Hy vọng một năm khởi sắc

Ngay từ đầu năm, ngành chăn nuôi vừa căng mình chống dịch bệnh vừa tái đàn, ổn định sản xuất. Với sự ra đời của Luật Chăn nuôi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, hy vọng, đây sẽ là bước tạo đà để ngành chăn nuôi bứt phá, tạo nên một năm khởi sắc.

Tập trung tái đàn, ổn định sản xuất

Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Xuân Hùng, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê, TX Đông Triều, đang đẩy mạnh việc tái đàn sau dịch bệnh. Với 50 con lợn nái khỏe mạnh do chính gia đình gây giống, anh Hùng đặt nhiều hy vọng vào lần tái đàn này.

Anh chia sẻ: Ngày nào tôi cũng theo dõi tin tức trên đài, báo để nắm tình hình dịch bệnh. Đồng thời chủ động dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh nguồn thức ăn và nước uống cho đàn lợn. Bên cạnh đó, xã cũng đã cử cán bộ thú y xuống hỗ trợ gia đình xịt khử trùng tại các chuồng trại và rắc vôi bột trước khi gia đình chuẩn bị tái đàn mới.

Được biết, hiện nay tình hình tái đàn trên địa bàn xã Bình Khê vẫn mang tính cầm chừng, thăm dò, chủ yếu tại cơ sở chủ động được nguồn giống. Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), năm 2020, dự kiến tổng sản lượng thịt lợn toàn tỉnh là 98.516 tấn; chăn nuôi gia cầm đạt trên 3,5 triệu con.

Vì vậy, để đảm bảo nguồn thịt lợn cung ứng ra thị trường, các hộ dân đang có xu hướng quay trở lại chăn nuôi, thực hiện đúng nguyên tắc vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào trong chuồng, trại nuôi lợn.

Đồng thời, bổ sung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Đây là một trong những giải pháp giảm thiểu tối đa rủi ro trong chăn nuôi, đồng thời, hướng tới chăn nuôi có kiểm soát, nâng cao tính cạnh tranh.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê, TX Đông Triều, chăm sóc đàn lợn nái vừa được tái đàn.

Anh Nguyễn Xuân Hùng, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê, TX Đông Triều, chăm sóc đàn lợn nái vừa được tái đàn.

Hiện nhiều địa phương ở khu vực miền Đông, nhất là huyện Tiên Yên cũng đã sẵn sàng tái đàn sau dịch cúm gia cầm A/H5N6. Huyện Tiên Yên hiện có trên 165.000 con gia cầm, 15 trang trại chăn nuôi gia cầm. Với phương châm phòng bệnh là chính, UBND huyện đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện.

Công tác phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại bằng các dung dịch sát khuẩn và rắc vôi bột; cho gà, vịt uống nước sạch; tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi được thực hiện đồng bộ.

Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lục Văn Long, trước diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, bên cạnh việc làm tốt công tác khử trùng, phòng chống dịch, phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm, huyện đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm phòng vắc xin cúm đầy đủ, đúng liều; huy động các nguồn lực tổ chức tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các mầm bệnh.

Khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực

Thực tế, hiện nay các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, tình hình dịch bệnh khó lường. Với địa phương có đường biên giới dài như Quảng Ninh, thời điểm cuối năm và đầu năm thường phát sinh lây lan dịch bệnh nhiều do các hoạt động giết mổ, thông thương, thương mại, du lịch…

Đây là những khó khăn của ngành chăn nuôi toàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, khi Luật Chăn nuôi ra đời sẽ là nền tảng thực hiện tái cơ cấu theo hướng sản xuất, nhiều khó khăn sẽ dần dần được tháo gỡ.

Cán bộ địa phương đến thăm trang trại chăn nuôi gà của anh Bùi Văn Tý, thôn An Lợi, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà.

Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19/11/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Một trong những điểm mới của Luật là việc các cơ sở chăn nuôi phải sớm di dời ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 54 quy định tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã. Quy định này được đưa vào trong Luật nhằm kiểm soát được quy mô chăn nuôi và có quy hoạch cụ thể từng vùng. Đáng chú ý, tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định sẽ được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh.

Để Luật Chăn nuôi đi vào cuộc sống, Sở NN&PTNT đã quán triệt đến ngành nông nghiệp các địa phương, tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin về Luật cho nông dân thông qua các chương trình, hội nghị.

Đồng thời, lồng ghép trong các buổi họp tổ dân, khu phố, thôn, bản để người dân nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng dự kiến kế hoạch xây dựng nghị quyết trình HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu vực dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Luật Chăn nuôi, đồng thời kiểm soát số lượng đàn gia súc, gia cầm, góp phần đảm bảo tình hình chăn nuôi trên địa bàn, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi 2018 còn quy định việc chăn nuôi trang trại phải có biện pháp xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi trang trại và nông hộ; quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;… để từng bước kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Hy vọng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, cũng như sự ra đời của Luật Chăn nuôi, ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ có một năm khởi sắc, bội thu.

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202002/hy-vong-mot-nam-khoi-sac-2472062/