Ì ạch phát triển năng lượng xanh

Dù Chính phủ đã ban hành một số chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh nhưng thực tế triển khai các dự án này trong những năm qua không được như kỳ vọng.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.

Nhằm giảm thiểu những tác hại đối với môi trường của việc phát triển thủy điện và nhiệt điện than, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng những cơ chế hỗ trợ về giá điện, vốn, đất đai dành cho các dự án năng lượng tái tạo chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 đến ngày 30-6-2019. Theo đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh). Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng giá mua điện phải trên mức 10 cent/kWh cộng thêm các ưu đãi khác nữa, nhất là ưu đãi lãi suất tín dụng, thì mới mong thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Có thể nói, cho đến nay việc rót vốn đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời vẫn khá dè dặt. Trao đổi với TBKTSG mới đây, ông Tân Xuân Hiến, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của tập đoàn Thành Thành Công (doanh nghiệp có kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời công suất 1.000 MW và dự án điện gió công suất 600 MW), cho biết thực tế triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo còn vướng nhiều khó khăn, như những hạn chế về cơ sở hạ tầng ở các địa phương, nơi phát triển dự án; giá mua điện không như kỳ vọng của nhà đầu tư; cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng xanh chưa đồng bộ…

“Do phải đầu tư công nghệ hiện đại của châu Âu nên nếu bán điện với giá thấp như hiện nay thì chúng tôi sẽ không có lãi hoặc lãi rất ít. Dù vậy, vì đầu tư năng lượng xanh là xu hướng phát triển bền vững nên chúng tôi vẫn theo đuổi”, ông nói.

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho biết theo biểu đồ phát triển năng lượng thế giới đến năm 2030, Việt Nam nằm trong dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới nên cần phát triển năng lượng tái tạo một cách mạnh mẽ. Nhưng có thể thấy, việc tận dụng lợi thế “trời cho” này của Việt Nam để phát triển năng lượng sạch vẫn còn rất hạn chế.

So với các dự án điện mặt trời, việc triển khai các dự án điện gió có vẻ còn khó khăn hơn. Một số dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vẫn chỉ vận hành cầm chừng. Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận và cũng là một nhà đầu tư điện gió, đã bày tỏ sự lo ngại cho số phận của nhiều dự án điện gió do giá bán điện ở mức quá thấp, chỉ 7,8 cent/kWh. Mức giá này khiến cho nhiều nhà đầu tư đã đăng ký dự án vẫn án binh bất động.

So với cả nước, Bình Thuận được cho là khu vực có tiềm năng lớn để phát triển điện gió bởi địa phương này có bờ biển dài gần 200 ki lô mét, nhiều diện tích đất trống, đồi dốc thoai thoải ven biển… Cách nay năm năm, nhiều nhà đầu tư từng hăm hở tìm đến và có tới hơn 20 dự án điện gió được đăng ký triển khai tại đây. Nhưng cho đến nay, số dự án được đầu tư và phát điện ở Bình Thuận mới dừng lại ở con số 3 dự án. Ông Thịnh cho biết: “Trong hàng chục dự án điện gió đăng ký trên cả nước, chỉ mới có sáu dự án hoạt động: ba dự án ở Bình Thuận, một ở Ninh Thuận, một ở Quảng Trị và một ở Bạc Liêu. Vì giá bán điện quá thấp nên nhiều dự án lỗ. Dự án ở Tuy Phong thậm chí còn bị ngân hàng siết nợ”.

“Mới đây chúng tôi nghe thông tin Chính phủ sẽ nâng giá điện gió bán ra lên 8,77 cent/kWh nhưng đến giờ vẫn chưa thấy”, ông Thịnh nói thêm trong sự lo lắng.

Chia sẻ với TBKTSG, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (doanh nghiệp đang đầu tư dự án điện gió trên biển tại Bạc Liêu), cho rằng bên cạnh giá điện thấp, một áp lực đáng kể khác đối với nhà đầu tư điện gió như ông là lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn cao.

“Giải pháp hiện nay có thể giúp nhà đầu tư vào điện gió sống được hoặc là tăng giá mua điện, hoặc là giảm lãi suất vốn và kéo thời gian cho vay dài hơn”, theo ông Dân.

Ông còn nêu cụ thể hơn: nếu giá mua điện gió (của dự án điện gió trên biển) ở mức 9,8 cent/kWh thì lãi suất cho vay cần được hỗ trợ ở mức 5-6%/năm và duy trì trong 12 năm. Theo ông, hiện mức lãi suất 9-10%/năm với vòng đời cho vay 9-10 năm là một bài toán khó cho các nhà đầu tư các dự án điện gió muốn tìm kiếm lợi nhuận. Chẳng hạn dự án điện gió ở Bạc Liêu đã phát điện được năm năm, nhưng với mức lãi suất vay 9,6%/năm thì theo tính toán của ông Dân, phải sau 16 năm, dự án mới có thể hoàn vốn đầu tư.

Ông Dân cũng cho rằng Nhà nước cần miễn tiền thuê đất (dự án trên bờ) và thuê mặt biển (dự án dưới biển) cho nhà đầu tư dự án điện gió. “Chúng tôi vẫn đang chờ Chính phủ có cơ chế, chính sách mới với mức hỗ trợ cao hơn nữa để có thể đầu tư thêm các dự án điện gió mới. Nếu không, nhà đầu tư chắc chắn không có lợi nhuận”, ông Dân nói.

Khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời

Bà Nguyễn Thị Huyền Chi, chủ một quán ăn ở quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết bà đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời từ tháng 11-2017. Với tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu đồng, hệ thống này có công suất thiết kế 9,24 kWp và sản xuất một lượng điện khoảng 37 kWh mỗi ngày.

“Từ ngày vận hành hệ thống, tiền điện phải trả hàng tháng của quán đã giảm từ 19 triệu đồng xuống còn khoảng 15 triệu đồng. Đây là một khoản tiết kiệm rất đáng kể. Chỉ sau bốn năm, chúng tôi có thể thu hồi chi phí đầu tư, trong khi nhà lắp đặt cam kết tuổi thọ của hệ thống tới 20 năm”, bà nói.

Hệ thống điện mặt trời của quán bà Chi là một trong hàng trăm hệ thống tương tự đã được lắp đặt tại các hộ dân, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất tại TPHCM do giá lắp đặt hiện đã giảm so với trước đây. Các nhà cung cấp dịch vụ cho rằng tiềm năng khai thác điện mặt trời tại TPHCM là vô cùng lớn.

Ông Nguyễn Phú Vĩnh, Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn trực thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM, cho biết ngành điện thành phố khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời để hỗ trợ nguồn cung điện, nhất là trong mùa nắng nóng.

Về chi phí, nếu muốn lắp đặt một hệ thống có công suất khoảng 2 kWp, sản xuất một lượng điện khoảng 240 kWh mỗi tháng (mức tiêu thụ điện của một hộ gia đình ba người) thì cần mức đầu tư 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện Nhà nước đã ban hành cơ chế bù trừ nên các hộ gia đình có thể đầu tư hệ thống điện công suất lớn hơn nhu cầu. Trong trường hợp hộ gia đình không tiêu thụ hết thì lượng điện phát dư hàng tháng sẽ được cộng dồn đến cuối năm và được ngành điện mua với giá 2.036 đồng/kWh.

Theo ông Nguyễn Thượng Quân, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ tích hợp Sao Nam (đơn vị có cung cấp dịch vụ tư vấn, lắp đặt hệ thống điện mặt trời), công ty này đã lắp đặt hơn 100 hệ thống điện mặt trời cho hộ gia đình và hầu hết được đánh giá có hiệu quả về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Ông lưu ý về nguy cơ cháy nổ trên hệ thống điện mặt trời áp mái vì khi sử dụng bộ inverter tập trung (inverter chuyển đổi điện cho nhiều tấm pin đấu nối tiếp) sẽ tồn tại điện cao áp một chiều trên mái nhà (có thể lên đến cả ngàn volt) và có khả năng dẫn đến cháy nổ hệ thống. Do vậy, các hộ gia đình nên chọn lắp đặt những inverter phân tán (micro inverter) để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Hơn thế, sử dụng inverter phân tán sẽ có hiệu suất tốt hơn và giảm thiểu hiệu ứng bóng che.

Văn Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274354/i-ach-phat-trien-nang-luong-xanh-.html