I-ran và A-rập Xê-út trong 'tâm bão' ngoại giao

Quan hệ không mấy nồng ấm giữa I-ran và A-rập Xê-út bất ngờ leo thang căng thẳng sau khi Ri-át hành hình Giáo sĩ dòng Si-ai An Nim-rơ. Động thái này có thể làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực, khi 'chảo lửa' Xy-ri và Y-ê-men vẫn đang cháy âm ỉ.

Người biểu tình I-ran giương ảnh Giáo sĩ An Nim-rơ trước cổng Đại sứ quán A-rập Xê-út ở Tê-hê-ran ngày 3-1. Ảnh: Reuters

Căng thẳng giữa I-ran và A-rập Xê-út bùng phát khi ngày 2-1 Ri-át hành quyết 47 đối tượng, trong số đó có Giáo sĩ An Nim-rơ, với cáo buộc có tư tưởng cực đoan, gia nhập "các tổ chức khủng bố" và thực hiện nhiều "âm mưu tội ác".

Ông An Nim-rơ, 57 tuổi, một giáo sĩ Hồi giáo dòng Si-ai bị buộc tội đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng biểu tình bùng phát ở miền Đông A-rập Xê-út năm 2011. Tháng 10-2014, nhân vật này bị tòa án đặc biệt của A-rập Xê-út kết án tử hình vì tội "nổi loạn", "bất phục tùng Quốc vương" và tàng trữ vũ khí. I-ran, quốc gia theo hệ phái Hồi giáo Si-ai, đã nhiều lần cảnh báo A-rập Xê-út không nên hành quyết ông An Nim-rơ.

Việc A-rập Xê-út hành quyết Giáo sĩ An Nim-rơ ngay lập tức tạo lên làn sóng phản đối ở nhiều nước như I-ran, Pa-ki-xtan, Ấn Độ… Tại I-ran, người biểu tình đã xông vào đập phá Đại sứ quán A-rập Xê-út ở Tê-hê-ran và Lãnh sự quán ở thành phố Ma-sơ-hát, phía Đông Bắc I-ran.

Động thái này như “giọt nước làm tràn ly” khiến Ri-át ngay lập tức tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với I-ran đồng thời phải rút toàn bộ nhân viên ngoại giao về nước với lý do Tê-hê-ran can thiệp vào nội bộ nước này.

Ủng hộ quan điểm này, ngày 4-1, Ba-ranh, Xu-đăng cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với I-ran, trong khi Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại I-ran, đồng thời hạ cấp quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Hồi giáo.

Phản ứng lại quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao trên, trong một tuyên bố phát đi cùng ngày, Bộ Ngoại giao I-ran khẳng định nước này "không theo đuổi căng thẳng và xung đột trong các chính sách trong nước và quốc tế, và nước này không tạo căng thẳng với A-rập Xê-út", đồng thời nhấn mạnh Tê-hê-ran tôn trọng các công ước quốc tế và có nghĩa vụ bảo vệ các nhà ngoại giao cũng như các phái bộ ngoại giao.

Liên quan đến các vụ tấn công phái bộ A-rập Xê-út tại I-ran, Bộ Ngoại giao I-ran khẳng định cảnh sát và bộ máy tư pháp nước này đã nỗ lực hết sức nhằm kiểm soát tình hình và xử lý các đối tượng tấn công theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, "trong khi mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát, không có mối đe dọa nào đối với các nhà ngoại giao A-rập Xê-út (ở I-ran), Chính phủ A-rập Xê-út đã quyết định cắt đứt quan hệ với I-ran".

Quan ngại trước tình hình leo thang căng thẳng giữa I-ran và A-rập Xê-út, ngày 4-1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã hối thúc hai bên tránh các hành động có thể làm trầm trọng hơn tình hình. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri đã điện đàm với những người đồng cấp I-ran và A-rập Xê-út nhằm hối thúc làm dịu căng thẳng sau sự đổ vỡ của mối quan hệ giữa Tê-hê-ran và Ri-át. Nhà Trắng đồng thời cũng hối thúc hai bên thể hiện sự kiềm chế trong cuộc khủng hoảng này.

Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, I-ta-li-a cũng bày tỏ sự quan ngại về căng thẳng trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Mát-xcơ-va sẵn sàng đóng vai trò trung gian giải quyết mâu thuẫn hiện nay giữa I-ran và A-rập Xê-út.

Giới phân tích nhận định, “cơn bão ngoại giao” với “tâm bão” là I-ran và A-rập Xê-út có thể khiến tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi trở nên khó kiểm soát hơn bởi lẽ cả Tê-hê-ran và Ri-át đều có vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 5 năm qua ở Xy-ri và mang đến một giải pháp chính trị cho Y-ê-men. Do đó, “chống bão” là việc làm cấp thiết hiện nay. Dự kiến, các cuộc đàm phán khẩn cấp giữa LHQ với A-rập Xê-út và I-ran sẽ diễn ra ngay trong tuần này nhằm tìm cách bảo đảm những cam kết vốn rất khó đạt được về tiến trình hòa bình ở Xy-ri không đi trật đường ray.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/i-ran-va-a-rap-xe-ut-trong-tam-bao-ngoai-giao/