Ia Sao công khai, minh bạch trong điều tra, rà soát hộ nghèo
Hiện nay, các thôn, buôn thuộc xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) đã hoàn tất công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Các quy trình đều được thực hiện công khai, minh bạch trên cơ sở đánh giá chi tiết đến từng hộ dân để có hướng hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.
Không bỏ sót đối tượng
Hơn 1 tháng qua, tranh thủ thời gian cuối tuần khi các gia đình đều có mặt ở nhà đông đủ, ông Ksor Kráo-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn H’Liếp đến từng hộ để tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo. Việc rà soát thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của từng gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ông Kráo cho hay: Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, hộ nghèo khu vực nông thôn là gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo là gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: có việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Gia đình chị Nay H’Len là 1 trong 7 hộ nghèo của buôn H’Liếp. Trước đây, 4 thành viên trong gia đình sống trong căn nhà tạm dột nát. Thu nhập của gia đình trông chờ vào 5 sào mì nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.
Căn cứ vào kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, năm 2024, gia đình chị được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà rộng 40 m2, cấp 1 con bò sinh sản và bồn chứa nước sạch. Chồng chị được Hội Nông dân xã giới thiệu đi hái cà phê thuê để có thêm thu nhập. Đến nay, gia đình chị H’Len đã đảm bảo các tiêu chí thoát nghèo.
Chị H’Len bộc bạch: “Nghe thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, tôi sắp xếp công việc ở nhà để cán bộ tới điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, bò sinh sản, nước sạch và tạo việc làm nên gia đình đã thoát nghèo. Đây là động lực để vợ chồng tôi cố gắng nhiều hơn nữa, quyết tâm không để tái nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao:“Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác rà soát hộ nghèo đảm bảo đúng thời gian quy định, nhận được sự đồng thuận của người dân. Đây là cơ sở để cho việc đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững hàng năm và trong cả nhiệm kỳ, từ đó xây dựng kế hoạch giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong năm tiếp theo”.
Ông Kráo cho biết thêm: Buôn H’Liếp có 179 hộ với 895 khẩu. Cuối năm 2023, buôn còn 7 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Căn cứ vào mức độ thiếu hụt các tiêu chí, buôn đề xuất xã có chính sách hỗ trợ phù hợp, đúng người, đúng nhu cầu.
Trên cơ sở đó, năm 2024, buôn được hỗ trợ 2 căn nhà, 6 con bò sinh sản và 5 bồn nước, công trình vệ sinh. Nhờ vậy, theo kết quả rà soát mới nhất, buôn giảm được 6 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo, đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.
“Buôn đã tổ chức họp dân để thống nhất kết quả cũng như công bố rộng rãi trên loa truyền thanh để các hộ dân nắm được thông tin. Bà con đều đồng thuận, nhất trí cao, không có ai khiếu nại. Buôn đã báo cáo lên UBND xã để tổng hợp, cấp giấy chứng nhận và làm căn cứ triển khai các chính sách an sinh xã hội trong năm tiếp theo”-ông Kráo phấn khởi thông tin.
Tại buôn Khăn, hộ bà Ksor H’Nhun cũng đã thoát nghèo theo kết quả điều tra hộ nghèo mới nhất. Sống neo đơn 1 mình, lại chỉ có 3 sào rẫy nên bà H’Nhun gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Năm 2021, bà được hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng từ Quỹ “Vì đồng bào” của ông Đoàn Ngọc Hải-nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh). Đầu năm 2024, bà tiếp tục được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Tận dụng đất vườn, bà trồng thêm cỏ và tích trữ rơm khô làm thức ăn cho bò.
“Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ gia đình. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc con bò thật tốt để có thêm những con bê khỏe mạnh, đỡ vất vả khi về già”-bà H’Nhun bày tỏ.
Đảm bảo công khai, minh bạch
Xã Ia Sao có 5 thôn, buôn với 852 hộ, 4.451 khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 78%. Xác định việc rà soát hộ nghèo kịp thời, chính xác, dân chủ là điều kiện để cấp ủy, chính quyền địa phương nắm được tình hình khó khăn của từng hộ mà giúp họ tiếp cận, hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Việc rà soát đúng đối tượng còn để người dân thấy rõ mình nghèo vì lý do gì, giúp họ có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhằm tránh tình trạng phản ánh sai lệch thực tế số hộ nghèo, cận nghèo, UBND xã đã ban hành kế hoạch thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; kiện toàn Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024.
Ban Chỉ đạo cùng các tổ điều tra, điều tra viên khu dân cư khẩn trương đi đến từng gia đình, gặp trực tiếp chủ hộ để có được những thông tin trung thực, chính xác nhất. Quy trình rà soát gồm các bước: lập danh sách các hộ gia đình cần rà soát; tiến hành rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát; niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; báo cáo các cấp, ngành có liên quan và cấp giấy chứng nhận.
Bà Ksor H’Yam-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khăn-cho hay: Việc điều tra, rà soát hộ nghèo cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do vẫn còn có trường hợp muốn được công nhận hộ nghèo, xin được tái nghèo để tiếp tục nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Vì vậy, trong quá trình rà soát, các điều tra viên phải phối hợp chặt chẽ với thành viên Ban Chỉ đạo xã tiến hành chấm điểm các tiêu chí một cách công tâm, khách quan, không bỏ sót đối tượng và cũng không để ai trục lợi. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, vận động bà con nắm vững quy định, hợp tác với các điều tra viên để công tác rà soát đạt hiệu quả.
2 năm trở lại đây, buôn Khăn đã được hỗ trợ 1 căn nhà, 13 con bò sinh sản, 6 công trình nước sạch. Ngoài ra, bà con còn tham gia lớp học xóa mù chữ, được tạo điều kiện học nghề điện dân dụng, được tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi.
“Nhờ vậy, năm 2024, buôn có 6 hộ thoát nghèo và 4 hộ ra khỏi danh sách cận nghèo. Hiện tại, buôn Khăn còn 1 hộ nghèo (người già neo đơn) và 6 hộ cận nghèo. Kết quả này phản ánh đúng thực trạng đời sống người dân trong buôn”-bà H’Yam nhận định.
Trong quá trình rà soát hộ nghèo, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia giám sát chặt chẽ, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.
Bà Nay H’Moan-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-chia sẻ: Đến thời điểm này, công tác rà soát hộ nghèo đã hoàn thành. Qua giám sát cho thấy, công tác rà soát hộ nghèo đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, có sự tham gia của người dân. Các thôn, buôn đều đã tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát.
Từ kết quả các thôn, buôn báo cáo, xã tổng hợp, niêm yết công khai danh sách tại nhà sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư và UBND xã; đồng thời, thông báo trên đài truyền thanh của xã để người dân nắm bắt. Trong thời gian niêm yết, thông báo công khai, không có người dân nào khiếu nại nên xã đã chốt danh sách gửi về UBND thị xã.
Theo bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao: Từ năm 2023 đến nay, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã hỗ trợ 4 căn nhà, cấp 72 con bò sinh sản, 24 công trình nước sạch cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, huy động nguồn lực từ các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà giúp hộ khó khăn về nhà ở.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nếu như năm 2023, xã giảm 21 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo thì theo kết quả rà soát mới đây, xã tiếp tục giảm 29 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống chỉ còn 6 hộ (trong đó có 1 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, 5 hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo) và 25 hộ cận nghèo.