'Ðiểm nóng' đáng lo ngại

A-rập Xê-út kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) lên án lực lượng nổi dậy Hu-thi ở Y-ê-men vì vụ tiến công tên lửa nhằm vào nhà máy phân phối các sản phẩm dầu mỏ của Tập đoàn Saudi Aramco của nước này.

A-rập Xê-út kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) lên án lực lượng nổi dậy Hu-thi ở Y-ê-men vì vụ tiến công tên lửa nhằm vào nhà máy phân phối các sản phẩm dầu mỏ của Tập đoàn Saudi Aramco của nước này.

Các vụ tiến công của Hu-thi nhằm vào cơ sở sản xuất của "ông vua dầu mỏ" được coi là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng cũng như sự ổn định của khu vực, cản trở các nỗ lực ngừng bắn và tiến trình chính trị ở Y-ê-men.

Liên tiếp xảy ra các vụ tiến công nhằm vào A-rập Xê-út trong những ngày qua khiến quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lo ngại nguy cơ an ninh gia tăng. Vụ tiến công của Hu-thi nhằm vào một nhà máy của Saudi Aramco khiến một trong 13 bể chứa của tập đoàn dầu khí lớn này ngưng hoạt động. Cơ sở bị tiến công là khu vực quan trọng, với sức chứa 5,2 triệu thùng dầu, và có khả năng cung cấp hơn 120.000 thùng/ngày cho các vùng miền tây của A-rập Xê-út. Tiếp đó, lực lượng liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu tham chiến chống phiến quân Hu-thi tại Y-ê-men xác nhận, một tàu thương mại neo tại cảng Su-cai trên Biển Ðỏ của A-rập Xê-út đã bị hư hại trong một vụ nổ được mô tả là "âm mưu tiến công khủng bố bất thành". Liên quân nêu rõ, lực lượng này đã đánh chặn một tàu cài bom của Hu-thi và một tàu thương mại đã bị hư hại nhẹ trong vụ nổ. Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh cho biết, tàu chở dầu Agrari treo cờ Man-ta và do hãng TMS Tankers (có trụ sở tại Hy Lạp) quản lý, đã bị hư hại do mìn phát nổ khi tàu này đang neo gần Nhà máy điện Hơi nước An Su-cai. Ri-i-át cáo buộc các vụ tiến công này do lực lượng nổi dậy Hu-thi ở Y-ê-men tiến hành, coi các hành động này là nhằm đánh vào "xương sống" của nền kinh tế và an ninh các nguồn cung, đe dọa hàng hải và thương mại toàn cầu.

Xung đột giữa lực lượng nổi dậy Hu-thi ở Y-ê-men với liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu tiếp tục leo thang bất chấp các nỗ lực của LHQ làm trung gian nhằm đưa các bên vào bàn đàm phán, chấm dứt bạo lực. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, đẩy Y-ê-men vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Ðược đánh giá là trung tâm của cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất trên thế giới, Y-ê-men cận kề nạn đói khi bạo lực gia tăng và đồng nội tệ phá giá khiến ngày càng nhiều người dân không có tiền mua lương thực. Hai phần ba trong tổng số khoảng 28 triệu người dân Y-ê-men hiện đang đói ăn. Theo số liệu của LHQ, số người suy dinh dưỡng trầm trọng tại miền nam Y-ê-men đã tăng 15,5% trong năm nay và có ít nhất 98.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ chết đói. Vào cuối năm nay, 41% trong tổng số tám triệu người ở miền nam Y-ê-men đang rơi vào cảnh bần hàn do đói nghèo, tăng so với 25% hiện nay.

Thỏa thuận hòa bình do LHQ làm trung gian đã được ký kết tại Thụy Ðiển hồi năm 2018, song việc các bên liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn đẩy Y-ê-men chìm sâu vào khủng hoảng. Thành phố cảng Hô-đây-đa, nơi có cảng biển chiến lược tiếp nhận hàng hóa vào Y-ê-men, nhiều lần hứng chịu các vụ tiến công dữ dội, chặt đứt tuyến vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân ở quốc gia này. Một phần của thành phố cảng do lực lượng Hu-thi kiểm soát, trong khi quân đội chính phủ kiểm soát khu vực ngoại ô phía nam và phía đông. Việc hai bên xung đột thường xuyên vi phạm lệnh ngừng bắn gây cản trở các nỗ lực hoạt động của LHQ đang được triển khai nhằm cứu Y-ê-men thoát khỏi thảm kịch nhân đạo.

Trước mối đe dọa an ninh luôn rình rập, Ðặc phái viên LHQ về Y-ê-men M.Gríp-phít đã kêu gọi các bên liên quan ngừng giao tranh và tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét nhấn mạnh, leo thang quân sự không chỉ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, mà còn đi ngược lại tinh thần của những cuộc đàm phán, do LHQ bảo trợ, đang diễn ra nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, hướng tới các biện pháp nhân đạo và kinh tế cũng như nối lại tiến trình chính trị ở Y-ê-men. Người đứng đầu LHQ cho rằng, những căng thẳng tại khu vực vùng Vịnh đã khiến những nỗ lực nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho Y-ê-men gặp trở ngại, vì vậy cần giải quyết ngay những thách thức của khu vực để ngăn chặn tình trạng mất ổn định lan rộng hơn nữa.

Có vị trí địa-chính trị chiến lược khi hầu hết các tàu chở dầu từ các nước vùng Vịnh đều đi qua bờ Biển Ðỏ ở Y-ê-men trước khi xuất cảng sang châu Âu, sự ổn định của Y-ê-men đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực. Việc lực lượng Hu-thi "làm mưa làm gió" ở con đường giao thương huyết mạch này khiến các nước A-rập trong khu vực "đứng ngồi không yên". Tuy nhiên, việc các bên tham chiến ở Y-ê-men sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề đã trút hết đau thương lên dân thường vô tội, khiến quốc gia trên bán đảo A-rập tiếp tục là một "điểm nóng" đáng lo ngại.

THÁI THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/-iem-nong-dang-lo-ngai-625910/