Hy vọng thoát tù của trùm ma túy Mexico Guzman

Ngày 4-9, luật sư của trùm ma túy Mexico Joaquin 'Chapo' Guzman đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Khu vực hai ở New York, kháng cáo bản án tù chung thân mà tòa án Mỹ đã tuyên một năm trước với thân chủ vì tuồn hàng trăm tấn ma túy vào nước này.

Chưa rõ tòa án thụ lý việc kháng cáo này như thế nào, nhưng nhìn vào hành trình phạm tội của ông trùm băng đảng ma túy khét tiếng Guzman thì việc này khá kỳ quặc. Bởi Guzman, biệt danh El Chapo (gã lùn) được biết “chúa tể ma túy” nguy hiểm nhất mọi thời đại.

Hắn là người kích động nhiều cuộc chiến ma túy lớn ở Mexico, làm náo loạn đất nước này từ năm 2006, tuồn vào Mỹ cả trăm tấn cocaine. Chưa hết, tên tuổi của El Chapo đã trở thành "huyền thoại" sau nhiều lần vượt ngục tưởng chừng chỉ có trong phim Hollywood.

"Thằng lùn" làm loạn cả châu Mỹ

Joaquin Guzman Loera, sinh năm 1957 trong một gia đình nghèo ở cộng đồng nông thôn La Tuna, Badiraguato, Sinaloa, Mexico. Bố hắn, về hình thức là một chủ trang trại gia súc, nhưng có thông tin cho rằng ông ta có thể là một người nông dân “kiếm thêm” bằng cách trồng cây thuốc phiện.

Sinh ra trong gia đình đông con nên mới học hết lớp 3, Guzman đã bỏ học để ở nhà làm việc với cha. Tuy nhiên, người cha thường xuyên đánh đập đứa con trai. Khi trưởng thành, Guzman có biệt danh là "El Chapo" (tiếng Tây Ban Nha: "thằng lùn" do chiều cao 1,68m. Học vấn thấp, không nghề nghiệp, vì thế Guzman nhanh chóng tham gia vào việc buôn bán ma túy.

Cũng phải nói qua một chút về các băng đảng ma túy ở Mexico. Với vị trí địa lý, Mexico từ lâu đã được sử dụng làm điểm dừng và trung chuyển cho ma túy và hàng hóa lậu thuế giữa châu Mỹ Latinh và thị trường Mỹ.

Những người bán rượu lậu ở Mexico đã cung cấp rượu cho các băng đảng Mỹ trong suốt thời gian Mỹ cấm rượu; sau đó bắt đầu buôn bán ma túy bất hợp pháp với Mỹ khi lệnh cấm bán rượu chấm dứt vào năm 1933. Vào cuối những năm 1960, những kẻ buôn lậu ma túy ở Mexico bắt đầu buôn lậu ma túy trên quy mô lớn…

Guzman bị bắt năm 2016.

Guzman bị bắt năm 2016.

Năm 1970, Guzman đầu quân cho băng buôn lậu ma túy do Hector Luis Palma Salazar cầm đầu. Năm 1989, Guzman cùng Hector Luis Palma Salazar thành lập băng buôn lậu Sinaloa. Sau khi nắm quyền lãnh đạo, ông trùm nhanh chóng mở rộng các hoạt động buôn lậu ma túy ra khắp khu vực.

Không chỉ buôn ma túy, Guzman còn biến Sinaloa thành băng nhóm tội phạm hoạt động cả lĩnh vực rửa tiền. Xây dựng đại bản doanh ở thành phố Culiacán, Sinaloa, với các hoạt động tại các bang Baja California, Durango, Sonora và Chihuahua của Mexico.

Tập đoàn Sinaloa của Guzmán đã buôn lậu nhiều tấn hàng cocain từ Colombia qua Mexico sang Mỹ, nơi tiêu dùng mặt hàng này hàng đầu thế giới, và có chân rết phân phối trên khắp nước Mỹ.

Tổ chức này cũng đã được tham gia vào việc sản xuất, buôn lậu và phân phối methamphetamine Mexico, cần sa, thuốc lắc (MDMA) và heroin trên khắp cả Bắc Mỹ và châu Âu. Guzman đã tạo dựng tên tuổi bằng cách sử dụng hệ thống đường hầm xuyên biên giới vô cùng tinh vi để buôn lậu ma túy sang Mỹ một cách nhanh chóng, mã hóa liên lạc thông qua máy chủ ở Canada và sử dụng một đội xe hùng hậu.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, băng Sinaloa đã tuồn vào Mỹ và phân phối gần 200 tấn cocain và một lượng lớn heroin từ năm 1990 đến năm 2008. Còn Trung tâm tình báo ma túy quốc gia, tại Mỹ, băng Sinaloa chủ yếu tham gia vào việc phân phối cocaine, heroin, methamphetamine, cần sa và MDMA. Đây là nhà cung cấp fentanyl bất hợp pháp chính cho vùng Bắc Mỹ.

Ước tính số tiền mà Guzman kiếm được từ buôn bán ma túy đã đưa gã vào danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2009 do Tạp chí Forbes bình chọn. Tài sản của trùm ma túy này lúc đó ước tính khoảng 1 tỉ USD, dù con số này thực ra vẫn còn quá ít so với số tài sản thật sự mà Guzman có được nhờ làm ăn phi pháp. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vào năm 2017, họ đã tìm cách tịch thu hơn 14 tỉ USD tiền bán ma túy và lợi nhuận bất hợp pháp của Guzman.

Để tranh giành thị trường đen, băng đảng Sinaloa cũng đã gây ra cuộc chiến đẫm máu với các băng đảng khác, biến Mexico thành một trong những quốc gia bạo lực nhất thế giới.

Cuộc đời Guzman thậm chí đã được dựng thành phim. Bộ phim "Hunting El Chapo" (Săn lùng EL Chapo) ra mắt năm 2017 được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên, chứa đựng những tình tiết ít biết về cuộc truy lùng tên trùm ma túy "El Chapo".

Guzman trong lần đầu tiên bị bắt vào năm 1993 (bên trái) và khi bị dẫn độ đến New York vào năm 2017.

Bị bắt và trốn tù như… phim

Guzman bị bắt lần đầu vào tháng 6-1993 tại Guatemala. Sau khi cảnh sát dẫn độ gã về nước, Tòa án liên bang Mexico tuyên án gã 20 năm tù về tội giết người và buôn lậu ma túy, đồng thời tống giam gã ở nhà tù an ninh nghiêm ngặt nhất ở bang Jaliso. Nhưng trong thời gian thụ án, Guzman vẫn điều hành mạng lưới buôn lậu nhờ mua chuộc nhân viên trại giam.

Tháng 1-2001, gã trốn khỏi tù trên chiếc xe giặt ủi với sự giúp sức của nhân viên an ninh. Sau khi đào tẩu, Guzman thiết lập một hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt nhiều lớp giúp hắn lẩn trốn cảnh sát cũng như sự truy sát của băng đảng.

Tháng 2-2014, sau 13 năm lẩn trốn, trùm ma túy bị bắt lần nữa tại một khách sạn ở bãi biển Mazatlan, bang Sinaloa, Mexico. Lực lượng chống ma túy Mỹ (DEA) yêu cầu dẫn độ Guzman về Mỹ để xét xử.

Tuy nhiên, tháng 3-2014, tổng chưởng lý tòa án liên bang Mexico từ chối đề nghị của Mỹ. Đại diện tòa án Mexico lập luận: Guzman phải chịu sự trừng phạt của pháp luật trong nước về các tội danh của gã. Theo Tổng chưởng lý Jesus Murillo Karam, cộng các tội danh gã trùm phải chịu mức án từ 300 đến 400 năm tù.

Trong lúc Mexico và Mỹ chưa thống nhất được việc dẫn độ Guzman thì ngày 11-7-2015, ông trùm một lần nữa biến mất khỏi phòng giam nhờ vào hệ thống đường hầm bên dưới nhà tù ở Altiplano.

Được biết đường hầm này sâu 10 m, dài 1,5 km, được đào thông từ phòng giam “El Chapo” đến một căn nhà đang xây ở bên ngoài nhà tù với trang bị điện thông gió, thang dây và cả xe máy để phục vụ quá trình vượt ngục của tên trùm. Theo CNN, lúc này chính quyền Mexico đã treo thưởng 60 triệu peso (3,8 triệu USD) cho người cung cấp thông tin bắt giữ “El Chapo”.

Tuy nhiên, sau nhiều năm lẩn trốn, "El Chapo" cuối cùng đã sa lưới vào ngày 8-1-2016 sau một cuộc đấu súng tại nhà của tay trùm này ở TP Culiacan, thuộc bang Sinaloa của Mexico. Ngày 20-1-2017, Guzman bị dẫn độ sang Mỹ do gã đã bị Mỹ truy nã từ năm 2001.

Một người mặc trang phục và uống bia có thương hiệu El Chapo.

Ngồi tù vẫn giúp gia đình kiếm bộn tiền nhờ… "thương hiệu"

Ngày 17-7-2019, với cáo buộc bán hàng tấn cocaine, heroin, cần sa và tham gia vào nhiều âm mưu giết người với tư cách là thủ lĩnh băng đảng Sinaloa, một trong những tổ chức buôn ma túy lớn nhất và bạo lực nhất Mexico, Guzman bị Thẩm phán liên bang tại Brooklyn Brian Cogan kết án tù chung thân cộng thêm 30 năm; ngoài ra Guzman còn bị yêu cầu nộp 12,6 tỷ USD, số tiền gã kiếm được trong 25 năm buôn bán ma túy ở Mỹ.

Với lý lịch trốn tù như phim, lần này Guzman bị giam giữ tại nhà tù ADX Florence, bang Colorado, nhà tù kiên cố duy nhất do chính quyền liên bang Mỹ quản lý.

Duncan Woodm Giám đốc trung tâm Wilson ở Washington, Mỹ, nói: “El Chapo bị chăm sóc đặc biệt vì đã 2 lần vượt ngục thành công. Nhà tù sẽ đảm bảo rằng El Chapo không còn gây ra rắc rối cho thế giới bên ngoài. Hắn chỉ có 1 giờ được ra khỏi phòng giam. Tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ còn nhìn thấy hắn nữa, giống như biến mất khỏi thế giới này”.

Tuy nhiên, dù ông trùm đã thụ án tù ở Mỹ, doanh thu từ… bia và quần áo mang thương hiệu El Chapo đang giúp gia đình người này kiếm về bộn tiền. Bởi chỉ vài tháng sau khi Guzman bị kết án tại Mỹ, một dòng bia hơi mang thương hiệu khét tiếng này đã xuất hiện trên thị trường.

Tháng 3-2019, vợ của ông trùm là Emma Coronel cũng đã cho ra mắt dòng sản phẩm thời trang và kính mắt, dưới sự cho phép của chồng mình. Tiếp đó, tại hội chợ thời trang nổi tiếng nhất Mexico là Intermoda tổ chức tháng 1-2020, một dòng bia mới mang tên Chapo và hình ảnh của ông trùm ma túy đã xuất hiện.

Bia Chapo có hai phiên bản, loại nhẹ màu sáng và loại đậm hơn với màu nâu, đều có logo hình ông trùm ma túy được in bền ngoài thân chai. Giá mỗi chai có giá khoảng 70 peso (3,75 USD). Quầy bia xuất hiện ngay bên cạnh gian hàng bán áo sơ-mi sặc sỡ, mũ lưỡi chai và các trang phục khác của thương hiệu Chapo 701 - được chính tay vợ của ông trùm là Emma Coronel thiết kế. Giấy phép sản xuất bia được đăng ký vào tháng 6-2019, với bản quyền thuộc về Alejandrina Gisselle Guzman Salazar - con gái của ông trùm trong cuộc hôn nhân đầu tiên.

Và lần này, với việc kháng cáo bản án chung thân, dù chưa biết kết quả ra sao nhưng cái tên Guzman lại trở nên “hot” và không biết người thân của gã có lại nghĩ cách kiếm tiền từ chuyện này hay không.
Ngọc Trang (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/hy-vong-thoat-tu-cua-trum-ma-tuy-mexico-guzman-610848/