IDICO: Những người đam mê chinh phục dòng sông

Giữa tháng 4 lịch sử, khi cả ngành Xây dựng đang bừng lên khí thế chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập, phóng viên Báo Xây dựng đã trở lại nhà máy thủy điện Đak Mi 3 - dấu ấn một chặng đường đầy tự hào của IDICO trong 18 năm hình thành và phát triển.

Khơi nhiệt huyết từ Srok Phu Miêng

Trước năm 2003, dự án Thủy điện Srok Phu Miêng, tỉnh Bình Phước được giao cho một đơn vị có tên tuổi chuyên làm về thủy điện. Đơn vị này cho rằng vị trí dự án không thuận lợi nên hiệu quả kinh tế rất thấp, do đó Srok Phu Miêng có nguy cơ bị “bỏ rơi” nếu như không có duyên gặp “người IDICO”.

Nơi khởi nguồn đam mê làm thủy điện của “người IDICO

Với mắt “nhà nghề”, những người lính IDICO nhận thấy điểm thuận lợi của thủy điện Srok Phu Miêng là bậc thang thứ 3 của hệ thống thủy điện trên Sông Bé, phía thượng lưu là 02 nhà máy thủy điện Thác Mơ và Cần Đơn có hồ chứa dung tích lớn, làm nhiệm vụ tích nước tạo dòng chảy ổn định về hạ du, do đó số giờ phát điện trong năm của thủy điện Srok Phu Miêng sẽ nhiều hơn… Với sự quyết đoán, lãnh đạo IDICO đã đồng lòng bắt tay vào tạo lập “đứa con” thủy điện đầu tiên với vai trò vừa là chủ đầu tư vừa là tổng thầu thi công.

Trò chuyện với phóng viên Báo Xây dựng, Tổng Giám đốc IDICO Nguyễn Văn Đạt đến giờ vẫn không quên được những cảm xúc khi đảm nhiệm vị trí tổng chỉ huy dự án Thủy điện Srok Phu Miêng. Ông say sưa kể: Để giải bài toán về giảm suất đầu tư cho Srok Phu Miêng, chúng tôi đã điều chỉnh tối ưu hóa thiết kế kỹ thuật và hình thức quản lý dự án. Một trong những phương án để giải bài toán khó ở dự án Srok Phu Miêng khi ấy được áp dụng là phương án ngăn sông một lần. “Áp dụng phương án này rất khó khăn nhưng sẽ tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng do không phải đào kênh dẫn dòng và đẩy nhanh tiến độ công trình”.

Ông Đạt nhớ lại: Nhận thấy cột nước của Srok Phu Miêng thấp chỉ khoảng 22m, vì vậy trong mùa khô có thể lấp sông một lần đến cao trình thiết kế và tiến hành xây dựng đập tràn, khi lũ về chủ động cho nước tràn qua thân đập. Áp dụng thành công phương án này phải ghi nhận sự giúp đỡ của 02 nhà máy thủy điện bậc trên là Thác Mơ và Cần Đơn cũng như sự phối hợp đồng bộ của tất cả các nhà thầu trên công trường đã nắm bắt rõ yêu cầu thiết kế và làm chủ công nghệ thi công dự án.

Sau gần 03 năm xây dựng, với tiến độ được đảm bảo, Srok Phu Miêng đã chính thức phát điện tổ máy số 01 vào tháng 10/2006 và tổ máy số 02 vào tháng 12/2006. Đến ngày 12/12/2007, nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng IDICO bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, đem lại nguồn lợi cho ngân sách nhà nước gần 30% so với vốn đầu tư ban đầu.

Khơi tiềm lực dòng Đắk Mi

Từ khởi nguồn làm thủy điện thuận lợi nhưng cũng đầy gian nan, tiếp nối niềm vui Srok Phu Miêng, người IDICO ngược ra miền Trung đến với huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam tiếp tục khơi dòng Đắk Mi thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, xây đắp nên thủy điện Đak Mi 4A, 4B và 4C có tổng công suất 208MW, tổng sản lượng điện hàng năm hơn 800 triệu kWh với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.

Ngày 12/4/2007, thủy điện Đak Mi 4 được khởi công. Ngày 17/1/2012, tổ máy số 01 thủy điện Đak Mi 4A chính thức phát điện hòa lưới điện quốc gia. Các tổ máy số 02, 03 lần lượt phát điện ngày 21/2 và 24/2/2012. Tổ máy cuối cùng phát điện vào ngày 10/4/2012. Ngày 10/5/2012, IDICO tổ chức lễ khánh thành thủy điện Đak Mi 4. Tiếp sau đó, tổ máy số 01 và 02 của thủy điện Đak Mi 4C cũng hòa lưới điện quốc gia ngày 21/10 và 31/12/2012.

Dù Đak Mi 4 mới chỉ là công trình thủy điện thứ 02 của IDICO nhưng với tinh thần làm việc đã được tôi luyện trong môi trường gian khó, khắc nghiệt, bản lĩnh, những người thợ IDICO luôn luôn tự nhủ “không sợ khó, không sợ khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu đặt ra”. Ý thức, trách nhiệm này cũng do vị “Tổng chỉ huy” Nguyễn Văn Đạt truyền lửa: Nếu mỗi người không cố gắng một chút, công trình chậm tiến độ một ngày là thiệt hại cho TCty và cho xã hội hàng tỷ đồng.

Ông Đỗ Xuân Yến - Nguyên phó BQLDA Thủy điện Đak Mi 4 bồi hồi nhớ lại: Khởi động 03 nhà máy Đak Mi 4A, 4B, 4C cùng một lúc nên rất nhiều hạng mục công trình chính, phụ được đồng loạt thi công, biến thủy điện Đak Mi 4 thành một đại công trường trải dài hơn 14 km dọc Quốc lộ 14E, luôn hối hả, tập nập 03 ca/ngày với quyết tâm hoàn thành đúng mục tiêu tiến độ đặt ra dù gặp phải nhiều thách thức từ các yếu tố khách quan như mưa, bão lũ, điều kiện địa chất xấu gây sụt lún, sạt lở…

Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Đạt cũng tự hào rằng: Các thế hệ lãnh đạo nói riêng và “người IDICO” nói chung không chịu đầu hàng trước cái khó, không chấp nhận lãng phí thời gian và vật chất. Trên công trường chúng tôi đã phát động thi đua lao động, sản xuất, từ đó có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp nhiều hạng mục công trình vượt tiến độ và làm lợi cho TCty hàng tỷ đồng như: sáng tạo cốp pha tấm lớn cho đập RCC, thay đổi mặt cắt ngang của đê quây giúp thi công nhanh…

Nhớ nhất cuối năm 2010, dù một phần đập tràn Đak Mi 4B đã được thi công bê tông, nhưng qua kiểm tra thực địa hiện trường nhận thấy việc thi công loại đập tràn tự do thông thường như thiết kế ban đầu sẽ tạo mực nước dềnh phía thượng lưu hồ chứa, gây ngập úng khu ruộng lúa nước có diện tích 10 ha và phải di dời nhiều hộ dân. Vì lý do đó chúng tôi yêu cầu đơn vị thiết kế nghiên cứu điều chỉnh kết cấu đập tràn trên cơ sở hiện trạng công trình nhưng đáp ứng điều kiện bắt buộc là giảm cao trình mực nước vùng ngập hồ chứa để không ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân tại khu vực lòng hồ Đak Mi 4B.

Đập tràn tự do dạng phím piano kết hợp zig-zag của thủy điện Đak Mi 4B

Với yêu cầu này, đơn vị tư vấn đã đề xuất điều chỉnh, áp dụng loại đập tràn tự do dạng phím piano kết hợp zig-zag. Nhờ kết cấu đặc biệt của 02 dạng này, khả năng xả của tràn tăng lên từ đó giảm mực nước lũ trên tràn, không ảnh hưởng đến dân sinh và tiết kiệm cho dự án hàng chục tỷ đồng.

Đây là đập tràn đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kết cấu đường tràn nêu trên và cũng là niềm tự hào, kỷ niệm khó quên trong mỗi người IDICO.

Và bừng sáng Đak Mi 3

Chúng tôi trở lại Đak Mi 3 cùng vị “thuyền trưởng” IDICO - Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Đạt vào những ngày tháng 4 lịch sử. Nhà máy đã hoàn thiện và phát điện ổn định đến nay được 10 tháng. Tổ máy số 01 phát điện từ đầu tháng 6/2017, tổ máy số 02 hòa lưới điện tháng 7/2017 mang về sản lượng điện tương đương gần 30 tỷ đồng/tháng.

Cả chặng đường gần 150km từ Đà Nẵng đến Phước Sơn - Quảng Nam, chúng tôi chỉ say sưa nói về chủ đề thủy điện. Qua những câu chuyện tôi thấy được niềm đam mê “làm ra ánh sáng” của vị “thuyền trưởng” IDICO - Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Đạt. Mắt ông ánh lên niềm vui, giọng nói đầy cảm xúc khi kể về kỷ niệm của mình cùng đồng đội và các thế hệ lãnh đạo đầy tâm huyết, cán bộ công nhân viên IDICO trên các công trường thủy điện từ thời trai trẻ cho đến nay. Ông “nghiện” làm thủy điện đến mức dù đã ngoài 60 nhưng giờ có ai nhờ tư vấn thì ông cũng sẵn sàng lên đường.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đến và dự dự khánh thành công trình thủy điện Đak Mi 3

Giờ Đak Mi 3 đã hoàn thành công tác xây dựng và đi vào vận hành ổn định nhưng ông vẫn thường xuyên vượt gần 1000km để “chăm sóc” từng con ốc trên những tổ máy, từng thông số hiển thị trên màn hình giám sát hoạt động của các hệ thống kỹ thuật... và ra để gặp gỡ những người đồng nghiệp cũng yêu nghề thủy điện như ông. Làm thủy điện đương nhiên là khó khăn, vất vả, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần nhưng dường như những ai đã để thủy điện ngấm vào máu thịt thì rất khó dứt.

Từ Ông Đạt đến Ông Yến và rất nhiều “người IDICO” đã từng lăn lộn trên các công trình thủy điện từ hơn 30 năm, đến nay mới được “ngơi tay” khoảng 06 tháng khi nhà máy thủy điện Đak Mi 3 hoàn thiện. Ấy vậy họ đã thấy nhớ và muốn trở lại với không khí tấp nập ngày đêm trên công trường.

Lớp trẻ IDICO cũng vậy, họ cũng đã thấy “buồn chân, buồn tay” khi mà chưa biết đến khi nào mới được “xung trận” dù phải đến nơi rừng thiêng, nước độc và phải xa người thân yêu hàng vài tháng mới gặp. Anh Nguyễn Hữu Lân - Kỹ sư phụ trách vận hành máy Đak Mi 3 tâm sự: Khi nhà máy đang xây dựng nhiều lúc mệt mỏi lắm nhưng những ngày tháng ấy thực sự có ý nghĩa. Giờ TCty có dự án thủy điện mới, dù ở bất cứ đâu, cần là tôi lên đường ngay.

Bên bờ kè Nhà máy Đak Mi 3 lúc chiều xuống, kỹ sư trẻ Cao Đình Dũng - Trưởng ca vận hành nhà máy thủy điện Đak Mi 3 chia sẻ tình yêu dành cho thủy điện: Em mới cưới vợ nhưng nếu TCty có công trình thủy điện mới, em sẵn sàng lên đường. Cảm giác làm thủy điện lạ lắm, cứ như mình đang chinh phục một việc khó khăn. Đến khi chiến thắng, đạt được thành quả thì sự hồi hộp, chờ đợi như vỡ òa nhường chỗ cho niềm vui lan tỏa ra cả tập thể đông đúc. Thời khắc dòng điện từ tổ máy đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia, những người có mặt tại công trường hò reo, ôm chầm lấy nhau vừa vui mừng vừa nghẹn ngào xúc động sau những giờ phút căng thẳng chờ đợi thành công đến.

Nhà máy Đak Mi 3 sáng bừng trong đêm như biểu tượng cho niềm tự hào của “người IDICO”

Khi bóng tối bao phủ Phước Sơn, từ trên đồi cao nhìn xuống thấy Đak Mi 3 sáng bừng trong đêm như biểu tượng cho niềm tự hào của “người IDICO”. Bên bờ đập tràn, ôÔng Đỗ Xuân Yến - Giám đốc Nhà máy thủy điện Đak Mi 3 nhớ lại: Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2014, có công suất 63MW, tổng vốn đầu tư gần 1.630 tỷ đồng. Chúng tôi đã thi công hơn 750 nghìn m3 đất, 139 nghìn m3 bê tông thương phẩm, gia công lắp đặt hơn 2.150 tấn thiết bị và đúng 20h 05phút ngày 30/5/2017 là thời điểm chúng tôi vỡ òa cảm xúc khi tổ máy số đầu tiên hòa lưới điện quốc gia. Hơn 01 tháng sau tổ máy số 02 cũng phát đi dòng điện mang ánh sáng đến với bà con.

Những dự án Thủy điện Đak Mi do IDICO đầu tư xây dựng trong suốt hơn thập kỷ qua đã được nhiều lãnh đạo cấp cao khẳng định. Ngoài việc bổ sung nguồn năng lượng vào hệ thống điện quốc gia, còn góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường cũng như phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn khu vực Tây Trường Sơn.

Đak Mi 3 là công trình thủy điện đánh dấu chặng đường 18 năm doanh nghiệp nhà nước của IDICO bởi từ ngày 01/3/2018 TCty IDICO đã chính thức chuyển đổi mô hình quản lý sang Cty cổ phần.

Kết thúc buổi trò chuyện với Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Đạt và những người “làm ra ánh sáng” bên bờ đập tràn piano của thủy điện Đak Mi 3 bằng những cái bắt tay thật chặt cùng với niềm tin thương hiệu IDICO sẽ phát triển bền vững.

Mai Thanh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/idico-nhung-nguoi-dam-me-chinh-phuc-dong-song.html