Hy vọng mới cho jazz Việt

Nhạc jazz Việt Nam sau nhiều năm vẫn được biết tới qua tiếng kèn saxophone của cha con NSƯT Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc. Nay có thêm Nguyễn Tuấn Nam- piano và Bùi Lan Hương- hát. Tất cả đều xuất hiện trong Nam Jazz Night- đêm nhạc được kỳ vọng nhiều về mức chuẩn chỉ của jazz sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội (15/8) và tại Nhà hát TPHCM (23/8).

Nghệ sĩ piano Nguyễn Tuấn Nam và bạn cùng khóa Tùng Dương. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ piano Nguyễn Tuấn Nam và bạn cùng khóa Tùng Dương. Ảnh: NVCC

Chương trình do Nguyễn Tuấn Nam (tốt nghiệp piano jazz tại Học viện Malmo, Thụy Điển) lên ý tưởng và làm giám đốc âm nhạc không thể thiếu các nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc, Bùi Lan Hương (vừa tốt nghiệp thanh nhạc jazz tại Singapore). Ngoài ra còn có sự tham gia của Tùng Dương, Thủy Bùi tại Hà Nội, và Hà Lê, Lê Hiếu tại TP.HCM. Đây là hai đêm nhạc khởi động cho chuỗi chương trình Nam Jazz Night, dự tính 2-3 lần mỗi năm.

Đêm nhạc sắp tới gồm ba phần. Phần một, là Feels like home gồm những bản hòa tấu nổi tiếng và cả những sáng tác của Tuấn Nam. Phần hai Dân gian là màn kết hợp của Tuấn Nam với Quyền Văn Minh- Quyền Thiện Đắc. Phần ba Fusion kết hợp với các ca sĩ chiếm một nửa thời lượng chương trình.

Quyền Thiện Đắc cố vấn chuyên môn của hai đêm nhạc tỏ ra ngạc nhiên khi “gặp lại” Tuấn Nam. Vì 10 năm trước, Đắc đã chơi trong ba đêm nhạc báo cáo kết quả tốt nghiệp của Tuấn Nam với sự tham gia của các nghệ sĩ Thụy Điển tại Hà Nội. Sau đó anh tưởng Nam giã từ jazz, yên vị là thành viên của ban nhạc Anh Em. Chính vì thế khi Nam đặt vấn đề làm đêm nhạc jazz, Đắc đã buộc phải thử lại tay nghề Nam xem chất jazz có bị suy xuyển. Kết quả là không, lại thêm được nhiều “chất” khác sau thời gian cọ sát, học hỏi với Anh Em.

Nam tâm sự: “10 năm là thành viên của ban nhạc Anh Em, có thể tôi không có nhiều cơ hội chơi jazz thỏa sức nhưng bù lại có cơ hội học hỏi cái hay của những thể loại âm nhạc khác. Nhờ đó, tôi được thử nghiệm đưa jazz len lỏi vào các thể loại nhạc đó, đưa jazz đến gần với công chúng hơn. Sau khi chơi rất nhiều thể loại âm nhạc, tôi muốn tìm lại cái gốc mình được đào tạo. Tôi lại có khát khao cháy bỏng làm nghệ sĩ biểu diễn. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp”. Nam cho hay sẽ không chỉ “an phận” là một nghệ sĩ biểu diễn mà sẽ còn là nhà sản xuất để vẽ nên một bức tranh tổng thể, giúp công chúng nhận diện jazz rõ nét hơn.

Bố của Nam chính là kiện tướng thể dục dụng cụ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô, vì vậy từ bé Nam đã được gieo rắc trong đầu ý tưởng du học. Nam được cho đi học piano từ năm lên 7 lý do là nghịch quá nên các đồng nghiệp của bố khuyên gia đình nên cho học nhạc, “kẻo sau này nó thành cướp”!? Tiếp xúc với jazz từ sớm, Nam nghiện lúc nào không biết. Học hết Trung cấp, Nam hoang mang trước 2 lựa chọn: Theo đuổi jazz hay đi học sáng tác để dễ hòa đồng với thị trường âm nhạc. Lần đầu tiên trong đời học sinh, cậu bỏ bê học hành đến mức phải thi lại. Cũng may thầy Lưu Quang Minh khuyên giải, bảo cứ kiên trì đi, thầy kiếm học bổng cho mà theo jazz, Nam mới yên tâm học hành. “Thầy có công lớn trong sự nghiệp của tôi,” Nam nói.

Học xong có cơ hội ở lại trời Tây, không thành sao thì cũng sống được bằng jazz (khi đang học, Nam có cơ hội diễn ở Phần Lan, Đức, Đan Mạch…) nhưng Nam vẫn quyết trở về vì cảm thấy “ở bên đấy lạc lõng quá”. Vợ anh học ngành tài chính ở Pháp cũng theo chồng về nước. Show diễn ra mắt, vợ giúi cho chồng 40 triệu trong khi chi phí 3 đêm diễn ở Nhà hát Lớn là hơn 50 triệu. May cuối cùng thu về 85 triệu, có tiền trả vợ. Cho đến giờ Nam vẫn tự hào không phải vay hay xin tiền vợ để làm chương trình nữa.

Sau 10 năm “nằm vùng”, Nam vui sướng được quay trở lại làm nghệ sĩ solo jazz trên sân khấu lớn. “Chỉ là nghệ sĩ biểu diễn thôi thì sức lan tỏa hạn chế. Tôi muốn mở ra sân chơi cho tất cả các nghệ sĩ yêu thích jazz ở Việt Nam”. Sự thực là những jazzman chơi saxophone dễ nổi bật ở vị trí solo hơn. Tuy nhiên những nghệ sĩ piano jazz lại thường nắm thêm vai trò sáng tác, hòa âm, phối khí… Thế giới hiện có những tên tuổi lớn như Herbie Hancock, Chick Korea, Keith Jarrett… truyền cảm hứng cho Nam. Nam cũng có những ca khúc jazz hoặc hơi hướng jazz nhưng vẫn chưa công bố dịp này. Sau khi ra mắt Nam Jazz Night, anh sẽ sản xuất CD và liveshow cuối năm nay cho một ca sĩ nhạc pop nhưng không tiết lộ tên.

Nguyễn Tuấn Nam được đặc cách tuyển thẳng vào Học Viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển) năm 2007, nhận học bổng toàn phần khóa đào tạo cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Piano Jazz. Trong thời gian học tập nước ngoài anh biểu diễn cùng nghệ sĩ Buzor (Đan Mạch). Cả hai lưu diễn và gặt hái nhiều thành công tại: Festival Sata-Hame Soi 2009 (Phần Lan), Triển lãm Âm Nhạc Thế Giới tại Frankfurt (Đức), Jazzcruise Sinjaline (Thụy Điển) và nhiều liên hoan âm nhạc khác tại Thụy Điển, Đan Mạch. Về nước năm 2010, anh tổ chức liveshow đầu tiên tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TPHCM với sự góp mặt của tam tấu Trio Per Oscar Nilsson (Thụy Điển) và NSƯT Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc và thầy anh, GS. Hakan Rydin.

N.M.Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/hy-vong-moi-cho-jazz-viet-1693667.tpo