Hy vọng từ cuộc gặp lịch sử

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp lịch sử nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày cuối cùng của tháng 6, sau khi ông đến dự thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Cuộc gặp bất ngờ đã mang lại những kết quả tích cực, khi ông Trump cho biết Mỹ và Triều Tiên đã đồng ý chỉ định các nhóm đàm phán hạt nhân và những nhóm này sẽ bắt đầu làm việc trong vài tuần tới.

Vinh dự lớn

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. Ông Trump ngay sau đó trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bước vào lãnh thổ Triều Tiên, gọi đây là vinh dự lớn và dừng lại để chụp ảnh. Cả hai đi bộ 19 bước về phía Bắc, sau đó quay trở lại ranh giới, nơi Tổng thống Trump đặt câu hỏi cho ông Kim Jong-un.

Ông Kim đã đồng ý và thực hiện một chuyến viếng thăm bất ngờ tới tòa nhà Freedom House bên phía Hàn Quốc. Ở đó, ông ngồi xuống với ông Trump và trả lời một số câu hỏi, nói rằng ông đã rất ngạc nhiên trước yêu cầu của Mỹ vào phút cuối.

Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, có sự tham gia của một số thành viên trong các đội hạt nhân của họ, sau đó tiến vào một cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ. Họ trở lại với cam kết đàm phán hạt nhân sẽ được tái khởi động, sau khi đã bị đình trệ kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 tại Việt Nam kết thúc đột ngột mà không có thỏa thuận.

"Chúng tôi không tìm kiếm tốc độ. Chúng tôi đang muốn làm cho đúng. Chúng tôi đang trên quỹ đạo tốt. Đây là một ngày tuyệt vời", ông Trump nói sau cuộc họp.

Cuộc gặp lúc đầu dự kiến chỉ là những cái bắt tay ngắn gọn và nhanh chóng, nhưng đã trở thành một cuộc gặp gỡ kéo dài đến khoảng 66 phút, cả trong nhà và ngoài trời. Chuỗi sự kiện đáng chú ý vì Mỹ và Triều Tiên là những đối thủ lâu năm nhưng có các nhà lãnh đạo đã tạo được một kết nối cá nhân nồng ấm. Mở đầu cho cuộc họp ngày Chủ nhật 30-6 là việc viết thư, mà ông Trump gọi là "đẹp" và ông Kim mô tả là "xuất sắc".

"Thật tốt khi gặp lại ông", ông Kim nói khi họ đứng đối mặt tại biên giới. Sau đó, ông nói với Trump rằng ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên vượt qua đường biên giới, và ông Trump đã làm như vậy lúc 15 giờ 46 phút giờ địa phương, vỗ vai người đồng cấp khi bước qua một lề đường bê tông nhỏ. "Bước chân qua đường đó là một vinh dự lớn", sau đó ông Trump nhớ lại. Khi được hỏi liệu ông có mời ông Kim đến Mỹ không, ông trả lời: "Tôi sẽ mời ông ngay bây giờ".

Mong chờ kết quả thực chất

Các nhà quan sát cho rằng mặc dù sự kiện gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều lần này khá bất ngờ, song nó cũng đi theo một kịch bản quen thuộc trong thời kỳ ngoại giao Trump-Kim.

"Nhà hát kịch và sử kịch chỉ là thoáng qua. Bây giờ chúng ta phải trông chờ những gì có thể ở phía trước", ông Soo Kim, một chuyên gia về Triều Tiên tại Rand Corp, chuyên gia cố vấn chính sách và là cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói.

"Cuộc họp nhanh vào hôm Chủ nhật là một sự phát triển phi thường, mặc dù có nghi ngờ cả hai bên đã thay đổi lập trường đàm phán", Kim Chun-sig, cựu quan chức cấp cao của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói. "Một khi nói chuyện trở lại, cả hai bên sẽ chạy vào cùng một bức tường lặp lại những gì đã nói cho đến nay".

Hai bên bị chia rẽ sâu sắc về cách thức và khi nào Bình Nhưỡng nên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, một sự bất đồng đã trở nên rõ ràng khi các cuộc đàm phán đột ngột bị phá vỡ tại Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam hồi tháng 2. Trong một cuộc họp báo chung trước đó với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Trump đã bác bỏ một câu hỏi cho thấy không có gì thay đổi đáng kể kể từ lần cuối ông và ông Kim nói chuyện. Ông Trump cho rằng những nỗ lực của ông kể từ khi được bầu đã dẫn đến những bước tiến đáng kể hướng tới một hiệp ước

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên rằng Stephen Biegun, Đặc phái viên của Mỹ tại CHDCND Triều Tiên, có thể sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán cấp độ làm việc mới với các đối tác của ông từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên vào giữa tháng 7 tại một địa điểm chưa được xác định .

Ông Pomepo cho biết họ chưa biết rõ các nhà đàm phán của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán này là ai. "Ngay cả ở Hà Nội, chúng tôi cũng đã đạt được tiến bộ", ông Pompeo nói khi chuẩn bị bay về Washington.

"Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng có một điểm xuất phát cho các cuộc thảo luận này, điều này sẽ đưa chúng tôi đến một nơi mà chúng tôi thực sự có thể đánh giá nếu có bất kỳ con đường rõ ràng nào về phía trước. Sau khi nghe Chủ tịch Kim hôm nay, tôi nghĩ là có". Ông Pompeo thừa nhận rằng hai bên đã không có một định nghĩa chung về phi hạt nhân hóa, nhưng khẳng định rằng họ không phải là "người đẽo cày giữa đường".

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Vòng đàm phán Bình Nhưỡng này đã diễn ra ngược lại với những nỗ lực phi hạt nhân hóa trước đây thông qua vai trò quan trọng mà hai nhà lãnh đạo của nước này đã thực hiện trong thỏa thuận. Những nỗ lực trước đây dựa nhiều vào đàm phán cấp làm việc để giải quyết các thỏa thuận giải giáp.

Bình Nhưỡng muốn quá trình này diễn ra theo quy trình từng bước, từng bước, khi Mỹ xóa bỏ một số hình phạt kinh tế đối với nền kinh tế thiếu tiền mặt của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Washington mong muốn một món hời lớn hơn, kêu gọi Triều Tiên đồng ý các điều khoản cụ thể trước khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng.

Tại Hà Nội, phía Triều Tiên đề nghị đóng cửa một số khu vực thuộc khu phức hợp Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của đất nước sản xuất plutonium và uranium rất giàu. Nhưng bù lại, ông Kim yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt gần đây nhằm ngăn chặn phần lớn thương mại quốc tế của miền Bắc và hạn chế mạnh việc nhập khẩu dầu. Washington đã từ chối các điều khoản đó, tìm kiếm một gói nhượng bộ rộng hơn vượt ra ngoài cơ sở Yongbyon.

Cả hai đều cần ghi điểm

Bình Nhưỡng đổ lỗi cho Washington về kết quả không có thỏa thuận tại Việt Nam. Miền Bắc đã cho thấy sự thất vọng của mình trong những tháng gần đây, với những lần thử nghiệm vũ khí và những lời lăng mạ đối với các quan chức và nhà chính sách cấp cao của Mỹ trên phương tiện truyền thông nhà nước.

Ông Kim, trong một bài phát biểu chính sách hiếm hoi vào tháng 4, đã cảnh báo Mỹ cần thay đổi lập trường đàm phán của mình vào cuối năm, hoặc phải đối mặt với viễn cảnh về một kết cục ảm đạm và rất nguy hiểm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã hứa với người dân của mình một sự hồi sinh kinh tế, một bước ngoặt không thể thực hiện được trong khi quốc gia này đang phải chịu các lệnh trừng phạt hiện có. Điều đó khiến các chuyên gia an ninh đặt câu hỏi hai bên thực sự phải mất bao nhiêu thời gian để môi giới một thỏa thuận cho một lần ngồi xuống giữa Trump-Kim tiếp theo.

"Nếu ông Kim thất bại một lần nữa, tôi nghĩ điều đó sẽ có thể rất nguy hiểm cho chế độ của ông. Vì vậy, ông ấy sẽ phải trở thành một con bạc lớn trong 6 đến 9 tháng tới", Kim Sung-han, một cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và hiện là Trưởng khoa sau đại học tại Đại học Hàn Quốc, nói.

Ông Trump cũng vậy, sẽ đối mặt với rủi ro chính trị nếu ông Kim trở nên tức giận đến mức ông quay trở lại phóng tên lửa tầm xa. Chính quyền Trump cho rằng việc Bình Nhưỡng không tiến hành các thử nghiệm như vậy là bằng chứng cho thấy cách tiếp cận của họ với Bình Nhưỡng đang hiệu quả.

Ông Trump là tổng thống Mỹ thứ 5 đến thăm DMZ, nhưng là người đầu tiên trong hơn 7 năm qua. Thế nhưng, không ai đến Triều Tiên khi còn đương chức. Ông Clinton đã tới Triều Tiên vào năm 2009, nhiều năm sau khi rời nhiệm kỳ tổng thống và đưa về 2 nhà báo đã bị giam giữ. Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã đến đó 3 lần sau khi rời văn phòng, 2 lần trong các nhiệm vụ ngoại giao và một lần để mang về một công dân Mỹ bị giam giữ.

Vẫn chưa biết liệu Mỹ và CHDCND Triều Tiên có đưa ra lập trường mới, linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa hay không. Nhưng một số chuyên gia an ninh đã nhìn thấy giá trị trong cuộc họp thứ ba dù sao vì điều đó làm giảm khả năng Bình Nhưỡng sẽ chuyển sang các hành động khiêu khích quy mô nhỏ hơn.

"Những cử chỉ thiện chí của những người như thế này rất quan trọng", theo bà Kristine Lee, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington.

Bàng Cương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/hy-vong-tu-cuoc-gap-lich-su-552953/