Idlib: Lãnh thổ Syria hay một tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang ủy quyền đã biến tỉnh Idlib của Syria trở thành một 'vương quốc độc lập' trong lòng đất nước Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ thực tế tỉnh Idlib của Syria

Giới phân tích Trung Đông nhận xét rằng, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO, hiện có một lực lượng ủy nhiệm thánh chiến mà họ đã triển khai ở đất nước Syria cũng như ở các chiến trường xa xôi như Libya và Nagorno-Karabakh (thuộc chủ quyền Azerbaijan, nhưng đã ly khai khỏi Azerbaijan, tự tuyên bố độc lập và được Armenia bảo trợ).

Một loạt các nhóm chiến binh thánh chiến ẩn náu ở miền bắc Syria dưới sự bảo vệ của Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành lực lượng ủy nhiệm thường trực của người Thổ Nhĩ Kỳ trong tham vọng xây dựng một Đế chế Ottoman mới.

Sự kết hợp giữa tư tưởng Ottoman và tư tưởng thánh chiến giống như một “cuộc hôn nhân trên thiên đường”. Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh thánh chiến có mối quan hệ tư tưởng, giáo phái và có những mục tiêu chung, có sự tương hỗ về tài chính và hậu cần, cũng như sự gần gũi về địa lý. Họ có chung sở thích phiêu lưu ở những vùng đất xa xôi, đặc biệt là để phục vụ những gì họ coi là một “sự nghiệp thánh thiện”.

Báo cáo thứ 27 của Nhóm hỗ trợ phân tích và giám sát trừng phạt đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến ISIL (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo), al-Qaeda, và các cá nhân, thực thể liên quan kết luận rằng, Iraq và Syria vẫn là khu vực cốt lõi của ISIL, đặc biệt là khu vực Idlib, nơi Al-Qaeda cũng có các chi nhánh.

"Khu vực Idlib" đề cập đến mũi phía tây bắc của Syria, giáp nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Idlib vừa được coi là thành trì cuối cùng của phiến quân ở đất nước bị chiến tranh tàn phá, vừa được thừa nhận là đã trở thành một tỉnh trên thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ là phương tiện trao đổi tài chính và các cơ quan chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cung cấp các dịch vụ như: Giáo dục, nhà ở và bảo vệ an toàn công cộng.

Kể từ đầu năm 2020, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát khu vực này với lý do bảo vệ các trạm quan sát của nước này khỏi cuộc tấn công của quân đội Syria và tạo ra một khu vực an toàn cho những người phải di dời khỏi vùng đệm giữa khu vực do chính phủ kiểm soát và khu vực do phiến quân quản lý.

Ngoài ra, tình trạng tương tự “một nước hai chế độ” cũng được thiết lập ở các vùng đất mà Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang thân Thổ đang kiểm soát thuộc tỉnh Aleppo, kéo dài từ Khu tự trị người Kurd ở Afrin ở tây Aleppo đến thị trấn al-Bab ở phía đông Aleppo.

Thông qua HTS, Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát thực tế tỉnh Idlib của Syria

Thông qua HTS, Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát thực tế tỉnh Idlib của Syria

Sự thống trị của nhóm khủng bố thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib

Báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) cho biết, HTS vẫn là nhóm chiến binh thống trị ở vùng lãnh thổ tây bắc của Cộng hòa Ả Rập Syria, với khoảng 10.000 chiến binh, đa số là người Syria; nhưng khu vực giảm leo thang xung đột Idlib vẫn quan trọng đối với ISIL với vai trò là một nơi trú ẩn “tương đối an toàn”.

Hay’at Tahrir al-Sham (HTS) thường xuyên bắt giữ các chiến binh ISIL. Tuy nhiên, một số thủ lĩnh ISIL vẫn tiếp tục cư trú trong khu vực và đây là điểm đến tiềm năng của nhiều cựu chiến binh IS và gia đình, như là cửa ngõ an toàn nhất vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện HTS đang tìm cách củng cố hơn nữa quyền kiểm soát của mình đối với khu vực giảm leo thang xung đột Idlib và gây áp lực lên các nhà lãnh đạo địa phương phải tuân thủ quyền lực của mình, đảm bảo rằng người dân phải tuân thủ phiên bản “Luật Sharia” của chúng.

Ngoài việc đánh thuế các doanh nghiệp địa phương, HTS duy trì độc quyền nhập khẩu và phân phối xăng và nhiên liệu diesel… Thu nhập của nhóm từ kinh doanh nhiên liệu và năng lượng ước tính khoảng 1 triệu dollars hàng tháng.

HTS cũng được cho là kiểm soát việc phân phối viện trợ nhân đạo thông qua một tổ chức được gọi là Maktab Sho’oun Al-Munathamat (Cục Tổ chức Sự vụ - the Bureau of Organization Affairs). Cục này hạn chế việc phân phối trực tiếp hàng hóa cho người dân địa phương bởi các tổ chức nhân đạo; đồng thời cũng tịch thu một phần của những hàng hóa này để củng cố mạng lưới bảo trợ của HTS.

Một chi nhánh lớn khác của Al-Qaeda ở khu vực Idlib là Hurras al-Din (HAD), với khoảng 2.000 đến 2.500 chiến binh. Nó đã bị suy yếu do mất đi một số lượng đáng kể các thủ lĩnh vào năm 2020 và bị lấn át bởi HTS, đối thủ cạnh tranh trực tiếp về danh tiếng trong cộng đồng địa phương và trong lĩnh vực tìm kiến những người ủng hộ, hay tuyển mộ tân binh.

Khu vực Idlib tiếp tục chứa chấp các nhóm khủng bố khác, bao gồm chủ yếu là các chiến binh khủng bố nước ngoài, những người vẫn chịu sự quản lý của HTS. Các nhóm này bao gồm Lữ đoàn Khattab Al-Shishani (KAS - các chiến binh Chechnya - Chechen fighters), Katiba al-Tawhid wal-Jihad (KTJ, các chiến binh Trung Á - Central Asian fighters) và Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (Eastern Turkistan Islamic Movement - ETIM), còn được gọi là Đảng Hồi giáo Turkistan. KTJ là nhóm vũ trang mạnh nhất, với quân số ước tính từ 3.000 đến 4.500 thành viên.

Đó là những nhóm thánh chiến Hồi giáo lớn ở tỉnh Idlib, tính đến cuối năm 2020.

Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một vùng rất lớn thuộc tỉnh Aleppo của Syria

Lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng ở Syria

Lực lượng vũ trang bảo trợ chính thức cho các nhóm Hồi giáo thánh chiến là “Quân đội Syria Tự do” (FSA) - đồng minh chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là lực lượng chiến đấu chủ yếu cho Thổ Nhĩ Kỳ ở trên đất Syria. FSA được coi là nhóm vũ trang phi chính phủ lớn nhất Syria, với quân số từ 10.000 – 15.000 tay súng.

Vào đầu năm 2019, FSA đã quy tụ thêm một số nhóm khác và tự xưng là “Quân đội Quốc gia Syria” (Syrian National Army - SNA), nhưng trên thực tế, SNA chính là FSA và đã được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp tiền bạc, huấn luyện, trang bị từ năm 2016.

Những người trung thành với Thổ Nhĩ Kỳ gốc Ả Rập Sunni đã bị cáo buộc tàn phá miền bắc Syria, khiến hàng trăm nghìn người phải di dời và phạm tội ác chiến tranh hàng ngày.

Các lực lượng dân quân ủy nhiệm do Ankara chỉ huy bị cáo buộc chịu phần lớn trách nhiệm cho nhiều hành động tàn bạo đối với người Kurd địa phương, bao gồm các vụ hành quyết, bắt cóc, cưỡng hiếp, cướp bóc và các tội ác khác.

Với hơn 200.000 người phải bỏ chạy khỏi quê hương bản quán (theo số liệu của Liên Hợp Quốc), nhiều người tị nạn cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ủy nhiệm đang có kế hoạch tiêu diệt lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, đẩy thường dân người Kurd ra khỏi các khu định cư và thay thế họ bằng những người Ả Rập trung thành với Ankara.

Theo giới truyền thông địa phương, FSA trong quá khứ đã đánh cắp dự trữ lúa mì dành cho cư dân Syria và bán cho các nhà buôn ngũ cốc tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ, tịch thu kho dược phẩm và bán lại cho chủ sở hữu với giá cắt cổ, đồng thời lục soát, phá phách các trường học…

Ngoài ra, ở ngoại ô Aleppo, FSA đã triển khai lực lượng cảnh sát thực thi pháp luật Sharia, một bản sao của cảnh sát Wahhabi ở Saudi Arabia, buộc các công dân bình thường phải tuân thủ bộ luật Sharia…

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã dựa trên lời khai của các nhân chứng, tổng hợp bằng chứng về tội ác chiến tranh của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong các cuộc tấn công.

Trong báo cáo cho biết, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự coi thường tính mạng dân thường, thực hiện hàng loạt các vụ giết người vô duyên cớ và các cuộc tấn công không có lí do vào các ngôi nhà, những tiệm bánh và hàng loạt trường học khiến dân thường thiệt mạng và bị thương…

Đó là những tai tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên NATO - và các đồng minh ủy nhiệm của Ankara.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/idlib-lanh-tho-syria-hay-mot-tinh-cua-tho-nhi-ky-3430113/