I. Ngăn không cho chôn, dọa yểm bùa cả mộ mẹ liệt sĩ

Không chỉ cõi sống đang lộn xộn về mặt kiến trúc xây dựng mà ngay cả cõi chết cũng đầy rẫy sự hỗn loạn, chỉ cần bước chân ra đến nghĩa trang làng là biết.

 Một góc nghĩa trang ở làng quê tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc nghĩa trang ở làng quê tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bởi thế để giải quyết vấn đề nhức nhối trước mắt đó rất cần một tầm nhìn dài cả trăm năm...

Lá đơn day dứt những người đang sống

“Đơn kiến nghị.

Kính gửi:…

Tôi tên là Trần Văn Ky sinh năm 1959, địa chỉ thôn Phấn Lôi, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nay tôi làm đơn này đề nghị xem xét giải quyết việc một số hộ dân trong thôn có hành vi tự chiếm giữ trái phép quỹ đất nghĩa trang và cản trở việc an táng hợp pháp của gia đình tôi cho mẹ đẻ là bà Bùi Thị Lạnh (mẹ của liệt sĩ, vợ của thương binh và cũng đồng thời là công dân sống cả đời trong thôn).

Cụ thể, hiện nay tại thôn Phấn Lôi có một nghĩa trang tên là Thượng Vị diện tích khoảng 1ha và vẫn còn một lượng lớn quỹ đất trống dành cho an táng người dân trong thôn… Tháng 2/2020 mẹ tôi qua đời, gia đình cùng toàn thể bà con hàng xóm đều chung tay góp sức lo tang và đưa về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tuy nhiên đúng vào thời điểm tiến hành hạ huyệt an táng thì ông T.V.N (một đảng viên) đã quyết liệt ngăn chặn và vỗ ngực tuyên bố hùng hồn rằng vị trí đất mà gia đình tôi dự kiến hạ huyệt cho mẹ nằm trong khu vực đất nghĩa trang mà ông đã lấn chiếm được từ trước.

Do đó ông kiên quyết không khoan nhượng, không cho bất kỳ ai được phép chôn tại phần đất này… Toàn thể người dân trong thôn và lãnh đạo thôn đều chứng kiến và khuyên ngăn nhưng không một ai có thể khuyên được ông N.

Trước những việc làm trên của ông, gia đình tôi buộc phải nhượng bộ và tìm một vị trí chật hẹp, lẩn khuất khác trong nghĩa trang để lo an táng cho mẹ và cũng tránh việc bị ai đó ngăn cản.

Thế nhưng khi gia đình tôi an táng xong cho mẹ thì bà P.T.T đã đến gặp và thể hiện thái độ bức xúc, phẫn nộ vì vào vị trí mà bà đã chiếm dụng để dự kiến xây dựng, mở rộng mả tổ. Ngoài ra bà còn đi khắp nơi trong làng rêu rao là nếu gia đình tôi không không di chuyển mồ mả của mẹ sẽ thuê thầy về yểm bùa để phải gánh chịu hậu quả”.

Cũng theo ông Ky, sau đó gia đình đã có đơn gửi chính quyền địa phương, ban lãnh đạo thôn đã chủ trì cuộc họp mời ông N, bà T đến nhưng bà T trốn tránh.

Tại đây ông N đã đứng lên tuyên bố: “Nếu như chôn cất bà mẹ liệt sĩ ở trong phần đất đã lấn chiếm mà tôi không đuổi thì chỉ có thể là thằng điên. Tôi không có lỗi, tôi chỉ trích chính quyền địa phương làm sai, để người khác lấn chiếm thì tôi cũng lấn chiếm”.

Những ngôi mộ tại nghĩa trang Phấn Lôi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nếu gia đình ông Ky hôm ấy mà trên dưới không bảo được nhau phải kìm chế thì rất dễ xảy ra án mạng hoặc ít nhất cũng thương vong khi ông N có những tuyên bố ngông nghênh như thế, vì với người Việt “nghĩa tử là nghĩa tận”. Sự việc bao chiếm nghĩa trang này gây mâu thuẫn âm ỉ trong thôn, khiến bao người dân bức xúc từ nhiều năm nay, qua nhiều đời lãnh đạo, ai cũng biết nhưng vì bệnh thành tích mà họ đã cố tình không giải quyết…

Đọc đi đọc lại lá đơn rồi nghe tận tai những gì mà ông kể mà tôi vẫn không thể tin được những chuyện đó lại có thể xảy ra ở một thôn được xếp hạng làng văn hóa như Phấn Lôi nằm trong một địa phương từng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nham Biền cho hay lệ mỗi làng có hai nghĩa trang gồm hung táng (mộ dài) và cát táng (mộ tròn). Đối với nghĩa trang mộ dài thường thời gian chôn chỉ 3 - 4 năm rồi bốc đi, đất lại trả về đất nên không bị lộn xộn như nghĩa trang mộ tròn mà điển hình là ở Phấn Lôi.

“Thị trấn sau khi sáp nhập ba đơn vị lại với nhau có khoảng 20 nghĩa trang nhưng chỉ duy nhất thôn này tồn tại những việc lộn xộn như thế do lịch sử để lại. Các hộ dân đã quây chiếm cho mỗi gia đình một khuôn viên riêng trong nghĩa trang, thậm chí xây sẵn những ngôi mộ chưa có người chết, có nhà còn chuẩn bị mộ cho cả đến đời… cháu.

Trước hết chúng tôi vận động phá tường vây của các hộ lấn chiếm, nếu họ cố tình giữ đất thì phải nộp tiền cho làng để chỉnh trang, mở rộng nghĩa trang sao cho thành hàng, thành lối. Còn theo hương ước của thôn nếu chưa có người mất mà đã xây mộ sẵn rồi để chờ cũng đề nghị phải dỡ bỏ.

Tuy nhiên đến thời điểm này cỡ mấy tháng rồi nhưng vẫn chưa phá dỡ được bất kỳ trường hợp vi phạm nào, nó rất khó bởi nghĩa trang thuộc về vấn đề tâm linh.

Về trường hợp bà Bùi Thị Lạnh sau khi mất, hỏa táng về đặt ở chỗ phần bao chiếm của gia đình ông N bị ngăn cản phải để sang chỗ khác. Chỗ này tuy không phải phần đất của nhà nào đang bao chiếm nhưng lại sát một ngôi mộ nên bị dọa yểm bùa khiến cho con cái làm ăn lụi bại chúng tôi có nghe thông tin nhưng cũng không có gì làm bằng chứng cả…”, ông Toàn nói.

Đất còn trống nhiều nhưng đều đã bị xây tường bao chiếm xung quanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lạc lối giữa nghĩa trang làng

Tôi cùng với ông Lã Hồng Ái - Bí thư thôn Phấn Lôi nay là tổ dân phố Phấn Lôi ra thăm nghĩa trang mộ tròn của làng. Mộ chen mộ, hàng lối không có nên nhiều chỗ phải dẫm cả lên mộ mà đi.

Ông trưởng thôn bảo làng có 208 hộ, cái nghĩa trang này cũng đã tồn tại mấy chục năm, trước là mộ đất, giờ là mộ xây, dân tự phát lấn, chiếm cho gia đình, cho dòng họ có nhà lên đến hàng trăm m2 rồi xây tường bao quanh để giữ chỗ. Có 4 - 5 khu bao chiếm rộng như vậy.

Vừa nói ông vừa đu cả người qua tường rào để vào phần quây chiếm rộng nhất của gia đình ông L.H.T rồi đo diện tích bằng bước chân, áng chừng khoảng trên dưới trăm m2 nhưng trong đó chỉ có 6 ngôi mộ còn tới 9 phần mộ chờ sẵn.

Mấy lần lạc lối, kiếm mãi cuối cùng ông Ái cũng bới cỏ dại tìm thấy ngôi mộ nhỏ của bà Lạnh nép mình bên vách những ngôi mộ khác. Trái ngược với nó là không ít ngôi mộ tổ được xây dựng rất cao to, hoành tráng, rộng đến mấy chục m2 ngày ngày đổ những cái bóng khổng lồ xuống các ngôi mộ khác hay xuống đám ruộng kề bên.

Phần bao chiếm rộng nhất trong nghĩa trang Phấn Lôi với nhiều ngôi mộ chờ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông trưởng thôn bảo sau khi nhận được đơn kiến nghị của ông Ky bản thân cũng thao thức mấy đêm, ăn không ngon, ngủ không yên, làng phải tổ chức tới 3 cuộc hòa giải thì tình hình mới tạm yên.

Sau đó chi bộ còn ra cả hội nghị chuyên đề về quy hoạch, chấn chỉnh lại nghĩa trang làng, tuyên truyền cho các đảng viên về vận động gia đình, họ hàng không ai được lấn chiếm đất, xí phần mộ để giữ chỗ.

“May mà chúng tôi vẫn còn quỹ đất giờ đang là ruộng lúa nhưng sau này sẽ để mở rộng nghĩa trang ra phía Đông. Lúc ấy mỗi hàng mộ được quy hoạch rộng 2m, lối đi rộng 1m, mỗi mộ rộng không quá 3m2 trong đó phần xây rộng 1m, dài 1,5m, mộ cách mộ 60cm (Nghị định 23 năm 2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng ở điều 4 quy định diện tích đất tối đa cho một phần mộ cá nhân: Hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, cát táng tối đa không quá 3m2 - PV).

Khi quy hoạch theo hàng như thế có trường hợp cải táng hay hỏa táng nào thì lần lượt đặt xuống, hết ông A rồi đến ông B đến bà C chứ không có chuyện mộ đôi, xây sẵn để chờ đợi giữ chỗ. Đảng viên hay hội viên hội người cao tuổi đều nhất trí 100%, giờ còn phải tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp để thuyết phục dân nữa”, Bí thư thôn Phấn Lôi chia sẻ.

Quần thể tháp tại một nghĩa trang làng ở tỉnh Thái Bình.

Nghĩa trang làng ở một miền quê nghèo của tỉnh Bắc Giang có lẽ sẽ chẳng thấm tháp vào đâu so với độ hoành tráng nghĩa trang làng tỉ phú của tỉnh Thái Bình. Muốn biết cụ thể tình hình thế nào, mời bạn đọc theo dõi ở bài tiếp theo.

Dương Đình Tường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/i-ngan-khong-cho-chon-doa-yem-bua-ca-mo-me-liet-si-d278479.html