Hyundai Kona có phù hợp người tiêu dùng Việt lúc này?

Là mẫu xe đại diện cho trào lưu thiết kế mới của Hyundai, Kona nhận được nhiều sự chú ý hơn so với các dòng sản phẩm trước đó của hãng xe Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam với người dùng vẫn đề cao tính thực dụng, mẫu xe này liệu có ghi được dấu ấn riêng?

Khám phá mẫu Hyundai Kona vừa ra mắt thị trường Việt Nam

Trong quan điểm của Hyundai, KONA là đối thủ cạnh tranh của một số mẫu SUV tuy nhỏ gọn nhưng “nổi bật trong đám đông” khác các mẫu mang tính thực dụng như Ford EcoSport, Mitsubishi Outlander Sport.

Hệ quả là, những nỗ lực thiết kế đã cho ra đời một trong những mẫu xe với ngoại hình phá cách và đẹp mắt nhất phân khúc vào lúc này, sở hữu nhiều thay đổi phi truyền thống như đèn pha và đèn LED chạy ban ngày đổi chỗ cho nhau, hay số lượng hốc gió dày đặc ở mặt trước tạo cảm giác của một chiếc xe thể thao đầy sức mạnh…

Cùng với Honda HR-V, dường như Kona đã tạo ra một chuẩn mức mới về thiết kế SUV cỡ B: Không còn rẻ tiền, thô ráp, mà thay vào đó là một phụ kiện thời trang đích thực cho giới trẻ hiện đại.

Tuy nhiên, sự nổi bật của ngoại thất vô tình khiến khoang lái chiếc xe mới trở nên thiếu tương xứng, thậm chí khiến nhiều người chưa hài lòng. Trong khi bố cục tổng thể cơ bản khá tốt, chất lượng vật liệu và không gian hàng ghế sau lại trở thành hạn chế đáng tiếc.

Ngồi bên trong khoang lái và nhìn quanh, không khó để nhận ra sự tràn ngập của các loại nhựa plastic cứng, kể cả trên táp lô. Tất cả các bề mặt này đều không đem lại cảm giác thoải mái như một số mẫu xe phổ thông khác, vốn tận dụng các vật liệu mềm dễ chịu hơn.

Với thể tích 334L đến 361L, không gian cốp của Kona là trung bình so với phân khúc. Tuy nhiên, xe thoáng đãng hơn so với một số mẫu cỡ nhỏ của Hyundai như i20 Active. Khoang ghế sau của Kona khá thoải mái về không gian vai và đầu, nhưng những ai cao trên 1,7m sẽ dễ bị thiếu khoảng để chân, khiến những hành trình dài hơi trở nên mệt mỏi hơn.
Bù lại, do phần lớn những người đến với Kona chắc chắn đều ở độ tuổi trẻ, nên việc chiếc xe này được trang bị tràn ngập các chức năng công nghệ sẽ là điểm cộng. Ngoài màn hình 8 inch cảm ứng kết nối Apple CarPlay, xe còn có sạc không dây (hợp chuẩn Qi), cùng với các chức năng hỗ trợ lái như: 3 cơ chế lái (Comfort, Eco và Sport); cơ chế cảnh báo điểm mù, cảnh báo áp suất lốp, hỗ trợ đỗ xe… Về cơ bản, đây là những tính năng khá phù hợp với môi trường vận hành đô thị mà các nhà thiết kế Kona hướng tới.

Về phương diện vận hành, không thể phủ nhận động cơ là thế mạnh tuyệt đối của Kona so với các đối thủ khác thuộc cùng phân khúc. Xe có hai lựa chọn động cơ gồm 2.0L (149 mã lực tại tua máy 6.200 vòng/phút, mô men xoắn cực đại 180 Nm tại 4.500 vòng/phút) và Gamma 1.6L tăng áp (177 mã lực tại 5.500 vòng/phút, 265 Nm tại 1.500-4.500 vòng/phút). Lựa chọn thứ nhất song hành với hộp số tự động 6 cấp, trong khi lựa chọn thứ hai đi kèm với hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép.

Với kích thước và trọng lượng của một SUV hạng B, kết hợp với động cơ mạnh, Kona mang lại cảm giác của một chiếc xe thể thao nhiều hơn là một phương tiện đô thị, điều mà Chevrolet Trax trước đây từng được ca ngợi nhiều về khả năng vận hành cũng không có được.

Hộp số ly hợp kép (trên chiếc xe thử nghiệm) đem tới cảm giác “đóng/mở” ly hợp rất rõ ở tốc độ thấp, đặc biệt là khi nhả chân phanh và mớm nhẹ ga. Khi đã đạp ga dứt khoát, chiếc xe tăng tốc rất mạnh mẽ, đặc biệt nếu được đặt ở chế độ Sport. Với mỗi cá nhân, đây có thể là cảm giác “thích-ghét” lẫn lộn, bởi trong khi một số ưa sự hứng khởi, số khác lại thích thú hơn với cảm giác xe chuyển động êm ái, trơn mượt dù đôi khi có phần nhàm chán.

Một vấn đề đáng nói nằm ở chỗ, hiện nay cả ba phiên bản Kona tại Việt Nam chỉ có hệ dẫn động cầu trước. Theo thiết kế của Hyundai, hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian (AWD) có hệ thống treo sau hoàn toàn khác, dẫn tới việc khối động cơ tăng áp 1.6L dường như hơi quá ngưỡng so với hệ thống treo, cũng như lốp, dù đã được điều tiết thông qua hộp số ly hợp kép 7 cấp. Điều này khiến việc tăng tốc ở trạng thái “lút ga” của Kona sẽ hơi sốc, và đòi hỏi tay lái phải có kinh nghiệm nhất định để “ghìm cương” chiếc xe. Trong tình huống này, đôi khi người lái sẽ mong muốn một cơ chế vô lăng chính xác hơn, thay vì những gì Hyundai trang bị cho xe của mình.

Di chuyển đều ở tốc độ cao, khung gầm chắc chắn và tỉ lệ cân bằng trọng lượng trước/sau hợp lý đã giúp Kona cơ bản ổn định trên mọi cung đường, đặc biệt là đường đèo quanh co. Mặc dù phiên bản thử nghiệm chỉ sử dụng hệ thống treo với thanh xoắn như đề cập ở trên, hiện tượng thân xe bị nhún một cách “lỏng lẻo” so với mệnh lệnh của người lái (vốn thường gặp ở các mẫu xe Hyundai) đã bị loại bỏ hoàn toàn. Nhờ thế, đây là chiếc xe hiếm hoi trong phân khúc có thể đem lại niềm vui cho người ham mê cầm lái, thay vì chỉ là phương tiện đi từ điểm A tới điểm B mà những chiếc SUV hạng B thường hướng tới.

Nhìn chung, những ai muốn một chiếc xe gầm cao ”ăn chắc mặc bền”, rộng rãi và thực dụng hơn có thể sẽ muốn xem xét thêm các phương án khác cùng tầm giá (khởi điểm từ khoảng hơn 600 triệu đồng), mà Toyota Rush hay Mitsubishi Expander là điển hình. Những gì Rush, Expander hay thậm chí là Ford EcoSport cũng sẽ không đem lại được chính là ngoại hình rất bắt mắt và một trái tim mạnh mẽ. Đây cũng là thế mạnh của Kona so với một số đối thủ có phong cách tương tự như Nissan Juke hay Honda HR-V.

Tuy nhiên, dù việc mở rộng không gian ghế sau là khó do đặc thù phân khúc, để thực sự khẳng định được vị trí đầu bảng trong cuộc đua này, có lẽ Kona vẫn cần cải thiện thêm về cơ chế lái, hệ thống phanh và buộc phải mặc định sử dụng hệ thống treo đa điểm ở phía sau.

Hyundai Kona có phù hợp người tiêu dùng Việt lúc này?

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Oto-xemay/921242/hyundai-kona-co-phu-hop-nguoi-tieu-dung-viet-luc-nay