Ì ạch phát triển giống thủy sản, doanh nghiệp phải nhập 'chui'

TP.HCM có nguồn giống thủy sản đa dạng từ chơi kiểng đến thương phẩm nhờ có cả nguồn nước ngọt, lợ, mặn. Tuy nhiên, công tác lai tạo để khôi phục hoặc cho ra các giống mới đang gặp không ít khó khăn, nguồn lợi thu về chưa tương xứng.

Cá cảnh khó đủ đường

Trong một lần xuất cá đi Mỹ nhưng không thành do lỗi của nhân viên sân bay, ông Tống Hữu Châu - chủ trại cá Châu Tống (quận 12, TP.HCM) bất ngờ với yêu cầu phải thanh toán tiền thuế nhập khẩu cho chính lô hàng của mình vừa xuất đi. Theo ông kể, lúc quá cảnh, lô hàng bị bỏ quên.

Nghệ nhân cá cảnh Tống Hữu Châu (phải) giới thiệu với lãnh đạo TP.HCM về các giống cá mới. Ảnh: N.V

Việc sản xuất giống nhân tạo tập trung ở các loài cá bản địa, chủ yếu là cá thịt có giá trị kinh tế. Công tác nghiên cứu tại TP.HCM cần kết hợp nhuần nhuyễn hơn nữa để có cơ sở đồng nhất một sản phẩm chất lượng cao, tăng trưởng nhanh”.

TS Nguyễn Văn Sáng

“Nhân viên sân bay năn nỉ được trả lại hàng và không tính phí để khỏi phải đền bù. Tôi đồng ý nhưng hải quan cứ đòi đánh thuế vì hàng về tới Tân Sơn Nhất tức là hàng nhập khẩu. Họ không cần quan tâm đến thông tin tôi đã khai báo trước đó” - ông Châu kể.

Theo ông, đó chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều những khó khăn ảnh hưởng đến công tác cải tạo giống. Việc xin giấy phép nhập khẩu giống mới cũng khó khi Chi cục Thủy sản yêu cầu phải có kế hoạch trước và mỗi năm chỉ có 2 đợt cấp phép chứ không phải cứ muốn là được.

Nguồn cá cảnh từ thiên nhiên ở trong nước rất được nước ngoài quan tâm nhưng do nhiều yếu tố, những con cá cảnh sông có giá trị kinh tế như cá thái hổ bị mất dần. Cá giống mua ngoài chợ thì không đảm bảo, chỉ còn nước… nhập “chui”.

Trong nước, việc lai tạo đàn cá giống cũng có nhiều bất cập. Ông Châu kể không ít người đem cá thương phẩm về làm giống rồi bán lại, tức là đã thuộc thế hệ Fn chứ không phải giống F1 nữa. Điều đó có nghĩa, ngay từ công tác quản lý giống đã thiếu sự kiểm soát.

Hay như việc tạo ra được một con giống mới, tốt cũng mất nhiều thời gian. Bản thân con cá dĩa của ông Châu đạt giải Vàng hoa Xuân năm ngoái cũng mất khoảng 5 năm mới tạo ra được, rồi nuôi đến năm thứ 6 mới đem đi thi. Toàn bộ công sức của người nuôi tự bỏ ra chứ chưa được hỗ trợ nhiều.

Cá thương phẩm khó đại trà

Điều kiện giao thương thuận lợi tạo nhiều điều kiện để các quận, huyện vùng ven TP.HCM phát triển ngành thủy sản thương phẩm. Kênh Đông dẫn nguồn nước sạch từ hồ Dầu Tiếng về là một ví dụ.

Tại huyện Củ Chi, công dân tiêu biểu Nguyễn Trung Hiếu đã tận dụng tốt nguồn nước ngọt này để làm giàu từ sản xuất giống cá lăng nha. Nhờ ứng dụng kỹ thuật sinh sản nhân tạo, trại cá giống Trung Hiếu của anh đang cung cấp con giống khỏe mạnh cho khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.

Cá chuột Mỹ - một loại cá cảnh được nhiều người yêu thích. Ảnh: N.V

Anh Hiếu khẳng định, tiềm năng phát triển ngành này rất tốt, nhưng để mở rộng trên quy mô công nghiệp ở TP.HCM thì không dễ. Lý do là diện tích ao ương nuôi cá bột còn hạn hẹp. Lượng cá bột dư thừa trong khi nhu cầu cá giống trên thị trường lớn. Vốn đầu tư ban đầu lớn cũng là vấn đề nan giải.

“Nếu được đầu tư kỹ thuật sản xuất giống, TP.HCM hoàn toàn có khả năng cung cấp 60 – 70% giống cá lăng cho thị trường cả nước. Tuy nhiên, muốn có nguồn cá giống ổn định, chất lượng, giá thành cạnh tranh đòi hỏi phải xây dựng được một trung tâm cá lăng giống với quy mô lớn” - anh Hiếu nói.

Theo TS Nguyễn Văn Sáng - Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, TP.HCM có cả nguồn nước ngọt, mặn, lợ nên cũng có đầy đủ các loài thủy sản ở các môi trường khác nhau. Ngay tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2, nhiều giống thủy sản quý hiếm cũng đã được khôi phục. Như cá hô đã được đưa ra khỏi sách đỏ các loại sắp tuyệt chủng sau khi nghiên cứu lai tạo thành công từ năm 2005.

Năm 2007, cá bông lau sau khi sinh sản nhân tạo thành công, cho 100.000 – 150.000 cá giống/năm đã giảm bớt áp lực từ khai thác tự nhiên đang ít dần. Hay như cá vồ cờ hầu như đã tuyệt chủng ở ĐBSCL cũng được nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công.

“Công tác giống có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn, phát triển loài mới cho cả TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Những loài kể trên đều có thể nhân nuôi ở các quy mô khác nhau, các vùng khác nhau tại TP.HCM” - TS Sáng khẳng định.

Dẫu vậy, TS Sáng cũng thừa nhận thành tựu hiện nay chủ yếu từ chọn giống truyền thống và thao tác di truyền. Đóng góp của di truyền phân tử trên thủy sản còn hạn chế, chỉ dừng ở mức đánh giá loài hoặc liên kết các tính trạng quan tâm.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/i-ach-phat-trien-giong-thuy-san-doanh-nghiep-phai-nhap-chui-806380.html