IATA dự báo ngành hàng không bị tác động lớn do lệnh cấm bay của Mỹ với châu Âu

Hiệp hội Vận tải hàng không toàn cầu (IATA) ngày 12/3 cho biết việc Mỹ áp đặt cấm đi lại xuyên Đại Tây Dương sẽ gây những ảnh hưởng lớn hơn đối với ngành hàng không vốn đã đang chịu tác động nặng nề của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa (Đức) chuẩn bị hạ cánh tại sân bay quốc tế Dulles ở Chantilly, Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa (Đức) chuẩn bị hạ cánh tại sân bay quốc tế Dulles ở Chantilly, Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo một lệnh cấm đi lại với các nước châu Âu trong 30 ngày, ngoại trừ Anh. Người đứng đầu IATA Alexandre de Juniac nhận định động thái này "sẽ tạo ra những sức ép vô cùng lớn về chu kỳ xoay vòng tiền mặt đối với các hãng hàng không".

Trước đó, ngày 5/3, IATA đã ước tính thiệt hại của ngành vận tải hàng không quốc tế do dịch sẽ lên tới 113 tỷ USD, nhưng đó là chưa tính đến những thiệt hại mà quyết định cấm bay của ông Trump có thể gây ra. IATA nhấn mạnh các biện pháp của Mỹ "sẽ thêm vào sức ép tài chính này", đồng thời chỉ ra rằng tổng giá trị vận tải hàng không giữa Mỹ và khu vực Schengen năm ngoái đạt 20,6 tỷ USD. Theo IATA, các thị trường bị tác động mạnh nhất gồm thị trường Mỹ - Đức (trị giá 4 tỷ USD), sau đó là thị trường Mỹ - Pháp (3,5 tỷ USD) và thị trường Mỹ - Italy (trị giá 2,9 tỷ USD).

IATA cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo rằng mọi hạn chế đi lại liên quan đến hoạt động vận tải quốc tế "cần phù hợp với nguy cơ về sức khỏe cộng đồng, nên áp dụng trong thời gian ngắn và phải được đánh giá lại định kỳ". Ông Juniac kêu gọi Mỹ và các nước khác làm theo khuyến cáo của WHO, và các chính phủ nên tìm mọi biện pháp có thể để giúp ngành hàng không vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này như gia hạn nợ, giảm chi phí hạ tầng, giảm thuế...

Trong một diễn biến liên quan, công ty lữ hành Flight Centre của Australia ngày 13/3 bất ngờ thông báo đóng cửa tới 100 chi nhánh do dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động đi lại toàn cầu. Trong tuyên bố gửi các nhà đầu tư, công ty cho biết do sự sụt giảm lệnh đặt trước, các chi nhánh của công ty sẽ phải đóng cửa trước ngày 30/6 và các nhân viên kinh doanh sẽ được chuyển đi nơi khác. Flight Centre cũng hủy bỏ việc công bố hướng dẫn thường niên, giải thích rằng dịch COVID-19 và các hạn chế đi lại do dịch đã gây khó khăn cho việc dự báo tác động cả năm cũng như dự báo thời gian phục hồi.

Giám đốc điều hành Flight Centre, Graham Turner cho biết: "Trong môi trường bất ổn hiện nay, các ưu tiên của chúng tôi là giảm chi phí". Theo ông Turner, công ty sẽ rút kinh nghiệm từ dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2002-03 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09 để kích cầu trong khi thực hiện cắt giảm chi phí. Ông cũng dự báo rằng theo kinh nghiệm, sự bùng nổ trở lại của các hoạt động lữ hành quốc tế sau dịch sẽ diễn ra tương đối nhanh và mạnh.

Trong một diễn biến khác, một cuộc thăm dò do Viện Ifo tiến hành với 3.400 công ty trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ ở Đức, công bố ngày 12/3 cho biết 56% công ty đã cảm nhận được các tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Theo thăm dò, khó khăn về nguồn cung các sản phẩm trung gian hoặc nguyên liệu đầu vào, cũng như sự suy giảm của các chi nhánh tại nước ngoài lẫn lượng cầu đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

Trong lĩnh vực sản xuất, các công ty điện tử và máy kỹ thuật, và các nhà sản xuất đồ nội thất và hóa chất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lĩnh vực bán lẻ cũng bị tác động nặng, với 63% công ty được hỏi cho biết hoạt động kinh doanh của mình "chịu thiệt hại". Lĩnh vực dịch vụ cũng chứng kiến các tác động tiêu cực của dịch, lý do chính là nhu cầu giảm, đặc biệt vì các hội chợ thương mại và hội nghị bị hủy. Theo cuộc thăm dò trên, lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng tồi tệ nhất khi có tới 96% công ty trong lĩnh vực này tham gia thăm dò cho biết "bị ảnh hưởng tiêu cực".

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, một số công ty truyền thông và giải trí lớn đang tham gia vào việc cung cấp dịch vụ miễn phí cho những người Italy phải cách ly trong nhà vì dịch. Trước đó, Chính phủ Italy đã kêu gọi các công ty truyền thông tham gia sáng kiến "đoàn kết kỹ thuật số" bằng việc cung cấp dịch vụ miễn phí.

Hưởng ứng lời kêu gọi trên, Vodafone thông báo hủy quy định giới hạn dữ liệu cho sinh viên trong 1 tháng để họ có thể tiếp tục học từ xa trong thời gian các trường học phải đóng cửa. Nhà xuất bản lớn Mondadori cung cấp miễn phí 10.000 cuốn e-book và 50.000 đăng ký miễn phí 3 tháng cho các tạp chí của mình. Các nhật báo La Republica và La Stampa đã cho phép truy cập miễn phí 3 tháng cho phiên bản kỹ thuật số. Nhiều công ty công nghệ (IT) và kỹ thuật số khác như Microsoft, Cisco và IBM cung cấp miễn phí các nguồn lực và đào tạo để giúp người dân thích nghi với cách làm việc từ xa, giúp các trường học có thể duy trì việc giảng dạy cho học sinh, sinh viên.

Bích Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/iata-du-bao-nganh-hang-khong-bi-tac-dong-lon-do-lenh-cam-bay-cua-my-voi-chau-au-20200313124700963.htm