Iceland: Kinh tế phục hồi thần kỳ nhờ du lịch và công nghệ

Tại Vòng chung kết FIFA World Cup 2018 đang diễn ra tại Nga, Đội tuyển bóng đá quốc gia Iceland lần đầu tiên có mặt và đã gây ấn tượng mạnh khi thi đấu ngang ngửa và hòa với ứng cử viên vô địch Argentina của danh thủ số 1 thế giới Lionel Messi. Đó không chỉ là sự khởi sắc của riêng môn thể thao bóng đá.

Trên truyền thông quốc tế, nền kinh tế Iceland cũng đang gây chú ý bởi sự hồi phục mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm.

Với dân số chỉ khoảng 350.000 người, đảo quốc quanh năm băng giá Iceland - còn gọi là Băng Đảo - từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Bão khủng hoảng bắt đầu đổ bộ lên hòn đảo băng giá vào tháng 10-2008, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế: Hệ thống tiền tệ sụp đổ, đồng tiền mất giá, sản lượng của nền kinh tế giảm 10% dẫn đến hàng ngàn người mất việc làm. Chính phủ Iceland khi đó buộc phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu để giúp nền kinh tế gượng dậy.

10 năm sau khủng hoảng, nhìn lại sự thất bại của Chính phủ Iceland thời đó, giới phân tích nhận định rằng, những vấn đề của nền kinh tế Iceland phát sinh từ khi chính phủ nước này mô phỏng các chính sách tân tự do của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Chính phủ Haarde đã áp dụng chính sách cắt giảm thuế để kích thích đầu tư tư nhân trong những năm đầu thế kỷ XXI. Kết quả tăng trưởng quá nóng đã dẫn đến lạm phát tăng vọt và Ngân hàng Trung ương buộc phải áp dụng lãi suất cơ bản cao để duy trì kiểm soát lạm phát.

Cựu Thủ tướng Iceland Geir Haarde.

Trong thời gian trước khủng hoảng 2008, lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Iceland đã lên đến 15,5%, một kỷ lục thế giới. Thế là tiền gửi tiết kiệm từ khắp châu Âu bắt đầu đổ vào các ngân hàng tư nhân Iceland. Các ngân hàng căng mình ra nhận thêm tiền đầu tư từ các thị trường tài chính và từ đó bung ra mua sắm tài sản khắp thế giới - như mua lại các công ty, tài sản nhà đất và cả các câu lạc bộ bóng đá. Tổng tài sản các ngân hàng Iceland nắm giữ thời điểm đó lớn gấp 10 lần quy mô nền kinh tế quốc nội.

Khi bão khủng hoảng tài chính đổ bộ, với việc vỡ bong bóng cho vay thế chấp ở Mỹ và các ngân hàng trên khắp thế giới ngừng cho vay liên ngân hàng vì lo ngại khó thu hồi vốn, 3 ông lớn ngân hàng Iceland - gồm Kaupthing, Glitnir và Landsbanki - đã có số dư nợ trị giá gấp 6 lần tổng sản lượng hằng năm của nền kinh tế đất nước. Các ngân hàng đã nhanh chóng sụp đổ.

Nhưng thay vì can thiệp, dùng tiền ngân sách để giải cứu các ngân hàng như Mỹ và Anh đã làm, Chính phủ Iceland đã để cho các ngân hàng phá sản. Chính phủ của Thủ tướng Geir Haarde lập luận, nền kinh tế Iceland quá nhỏ bé, quy mô không lớn và phức tạp bằng nền kinh tế Anh, vì thế Iceland có thể chịu đựng sự phá sản này.

Mặc dù vậy, việc phá sản 3 ông lớn ngành ngân hàng Iceland đã để lại những hệ lụy nhất định. Tháng 1-2009, khi hàng ngàn người dân xuống đường biểu tình, ném tuyết và trứng thối để phản đối, cũng là lúc Thủ tướng Haarde bị buộc tội trong một phiên tòa đặc biệt.

Ông Haarde bị buộc tội vì đã không làm hết trách nhiệm người đứng đầu chính phủ. Rốt cuộc Thủ tướng Haarde buộc phải từ chức và chính phủ của ông cũng sụp đổ theo. Đây là chính phủ đầu tiên trên thế giới phải ra đi do hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Iceland đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên sau nước Anh (năm 1976) phải cầu viện IMF giải cứu với gói giải cứu trị giá 2 tỷ USD, tương đương 7.000 USD trên đầu người dân, rồi sau đó mới áp dụng chính sách kiểm soát tài chính nghiêm ngặt kéo dài cho đến tận năm 2017.

Trong 3 năm kể từ khi xảy ra khủng hoảng, đồng krona đã bị mất đến 50% giá trị, còn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm đến 15%, một con số gây sốc đối với các nhà kinh tế. Chưa hết, hậu quả còn dẫn đến việc chi tiêu hộ gia đình giảm ¼ và chi đầu tư kinh tế giảm đến 75%.

Tuy nhiên, trong cái khó ló cái may mắn. Đồng krona yếu (do mất giá) đã giúp Iceland trở thành “thiên đường tiết kiệm”, đồng thời cũng là lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu tăng trở lại và khuyến khích khách du lịch tìm đến Iceland. Từ sau vụ núi lửa phun kinh hoàng năm 2010, khách du lịch đến Iceland đã gia tăng đều đặng, tỉ lệ 25%/năm, đến năm 2017 đạt 2,2 triệu người (gấp 6 lần dân số).

Tổng sản phẩm trên đầu người của Iceland đạt mức cao nhất châu Âu. Đà tăng trưởng của kinh tế du lịch đã góp phần vực dậy GDP của Iceland, bứt ra khỏi khu vực tăng trưởng âm và đã có tỉ lệ tăng trưởng dương khá cao. Đến năm 2016, tăng trưởng GDP của Iceland đã đạt mức 7,2%/năm, sau đó bình ổn ở mức thấp hơn do đồng krona tăng giá so với trước.

Trong vòng 2 năm tới, nền kinh tế Iceland dự kiến còn tăng khoảng 3%/năm, gấp đôi kinh tế Anh. Tuy nhiên, doanh thu quá lớn từ du lịch cũng đang khiến nhiều người suy nghĩ và yên tâm. Người ta sợ rằng “quả bong bóng” du lịch cũng có thể phát nổ bất cứ lúc nào, giống như ngành tài chính - ngân hàng 10 năm trước.

Để giải bài toán “bong bóng tăng trưởng” bền vững, Chính phủ Iceland đã hướng đến đa dạng hóa mô hình tăng trưởng và lĩnh vực tăng trưởng. Công nghệ trở thành mũi nhọn kinh tế mới, tiếp nối ngành du lịch làm động lực phát triển cho kinh tế Iceland. Những khu nhà rộng thênh thang xây dựng tại một căn cứ không quân cũ của NATO đang chứa hàng ngàn chiếc máy “cày” tiền ảo Bitcoin.

Tiếng máy chạy ầm ì át cả tiếng tuốc-bin thủy điện chạy rầm rầm gần đó. Nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp với mô hình tập trung vào phát triển bền vững các ngành kinh tế truyền thống của Iceland đang mở ra hy vọng mới giúp kinh tế Iceland không quay trở lại vòng tuần hoàn khủng hoảng như cách đây 10 năm.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/iceland-kinh-te-phuc-hoi-than-ky-nho-du-lich-va-cong-nghe-496449/