Hy vọng về một thời kỳ ổn định cho đất nước Ethiopia

Ngày 02-4-2018, tại phiên họp bất thường của Hạ viện Ethiopia, ông Abiye Ahmed đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ethiopia thay cho ông Hailemariam Desalegn - người tuyên bố từ chức vào giữa tháng 02-2018, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các cuộc cải cách của đất nước.

Tân Thủ tướng Ethiopia Abiye Ahmed trong Lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 02-4-2018

Trước đó, ngày 27-3-2018, liên minh cầm quyền Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ethiopia (EPRDF) đã bầu ông Abiye Ahmed làm Chủ tịch sau nhiều ngày tranh luận và đàm phán căng thẳng. Với 108/180 phiếu bầu, ông Abiye Ahmed đã vượt qua hai ứng viên của hai đảng khác trong liên minh cầm quyền EPRDF (là ông Shiferaw Shigute của Phong trào Dân chủ Nhân dân miền Nam Ethioipia - SEPDM và ông Debretsion G. Michael của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigrayan - TPLF). EPRDF cũng quyết định để ông Demeke Mekonnen - Chủ tịch Phong trào Dân chủ Quốc gia Amhara (ANDM), tiếp tục giữ cương vị Phó Thủ tướng Ethiopia.

Ông Abiye Ahmed - 42 tuổi, là lãnh đạo Tổ chức Dân chủ Nhân dân Oromo (OPDO), một trong bốn đảng của liên minh cầm quyền Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ethiopia (EPRDF). Ông cũng là Thủ tướng Ethiopia đầu tiên đến từ vùng Oromia - tiểu bang rộng lớn và đông dân nhất Ethiopia - đồng thời là thủ tướng thứ ba của Ethiopia kể từ khi liên minh EPRDF lên nắm quyền.

Phát biểu tại Lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra ngay sau khi được Quốc hội Ethiopia phê chuẩn (ngày 02-4-2018), tân Thủ tướng Abiye Ahmed nhấn mạnh: “Hôm nay là một ngày lịch sử. Chúng tôi đã tiến hành chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Chúng tôi đang đứng trước những cơ hội, thách thức và đang ở trong thời kỳ bất ổn”.

Không chỉ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn do từng là trung tá quân đội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Cơ quan tình báo Ethiopia, ông Abiye Ahmed còn có bằng tiến sĩ về an ninh và hòa bình của Đại học Addis Ababa (Ethiopia) và hai bằng thạc sĩ của Anh và Mỹ.

Kỳ vọng ổn định tình hình

Ông Abiye Ahmed đảm nhận cương vị Thủ tướng Ethiopia trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị khiến tình hình đất nước bất ổn từ năm 2015 đến nay. Mở đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc thu hồi đất đai tại vùng Oromo vào năm 2015, sau đó lan rộng sang các vấn đề chính trị rồi lan sang cả vùng Amharas - tiểu bang lớn thứ hai của Ethiopia. Tình trạng ất ổn khiến Chính phủ Ethiopia đã hai lần phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời ông Hailemariam Desalegn phải tuyên bố từ chức Thủ tướng vào giữa tháng 02-2018.

Là lãnh đạo vùng Oromo, khu vực tâm điểm của các cuộc biểu tình chống chính phủ, tân Thủ tướng Ethiopia Abiye Ahmed được kỳ vọng sẽ tiến hành những cải cách giúp ổn định lại tình hình đất nước. Trong bài phát biểu trên truyền sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Abiye Ahmed cam kết sẽ xây dựng quan hệ ngoại giao hòa bình với Eretria (một khu tự quản ở vùng Trung Hy Lạp), chống tham nhũng và mở rộng dân chủ để đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế. Ông cũng cho biết sẽ tăng cường vai trò của phụ nữ và thanh niên vì họ là nguồn lực chính cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Lựa chọn “đúng đắn”

Các chuyên gia nhận định, việc liên minh cầm quyền EPRDF bổ nhiệm ông Abiye Ahmed làm Chủ tịch EPRDF đã đánh dấu một bước đi “đúng đắn” trong nỗ lực giải quyết những bất ổn và bạo lực thời gian qua, bởi một số lý do:

Thứ nhất, những ưu tiên chính sách của ông Abiye Ahmed phần nào đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình và phe đối lập. Người đứng đầu Đảng Xanh đối lập Yeshiwas Assefa hoan nghênh những tuyên bố chính sách của tân Thủ tướng Abiye Ahmed, đồng thời kêu gọi ông tham gia đối thoại toàn diện với đảng đối lập..., tiến hành cải cách thể chế đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thứ hai, là người vùng Oromo - khu vực tâm điểm của các cuộc biểu tình chống chính phủ, việc ông Abiye Ahmed trở thành Thủ tướng Ethiopia sẽ khiến những người biểu tình mà phần lớn là người Oromo cảm thấy nguyện vọng của họ phần nào được đáp ứng.

Thứ ba, là một lãnh đạo kỹ trị, có kinh nghiệm thực tiễn và có những chính sách cải cách hiệu quả, ông Abiye Ahmed, sẽ giúp EPRDF khôi phục được uy tín đối với người dân nước này, duy trì được quyền lãnh đạo đất nước.

Ngoài ra, các tuyên bố chính sách của ông Abiye Ahmed cũng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Dư luận quốc tế cho rằng, ông Abiye Ahmed đã có được “một cơ hội độc nhất vô nhị” để đưa đất nước Ethiopia thoát khỏi cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.

Mặc dù vẫn còn những hoài nghi rằng, liệu ông Abiye Ahmed có được EPRDF trao cho đủ quyền lực để tiến hành các cải cách hay không, nhưng có thể nói, việc ông Abiye Ahmed trở thành Thủ tướng Ethiopia mang lại nhiều hy vọng về một thời kỳ ổn định cho người dân nước này vốn đã mệt mỏi sau ba năm sống trong tình trạng bất ổn./.

Kể từ năm 2015, đã diễn ra hàng loạt cuộc tuần hành chống Chính phủ Ethiopia vì những bức xúc về các chính sách kinh tế - chính trị không hiệu quả đã diễn ra tại đất nước này. Các cuộc đụng độ do xung đột sắc tộc giữa các thành viên của cộng đồng Oromo và người Somalia cũng liên tục xảy ra, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Nguyễn Bình

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/50842/hy-vong-ve-mot-thoi-ky-on-dinh-cho-dat-nuoc-ethiopia.aspx