'Ì ạch' dự án nhà ở xã hội khi cạn vốn cứu trợ

Sau nhiều năm triển khai, nhà ở xã hội (NƠXH) với hàng loạt ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng, cho người mua nhà; với hàng loạt các chính sách liên tục được sửa đổi bổ sung... vẫn không giải được bài toán an cư cho những người có thu nhập thấp.

"Vêu vao" dự án

Tại Hà Nội, một trong những dự án NƠXH gây lùm xùm thời gian qua là dự án NƠXH Bright City tại thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) khi chủ đầu tư đã nhiều lần cho dừng thi công dự án vì năng lực về vốn có hạn.

Lý giải cho việc này, đại diện chủ đầu tư cho biết do chính sách về gói vay 30.000 tỉ đồng của Chính phủ thay đổi, chấm dứt đột ngột nên chủ đầu tư không tiếp tục được vay ưu đãi phần còn lại, cơ chế cho vay tiếp theo không thực hiện được theo hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng trước đây; dẫn đến dự án khó khăn về vốn và không xây dựng tiếp được.

Tương tự với dự án NƠXH Bright City (AZ Thăng Long), khi chủ đầu tư cam kết với khách hàng quý IV/2017 sẽ bàn giao nhà. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, 4 tòa nhà thuộc Dự án NƠXH AZ Thăng Long vẫn chưa hoàn thiện và bàn giao cho người mua.

Ảnh minh họa.

Hơn cả là dự án NƠXH The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông), dù đã hoàn thiện song việc bán cũng lâm vào tình cảnh “tắc bụp”, lay lắt vì khách hàng không được vay vốn ưu đãi.

Từ góc độ kinh tế, có thể thấy việc chậm dự án không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bàn giao sản phẩm đúng hạn, uy tín của chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đông đảo khách hàng, nhất là với nhóm đối tượng lao động có thu nhập tầm trung hoặc thấp khi không ít người thuộc nhóm này đang vay vốn trực tiếp ngân hàng để chờ nguồn cung sản phẩm từ dự án đã đặt cọc trước đó. Mặt khác, việc gói vay 30.000 tỉ kết thúc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận nguồn vốn vay để mua nhà của đại bộ phận nhóm này.

Bàn về vấn đề khoản hỗ trợ vay vốn, ông Nguyễn Kim Giang - Tổng Giám đốc Công ty CP Hải Phát cho biết: "Nếu không được vay vốn ưu đãi thì chắc chắn họ sẽ không đủ khả năng tài chính để mua nhà bởi đa phần đều là những người có thu nhập thấp. Họ là những người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở nhưng lại không đủ khả năng ngay lập tức. Nếu phải vay với lãi suất thương mại thì không thể mua nổi".

"Hóng cửa" chính sách

Báo cáo Bộ Xây dựng tổng hợp từ các địa phương cho thấy, có 206 dự án NƠXH với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8,4 triệu m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, trong đó có một số CĐT dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại.

Ở thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ hoàn thành bàn giao 186 dự án với 75.700 căn hộ (tương đương 3,78 triệu m2 sàn nhà). Với diện tích đó, việc phát triển nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 30% so mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của NƠXH hiện nay. Tại các đô thị có lượng lao động trẻ, dân nhập cư lớn như: Hà Nội, TP HCM, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng cung thiếu hoặc có nhưng quá xa trung tâm, đi lại khó khăn nên chưa tạo sức hút. Chỉ riêng TP HCM hiện có khoảng 2 triệu lao động ở trọ nên nhu cầu mua nhà, thuê nhà với giá vừa phải là rất lớn, chủ yếu là người trẻ, khả năng tài chính có hạn, nên sản phẩm với giá bán từ 350-600 triệu đồng/căn luôn đảm bảo tính thanh khoản với điều kiện hạ tầng kết nối với khu vực xung quanh tương đối hoàn thiện.

Cùng với đó, một nguyên nhân của việc chậm trễ này là do vốn ngân sách bố trí cho NƠXH đang bị tắc. Chính những khó khăn về nguồn vốn, mà cụ thể là tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư lẫn người mua nhà, đã khiến nhiều người không mấy mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, các ý kiến về NƠXH đang tiếp cận làm thế nào để xây được nhiều nhà với giá rẻ, chứ đối tượng thuê là ai thì chưa được nghiên cứu kỹ. Đối tượng được hỗ trợ NƠXH là những người không có cả khả năng thuê - mua nhà (trả góp). Hiện nay, nhóm đối tượng trong diện được mua NƠXH quá rộng (9 nhóm).

"Theo tôi, 3 nhóm đối tượng cần hỗ trợ NƠXH cho thuê đầu tiên phải quan tâm là công nhân các KCN, người có thu nhập thấp và học sinh, sinh viên. Nếu nghiên cứu từ phía cầu, thì sẽ nhìn thấy nhiều vấn đề rõ ràng hơn" - TS Phạm Sỹ Liêm nói.

Từ những khó khăn trên, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách NƠXH. Cụ thể, bổ sung vốn cho ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỉ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020. Bên cạnh đó, cấp cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỉ đồng. Điều này có thể giúp nhiều chủ đầu tư và người mua nhà có điều kiện tiếp cận dự án trong thời gian sắp tới.

Theo TBCK

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/i-ach-du-an-nha-o-xa-hoi-khi-can-von-cuu-tro-515376.html