn có vùng đệm thanh khoản dồi dào. Nền kinh tế Ma-lai-xi-a được dự báo tăng trưởng trở lại trong năm nay, khi công tác tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đang được triển khai hiệu quả trên toàn thế giới. Theo nhận định của nhà kinh tế trưởng R.Ri-cót thuộc Tổ chức Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Ma-lai-xi-a có thể sẽ dao động trong khoảng từ 5,6% đến 6,7%.

Nền kinh tế Ô-xtrây-li-a tiếp tục phục hồi ấn tượng sau cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra. Cơ quan Thống kê Ô-xtrây-li-a (ABS) cho biết, trong quý IV-2020, GDP của nước này tăng 3,1%, duy trì đà tăng quý trước đó. Ðây là lần đầu trong 60 năm, GDP của Ô-xtrây-li-a tăng trưởng mức hơn 3% trong nhiều quý liên tiếp. Các con số này cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của "xứ sở chuột túi", mà trong đó động lực chính chính là nhờ khoản hỗ trợ cho chương trình "Giữ việc làm" và thúc đẩy chi tiêu của chính phủ.

Ðể tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi, các nền kinh tế lớn trên thế giới được cho là cần tiếp tục tiến hành các biện pháp cứu trợ và hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Các chuyên gia đã cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn nếu các nước rút lại gói hỗ trợ tài chính quá sớm. Chính quyền mới ở Mỹ đã đưa ra gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD để tạo động lực cho nền kinh tế số một thế giới thúc đẩy đà phục hồi. Bộ trưởng Tài chính Anh cũng tuyên bố gia hạn chương trình cứu trợ khẩn cấp để giúp nền kinh tế "xứ sở sương mù" vượt qua giai đoạn khó khăn do lệnh phong tỏa. Các biện pháp hỗ trợ mới bao gồm gia hạn kế hoạch giải cứu việc làm thêm sáu tháng, hỗ trợ thêm cho lao động tự do…

Trong khi đó, một trong những biện pháp nhằm khắc phục hậu quả đại dịch mà Thủ tướng Ðức A.Méc-ken đề cập mới đây là đưa ra các chính sách nhằm giúp giảm thiệt thòi đối với phụ nữ, vốn đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động và góp phần không nhỏ vào nỗ lực phục hồi kinh tế. Trước thực tế có hơn 75% số người làm việc trong lĩnh vực y tế là phụ nữ, trong khi đại dịch làm trầm trọng thêm khoảng cách giới về việc làm, lãnh đạo Ðức cho rằng, các nước phải hành động. Theo bà Méc-ken, đại dịch đã tước đi cơ hội việc làm của nhiều phụ nữ, trong khi họ phải cân bằng giữa công việc và gia đình.

Tín hiệu khởi sắc từ các nền kinh tế tạo động lực để các nước tiếp tục thực thi chính sách nhằm tạo đà phục hồi vững chắc, nhất là trong bối cảnh các chiến dịch tiêm vắc-xin trên toàn cầu đang đem lại tia hy vọng mới trong cuộc chiến chống Covid-19.

Thái An

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/iem-sang-hy-vong-637828/